Hành động thiết thực vì nạn nhân chất độc da cam
- Cập nhật: Thứ tư, 10/8/2011 | 2:55:40 PM
YBĐT - Yên Bái cũng có tới 1.360 nạn nhân nhiễm chất độc da cam, trong đó có 739 người tham gia kháng chiến mắc trực tiếp, còn lại 621 người thuộc thế hệ thứ 2 chịu di chứng.
Nhiều tổ chức, cá nhân ở Yên Bái tích cực tham gia ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
|
Xin dành một phút tưởng nhớ những người lính, những người đã cầm súng ở nơi máu lửa và cả những người dân vô tội đã mãi mãi ra đi vì nhiễm chất độc da cam/Dioxin do đế quốc Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam nhân “ Ngày vì nạn nhân chất độc da cam” 10/8.
77 triệu lít chất độc da cam/Dioxin (hay còn gọi là thuốc diệt cỏ) được rải xuống miền Nam ruột thịt những năm 60 thế kỷ trước. Đó là thảm họa trong lịch sử mà đến nay hậu quả của nó vẫn còn gieo rắc ở khắp nơi trên đất nước - những vết thương không chảy máu mà làm đau đớn bao thế hệ! Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đang gánh chịu hậu quả của thảm họa có tên “da cam”, trong đó có tới 3 triệu người trực tiếp bị ảnh hưởng. Họ là “những người nghèo nhất trong những người nghèo nhất, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ nhất”.
Chịu chung nỗi đau ấy, Yên Bái cũng có tới 1.360 nạn nhân nhiễm chất độc da cam, trong đó có 739 người tham gia kháng chiến mắc trực tiếp, còn lại 621 người thuộc thế hệ thứ 2 chịu di chứng. Và, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng đến nay cả nước đã có nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam truyền đến thế hệ thứ 3 trong đó có Yên Bái.
“Ngày thứ năm 10/8/1961 đã đi vào lịch sử như một chương đen tối nhất của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Đó là ngày lính Mỹ tiến hành vụ rải chất độc hoá học đầu tiên ở tỉnh Kon Tum “mở đầu chiến dịch tàn sát khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại bằng việc phun rải chất làm rụng lá cây trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam và kéo dài suốt hàng chục năm sau đó” - một cuộc chiến tranh hoá học được đánh giá là “quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người”. |
Cuối năm 2006, gia đình ông Lương Thanh Xuân ở thôn 16, xã Động Quan, huyện Lục Yên, người từng tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam bị nhiễm chất độc da cam đang có 3 con chịu di chứng chất độc da cam bại liệt được Doanh nghiệp vàng bạc Thành Thu hỗ trợ 20 triệu đồng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng, Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng cùng với 25 triệu đồng của gia đình xây dựng được căn nhà ấm áp tình người, góp phần sẻ chia những bất hạnh của gia đình người cựu binh này.
Năm 2010, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã thụ lý, giới thiệu 56 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam đến Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để khám và kết luận tình trạng bệnh tật có liên quan đến chất độc hóa học nhằm giải quyết chế độ, chính sách kịp thời đúng qui định của pháp luật.
6 tháng đầu năm nay, Sở tiếp tục thẩm định và giải quyết chế độ cho 15 trường hợp là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; giới thiệu và giải quyết chế độ trợ cấp cho 40 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; thẩm định và đề nghị giải quyết chế độ cho 22 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Quyết định 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã thể hiện sâu sắc tình cảm của mình trước nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt năm 2010, Chi nhánh Viễn thông Quân đội (Viettel) Yên Bái đã tặng 17 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng cho các gia đình thương binh, liệt sĩ huyện Trấn Yên, trong đó 1 sổ tặng gia đình anh Dương Kim Khoa là nạn nhân chất độc da cam ở thôn Hòa An, xã Y Can nhân dịp 27/7. Đúng vào Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8/2010, Viettel còn tặng 10 suất quà, mỗi huyện 5 suất trị giá 5 triệu đồng (mỗi suất là một quạt điện) cho tất cả nạn nhân chất độc da cam ở hai huyện Trấn Yên và Văn Yên.
Không thể kể hết những tình cảm của cộng đồng dành cho các nạn nhân chất độc da cam nhưng họ vẫn đang cần lắm những tấm lòng như thế! Hô hào không chưa đủ, bởi giờ đây mỗi ngành, mỗi cấp liên quan và mỗi người dân cần dành những hành động thiết thực cho họ. Trước hết, các cấp có thẩm quyền và Bộ, ngành liên quan cần phải sớm quan tâm có chính sách, chế độ trợ cấp cho thế hệ thứ 3 đang chịu di chứng chất độc da cam.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có chế độ cho người nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam hoặc xây dựng cơ sở nuôi dưỡng các nạn nhân chất độc da cam chịu di chứng nặng nề để giảm bớt gánh nặng khó khăn cho gia đình các nạn nhân.
Bộ Y tế cũng cần nghiên cứu Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT về “Ban hành danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/Dioxin” để áp dụng cho phù hợp và mang tính nhân đạo cao hơn. Vì theo theo quyết định này, những người tham gia kháng chiến phải mắc 8 bệnh ung thư mới được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Nhưng thử hỏi đã mắc bệnh ung thư, dù là ung thư gì thì cũng còn sống được bao lâu nữa?
Trước những hậu quả đau thương do tội ác chiến tranh để lại, mỗi chúng ta cần có những hành động thiết thực nhất để xoa dịu nỗi đau da cam, xoa dịu những bất hạnh, thiệt thòi cho những người dân vô tội và cũng là một cách tri ân với những người đã hy sinh xương máu giữ gìn giang sơn gấm vóc hôm nay.
Minh Đức
Các tin khác
Cùng với việc kêu cả nước tiếp tục chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Phó Chủ tịch nước kêu gọi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm hơn nữa với nạn nhân da cam.
YBĐT - Sáng 10/8, Hội chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ phát động "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam" sẽ diễn từ nay đến đến ngày 10/9/2011.
YBĐT - Lục Yên: Trợ cấp hàng tháng 172 đối tượng nạn nhân chất độc da cam/ Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái tặng quà 14 nạn nhân chất độc da cam
YBĐT - Chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân da cam giúp họ vươn lên là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.