Bảo hộ lao động nhiều doanh nghiệp còn bỏ ngỏ

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/6/2011 | 2:44:41 PM

YBĐT - Để công tác bảo hộ lao động trong lao động thực sự là bức tường ngăn chặn sự rủi ro, tai nạn cho người lao động, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra việc chấp hành pháp Luật Lao động trong các doanh nghiệp một cách thường xuyên.

Nguy cơ mất an toàn lao động rất cao tại các điểm khai thác mỏ. (Ảnh: Khai thác đá trắng tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên)
Nguy cơ mất an toàn lao động rất cao tại các điểm khai thác mỏ. (Ảnh: Khai thác đá trắng tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên)

Bảo hộ lao động luôn được các cấp, các ngành quan tâm, nhằm mục đích cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mặc dù vậy, tình trạng chủ doanh nghiệp vẫn phớt lờ những quy định về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) trong khi người lao động thì thiếu kiến thức, coi nhẹ vấn đề bảo hộ lao động (BHLĐ), dẫn đến nguy cơ mất an toàn và tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng.

Khi đến các công trường, nhà máy, xí nghiệp khẩu hiệu đầu tiên thường gặp là: "An toàn là bạn, tai nạn là thù", "An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn"... BHLĐ, ATVSLĐ là bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khoẻ cho bản thân người lao động. Quan điểm chính sách của Nhà nước về BHLĐ, ATVSLĐ là nhằm đảm bảo cho người lao động có quyền làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về BHLĐ nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và từng bước cải thiện điều kiện làm việc.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái, lấy công nghiệp là mũi nhọn, trong đó công nghiệp khai khoáng là trọng tâm, trong công nghiệp khai thác khoáng sản có từ thăm dò, khai thác, chế biến xuất khẩu. Xin được đề cập đến vấn đề về BHLĐ, ATVSLĐ trong các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Có thể thấy, công tác bảo hộ lao động hiện nay ở các công trình, dây chuyền, xưởng khai thác, chế biến chưa được các chủ doanh nghiệp quan tâm một cánh đúng mức. Ví như năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 28 vụ tai nạn lao động, làm 2 người chết, 26 người bị thương, gây thiệt hại về kinh tế và tổn thương đời sống tinh thần rất lớn. Thực tế cho thấy, không phải các doanh nghiệp hay nhà thầu không biết những quy định về công tác BHLĐ ở các công trình xây dựng nhưng các doanh nghiệp, nhà thầu tỏ ra “nhờn thuốc” làm liều hay “nhắm mắt làm ngơ”.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chủ doanh nghiệp sợ chi phí tốn kém ảnh hưởng đến lợi nhuận, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về những quy định BHLĐ của người lao động. Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân rất cơ bản, đó là thanh tra việc chấp hành quy định BHLĐ của doanh nghiệp khai thác đá, khoáng sản chưa thực hiện nghiêm túc, thường xuyên nên đây là kẽ hở để các chủ doanh nghiệp “lọt lưới”.

Mặt khác, phần lớn lao động ở các công trình, cơ sở chế biến, khai khoáng chỉ là những lao động làm việc theo thời vụ, không có hợp đồng lao động nên người lao động không được trang bị BHLĐ. Nếu quan sát ở một công trình hoặc dây chuyền sản xuất, chế biến, khai thác đá, khoáng sản trên địa bàn tỉnh thì thấy việc trang bị dụng cụ BHLĐ cho người lao động hầu như không có, nếu có thì cũng không đầy đủ. Mặt khác, người lao động cũng không được đào tạo cơ bản, chủ quan, thiếu thói quen cũng như ý thức sử dụng các phương tiện BHLĐ bảo vệ an toàn cho chính mình.
 
ATVSLĐ-PCCN đang là vấn đề bức xúc và nhức nhối. Thực tế hàng loạt các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong tháng 4/2011 vừa qua như vụ sập một nhánh lò Co Di San tại xã Cao Phạ huyện Mù Cang Chải do Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Nam Hồng Hà khai thác quặng từ năm 2007 đến năm 2009 trên diện tích 8,78 ha, nay đang chờ gia hạn khai thác, khiến Lý A Dờ, 25 tuổi, dân tộc Mông, trú tại bản Ma Lừ Thàng, xã Dế Xu Phình chết tại chỗ; Lý A Chu và Hảng A Chua, trú tại xã La Pán Tẩn bị thương.

Từ việc khai thác trái phép, không có kỹ thuật trên, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực không tham gia khai thác trái phép khoáng sản, không tàng trữ, buôn bán khoáng sản, đồng thời lực lượng chức năng đã tiến hành đánh sập cửa lò chính Co Di San, kiên quyết không để tái diễn việc khai thác quặng chì, kẽm trái phép.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 171 mỏ khoáng sản cấp phép, chủ yếu là khai thác đá vôi trắng, sắt, chì kẽm, đá xây dựng..., trong đó có 62 mỏ đang hoạt động, còn lại là các mỏ đang trong giai đoạn chờ cấp phép hoặc trong giai đoạn thăm dò.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại Công văn số 2026/VPCP ngày 05/4/2011, tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trong tháng 5, kiểm tra an toàn lao động tại 11 mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế thấp nhất việc mất an toàn lao động trong khai thác khoáng sản.

Thực tế cho thấy, công tác bảo hộ lao động tại các điểm khai thác mỏ ở Yên Bái còn nhiều bất cập; tình trạng không đủ phương tiện bảo hộ lao động diễn ra phổ biến, nhất là trong việc khoan, bắn, nổ; một số chủ doanh nghiệp khai thác khoáng sản không nộp đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động; việc kiểm tra, xử phạt các vi phạm còn nhiều lúng túng, cần được chấn chỉnh.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước và các ngành chủ quản cần rà soát lại tình trạng thực hiện Luật Lao động tại các doanh nghiệp, những bài học đắt giá từ tai nạn lao động gây thiệt hại nghiêm trọng, thực sự đang là nỗi ám ảnh chúng ta.

Để công tác BHLĐ cũng như các biện pháp an toàn trong lao động thực sự là bức tường ngăn chặn sự rủi ro, tai nạn cho người lao động thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra việc chấp hành pháp Luật Lao động trong các doanh nghiệp một cách thường xuyên.

Mặt khác, bản thân người lao động cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trong quá trình làm việc. Nếu chủ doanh nghiệp và người lao động có cùng tiếng nói chung, có trách nhiệm chung thì sẽ giảm đi rất nhiều những tai nạn lao động không đáng có.

Phan Tiến Thạch

Các tin khác

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa có công văn đề nghị các bộ, ngành phối hợp để đảm bảo cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ năm 2011 diễn ra nghiêm túc, trật tự, an toàn và đúng quy chế.

YBĐT - Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được Đảng ủy Quân sự tỉnh xác định là một chủ trương lớn nhằm không ngừng nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên trong tình hình mới.

Cán bộ xử lý hồ sơ về cấp phép khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải định kỳ chuyển công tác. Ảnh minh họa

YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành quyết định quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.

Hàng ngàn héc-ta lúa đang tới kỳ thu hoạch tại Nam Định bị ngập.

Bão số 2 đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản, đồng thời gây lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, khiến nhiều khả năng xuất hiện đỉnh lũ lịch sử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục