Khơi dậy truyền thống nhân ái, trách nhiệm của toàn xã hội với nạn nhân chất độc da cam

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/8/2011 | 9:35:07 AM

YBĐT - Chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân da cam giúp họ vươn lên là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Đại diện Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại xã Động Quan, huyện Lục Yên.
Đại diện Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại xã Động Quan, huyện Lục Yên.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, Yên Bái có trên 1.340 nạn nhân chất độc da cam/Dioxin được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Trong đó: thành phố Yên Bái có 346 người, huyện Văn Yên 257 người, Trấn Yên 216 người, Lục Yên 162 người, Văn Chấn 173 người, Yên Bình 145 người, thị xã Nghĩa Lộ 39 người, Trạm Tấu 2 người). Có trên 500 người bị suy giảm trên 81% sức khỏe, trên 200 người hoàn toàn không thể tự lực được trong sinh hoạt hàng ngày, 600 trường hợp dị dạng, dị tật. Nhiều gia đình có 3-4 người là nạn nhân chất độc da cam…

Ngày 10 tháng 8 năm 1961, không lực Hoa Kỳ bắt đầu rải hóa chất độc hại mở màn cho chiến dịch khai quang hủy hoại môi trường sinh thái và sức khỏe con người suốt trong 10 năm ở miền Nam Việt Nam. Hơn 3 triệu ha rừng núi, đồng ruộng, gần 26.000 thôn, bản đã bị rải chất độc hóa học, gần 5 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin với khoảng 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. Hàng vạn người đã chết trong đau khổ, hàng chục vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ.

Nhằm khơi dậy truyền thống nhân ái và trách nhiệm của toàn xã hội tham gia giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, ngày 6/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý với đề nghị của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam lấy ngày 10/8 hàng năm là Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 105 ngày 9/6/1998 cho phép Hội CTĐ Việt Nam thành lập Quỹ “Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam”, Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ. Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tổ chức phát động “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”  từ ngày 10/8 đến 10/9 hàng năm.

Chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân da cam giúp họ vươn lên là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong những năm qua, với vai trò là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo, Hội CTĐ tỉnh đã tham mưu cho tỉnh thành lập Quỹ “Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam” do chiến tranh của tỉnh Yên Bái, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh là Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ, tham gia ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ gồm đại diện các tổ chức đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và cơ quan truyền thông.

Thời gian qua, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động vận động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; tổ chức phát động 2 phong trào lớn, đó là, phong trào “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam” và “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” từ 10/8-10/9 hàng năm.

 

Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 1.340 nạn nhân chất độc da cam/Dioxin được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Phong trào đã được các cấp Hội, hội viên, tình nguyện viên CTĐ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng; trung bình mỗi năm vận động được trên 1 tỷ đồng. Hội CTĐ các cấp đã hỗ trợ khám chữa bệnh, phát triển sinh kế, hỗ trợ học phí, làm nhà, sửa chữa nhà ở, cấp phương tiện vận động, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trên 5.000 lượt nạn nhân chất độc da cam của tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo tinh thần cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, Hội CTĐ các cấp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thăm hỏi và tặng trên 1.000 suất quà cho nạn nhân da cam, mỗi suất trị giá từ 200.000 - 500.000 đồng, hỗ trợ 20 hộ gia đình nạn nhân da cam huyện Yên Bình và Trấn Yên mỗi gia đình 2 con lợn giống và cám chăn nuôi trong hai tháng đầu.

Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm tham gia tích cực các hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, Công ty TNHH Đại Vượng, Doanh nghiệp Điện tử Tuyển Hằng, Viễn thông Yên Bái...

Nhằm hỗ trợ nạn nhân da cam phát triển sinh kế theo hướng hiệu quả, bền vững, Hội CTĐ Yên Bái đã mua và cấp 20 con trâu sinh sản, trị giá 140 triệu đồng cho 20 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và người khuyết tật nghèo tại xã Y Can, huyện Trấn Yên từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Tập đoàn Hòa Phát tài trợ thông qua Hội CTĐ Việt Nam, xây dựng Dự án hỗ trợ cải thiện đời sống kinh tế và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái do Hội Da cam - Những đóa hoa hy vọng (Pháp) tài trợ...

Mặc dù đã được Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài quan tâm giúp đỡ nhưng nạn nhân chất độc da cam/Dioxin vẫn là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn rất khó khăn, rất cần sự cảm thông chia sẻ, sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam “Thương người như thể thương thân”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”...

Nhân “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” năm 2011, Hội CTĐ tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Hội CTĐ các cấp trong tỉnh vận động cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ, các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng cộng đồng trách nhiệm, chung tay góp sức giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam  bằng những việc làm thiết thực, để họ có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Lục Thị Nhung - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Yên Bái

Các tin khác

Theo thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục  (NXBGD)Việt Nam ngày 9-8, tính đến hết tháng 7, đơn vị đã phát hành trên 80 triệu bản sách giáo khoa (SGK) và hơn 150 triệu sản phẩm giáo dục khác như sách tham khảo, bản đồ, tranh ảnh, đồ dùng học tập giấy vở, đáp ứng nhu cầu chuẩn bị cho năm học mới 2011-2012 của học sinh (HS), không để xảy ra tình trạng thiếu SGK, sốt giá SGK.

Bảng chữ cái tiếng Việt hiện nay.

Sẽ đề xuất thêm các chữ F, J, W, Z vào tiếng Việt nhưng không thay đổi chương trình học – TS Quách Tuấn Ngọc cho biết.

Chiều qua 9-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã họp với các cơ quan xây dựng dự án Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Thi đấu môn cầu lông tại giải cầu lông công nhân lao động lần thứ nhất năm 2011.

YBĐT - Công tác tuyên truyền, giáo dục công nhân, viên chức, lao động luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của hoạt động công đoàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục