Dạy tiếng Anh bậc tiểu học: Chấp nhận hạ chuẩn giáo viên

  • Cập nhật: Thứ bảy, 27/8/2011 | 8:59:18 AM

Từ chuẩn năng lực ngoại ngữ bắt buộc cho giáo viên (GV) dạy tiếng Anh tiểu học là B2 (theo khung tham chiếu châu Âu), giờ đây, Bộ GD-ĐT đã quyết định hạ xuống mức B1 để có đủ GV triển khai chương trình.

HS một trường tiểu học tại TP.HCM trong giờ học tiếng Anh.
HS một trường tiểu học tại TP.HCM trong giờ học tiếng Anh.

70% học sinh đạt điểm khá giỏi?

Ngày 26.8 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết một năm thí điểm đưa tiếng Anh thành môn học bắt buộc đối với lớp 3 tại 94 trường tiểu học trên cả nước.

Ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ đã xây dựng một số đề khảo sát năng lực tiếng Anh theo trình độ A1.1 trong khung năng lực ngôn ngữ chung châu Âu bao gồm cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để kiểm tra học sinh (HS) một số tỉnh tham gia thí điểm. Kết quả là hầu hết HS đều làm được bài mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào từ phía GV”. Tỷ lệ bài đạt điểm khá giỏi ở nhiều nơi lên đến 70%. Các HS được chọn ngẫu nhiên để thi nói (do chuyên gia Cambridge ESOL, chuyên viên tiếng Anh của Bộ, của sở phỏng vấn) đều tự tin, nghe được, hiểu được và trả lời đúng câu hỏi.

Một nghiên cứu độc lập của Viện Khoa học giáo dục VN tại 4 tỉnh: Hà Nội, Hòa Bình, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy phần lớn HS đều đạt kết quả kiểm tra cao. Cụ thể: HS Hà Nội đạt 96%, Hòa Bình 95%, Bà Rịa - Vũng Tàu 88%, TP.HCM 83%.

Tuy nhiên, tại hội nghị, một GV dạy chương trình thí điểm ở TP.HCM phát biểu: “Lúc được tập huấn chúng tôi rất phấn khởi vì chương trình chú trọng dạy cho HS kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, đề khảo sát thì lại chưa thực sự thể hiện được kỹ năng nghe nói của HS”. Chính vì vậy, GV này đề nghị: “Dạy học như thế nào thì kiểm tra đánh giá như vậy mới thực sự phản ánh đúng kết quả”.

Thiếu GV đạt chuẩn trầm trọng

Nếu như năm đầu tiên thực hiện thí điểm, năng lực ngôn ngữ của GV bắt buộc phải tương đương B2 thì đến năm học này, Bộ đã thông báo sẽ hạ chuẩn xuống mức B1 trở lên với điều kiện cuối năm học GV phải tự bồi dưỡng nâng cao trình độ để đạt được mức B2. Đồng thời, đối với HS lớp 3, năm học này Bộ GD-ĐT không quy định bắt buộc tất cả các trường phải dạy 4 tiết/tuần, trường nào còn khó khăn có thể chỉ dạy 3 hoặc 2 tiết/tuần.

''Không nên bắt buộc sử dụng đội ngũ GV hiện có trong biên chế bằng mọi giá vì có những GV rất yếu, dù có bồi dưỡng cũng khó đạt được yêu cầu'' - Ông NGUYỄN THẾ SƠN, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Nghệ An)

Lãnh đạo các sở đón nhận thông tin này hết sức hào hứng vì nếu Bộ kiên quyết không hạ chuẩn thì năm học này nhiều tỉnh chắc chắn sẽ rơi vào cảnh giậm chân tại chỗ. Hầu hết các địa phương đều không đủ GV để tiếp tục triển khai thí điểm lớp 4 trong khi tiếp tục nhân rộng chương trình ở lớp 3 một cách chính thức.

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Mặc dù TP triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường từ năm 1998 nhưng cũng không thể có ngay đội ngũ GV đạt trình độ B2”. Còn ông Nguyễn Quốc Nam - Trưởng phòng GD-ĐT tỉnh Ninh Bình, thông tin: “Năm vừa qua chỉ thực hiện thí điểm ở một trường tiểu học vì cả tỉnh chỉ có một GV đạt trình độ B2”.

Mặc dù đã hạ chuẩn nhưng bà Lê Thị Hòa - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, lại tỏ ra băn khoăn về vấn đề này: “Bố trí GV B1 vào giảng dạy kèm theo điều kiện là cuối năm học phải đạt trình độ B2 thì chúng tôi không dám khẳng định GV của mình sẽ làm được bằng cách tự bồi dưỡng”.  Cũng liên quan đến trình độ GV, ông Nguyễn Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Nghệ An) nêu quan điểm: “Bộ không nên bắt buộc sử dụng đội ngũ GV hiện có trong biên chế bằng mọi giá vì có những GV rất yếu, dù có bồi dưỡng cũng khó đạt được yêu cầu. Nên cho số GV này làm công việc khác và tuyển mới những GV được đào tạo bài bản”. Vụ trưởng Lê Tiến Thành khẳng định: “Trình độ B2 vẫn là cái đích cuối cùng mà GV dạy chương trình tiếng Anh mới phải đạt được”.

(Theo TNO)

Các tin khác

Chiều 26-8, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết ngoài khơi phía Đông Philippines vừa hình thành 2 cơn bão mới hoạt động song hành.

Đồng chí Ngô Thị Chinh trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp cho các đồng chí có nhiều cống hiến trong công tác LĐTB&XH.

YBĐT - Ngày 26/8, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 8 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 4 tháng cuối năm và kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập ngành.

YBĐT - Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè của “Năm Thanh niên 2011” triển khai tại tỉnh Yên Bái với chủ đề "Thanh niên Yên Bái tình nguyện vì an sinh xã hội". Đây là đợt hoạt động cao điểm với phương châm hành động "Mỗi thanh niên và cơ sở Đoàn có ít nhất một hoạt động tình nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội".

Cơ sở vật chất trường lớp học, thiết bị giáo dục của ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố và hiện đại. (Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Kim Đồng).

YBĐT - Năm học 2011 - 2012 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã xây dựng, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục