Những "con nghiện" bạo lực dưới tà áo nữ sinh
- Cập nhật: Thứ năm, 1/12/2011 | 2:08:35 PM
Nghiên cứu của PGS, TS Hoàng Bá Thịnh cho thấy, có 84,7% nữ sinh đánh nhau nói rằng trong gia đình các em có hành vi bạo lực giữa các thành viên. Trong khi đó, 52,8% nữ sinh sống trong gia đình có bạo lực đã có hành vi bạo lực với bạn cùng trang lứa…
52,8% nữ sinh sống trong gia đình có bạo lực đã có hành vi bạo lực với bạn cùng trang lứa…
|
Lâu nay, mỗi khi có vụ việc liên quan đến bạo lực học đường hoặc tội phạm do thanh thiếu niên gây ra, dư luận thường đặt câu hỏi về trách nhiệm giáo dục của nhà trường, hoặc phàn nàn về môi trường xã hội quá phức tạp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý và chuyên gia về tội phạm thì nguyên nhân đầu tiên chính vẫn là từ gia đình.
Nuông chiều thái quá sinh ích kỷ
Theo đại tá Nguyễn Đức Chung, PGĐ công an TP Hà Nội thì gia đình là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu, bởi môi trường sống trong gia đình có tác động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của các em. “Gia đình nào tạo dựng được môi trường giáo dục tốt, có nề nếp kỷ cương thì mặc dù điều kiện kinh tế có khó khăn nhưng vẫn có cuộc sống hạnh phúc, con cái có lối sống trong sáng, lành mạnh. Ngược lại, môi trường giáo dục trong gia đình không tốt sẽ là nguyên nhân dẫn con cái đến con đường vi phạm pháp luật” - đại tá Nguyễn Đức Chung nói.
Những thiếu sót, sai lầm từ phía gia đình được đại tá Nguyễn Đức Chung chỉ ra, đó là sự chiều chuộng, thỏa mãn vô nguyền tắc những đòi hỏi của con cái và nhượng bộ một cách mù quáng, thỏa mãn và đáp ứng đầy đủ yêu cầu vật chất của con cái khi các yêu cầu này là không chính đáng, không phù hợp với lứa tuổi hoặc điều kiện kinh tế của gia đình. Theo ông, “sự nuông chiều thái quá, coi nhẹ hoặc bỏ qua lỗi lầm, nghĩa vụ của con cái sẽ tạo ra thói quen, tâm lý đòi hỏi, hưởng thụ sống ích kỷ, ỷ lại”.
Ngoài ra, đại tá Nguyễn Đức Chung cũng nhận định, ngày nay, cũng có nhìều bậc cha mẹ hiếu trách nhiệm, không quan tâm trong việc quản lý và giáo dục con cái, ỷ lại cho nhà trường và xã hội như: bố mẹ lo làm ăn buôn bán, do phải đi công tác xa thường xuyên, bố mẹ ốm đau bệnh tật không quản lý chặt chẽ việc học tập, sinh hoạt của con cái.
Có trường hợp con cái bỏ học hàng tháng, đi chơi qua đêm, nghiện hút và có hành vi vi phạm pháp luật mà bố mẹ không hề hay biết, chỉ đến khi nhận được thông báo của cơ quan công an hoặc hàng xóm, bạn bè mách bảo thì mọi việc đã muộn. Sự quan liệu, thái độ bàng quan, vô trách nhiệm của bố mẹ và những người lớn tuổi trong gia đình đã mặc nhiên hình thành trong các em tâm lý dối trá, coi thường bố mẹ.
Vì sao nữ sinh đánh nhau?
Nghiên cứu của PGS, TS Hoàng Bá Thịnh đã cho thấy có một mối liên hệ giữa hành vi bạo lực của con cái với ứng xử, hành vi của cha mẹ. Trước hết là sự quan tâm đến đời sống tâm lý, tinh thần của con cái. Trong số các em có hành vi bạo lực thì 77,3% nói rằng trong gia đình mình “các thành viên ít có sự quan tâm lẫn nhau”.
Mức độ quan tâm của cha mẹ đến đời sống tâm lý, tinh thần của con cái thì 52% trả lời “ít quan tâm”, 14,7% nói cha mẹ “không quan tâm” so với 33% trả lời cha mẹ quan tâm đến tâm lý của con cái.Nghiên cứu cũng cho thấy, không chỉ có mối liên hệ giữa hành vi bạo lực của nữ sinh với mức độ quan tâm của cha mẹ, mà còn có mối liên hệ giữa số lần đánh nhau của nữ sinh với sự quan tâm đến tâm lý của con cái.
Có 84,7% nữ sinh đánh nhau nói rằng trong gia đình các em có hành vi bạo lực giữa các thành viên, trong đó 12% bạo lực giữa cha mẹ; 16,7% bạo lực giữa anh, chị em; đáng lo ngại về mức độ bạo lực giữa cha mẹ và con cái: 32,7%. Có 13,3% gia đình tồn tại cả ba bạo lực trên.
Các bé gái, chứng kiến cảnh mẹ bị cha mắng chửi, đánh đập thì có thể sau này cô gái cũng sẽ cam chịu cảnh bạo lực nếu có, hoặc sẽ có ác cảm với nam giới. Nghiên cứu của Hoàng Bá Thịnh khẳng định điều này, khi có 52,8% nữ sinh sống trong gia đình có bạo lực đã có hành vi bạo lực với bạn cùng trang lứa.
Sai lầm khi dùng bạo lực để ngăn bạo lực
Theo đại tá Nguyễn Đức Chung, trong khi có rất nhiều người đang làm hư con cái vì quá nuông chiều, thì cũng có gia đình do bố mẹ thiếu hiểu biết nên khi thấy con có lỗi đã không tìm cách khuyên răn mà lại dạy con bằng cách đánh đập, hành hạ. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật của một bộ phận học sinh, sinh viên”- ông Chung nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Trịnh Hòa Bình cũng chỉ ra rằng, bạo lực gia đình là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi bạo lực của con cái. Ông cho biết, “nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, có sự “chuyển giao hành vi bạo lực” giữa các thế hệ trong gia đình.
Theo đó, nếu trẻ em thường xuyên hoặc thỉnh thoảng chứng kiến cảnh cha đánh chửi mẹ (hoặc ngược lại mẹ đánh, chửi mắng cha) thì với bé trai dần dần sẽ hình thành nhận thức rằng: làm đàn ông có quyền đánh đập phụ nữ, và rồi khi trở thành chồng thì chàng trai cũng có cách ứng xử như vậy đối với vợ. Và không chỉ có vậy, cậu con trai sẽ quan niệm trong cuộc sống “kẻ nào mạnh thì kẻ đó thắng”, và coi đó như một chân lý trong quan hệ xã hội.
Đặc biệt, trong nhiều gia đình cũng đang tồn tại kiểu dạy dỗ con cái bằng bạo lực, trong đó phản khoa học nhất có lẽ là dùng hình phạt thân thể để “trách phạt” khi con cái có hành vi bạo lực với bạn.
Theo tác giả Tuệ Nguyễn, chỉ có 15,7% cha mẹ biết cách giáo dục con cái đúng mực và có văn hoá khi thấy con đánh nhau thì “khuyên bảo nhẹ nhàng và bắt con xin lỗi bạn”. Trong khi đó, 41,7% cha mẹ sử dụng hình thức bạo lực (chửi mắng, đánh) để đối xử với hành vi bạo lực của con cái. “Chính điều này đã đẩy con cái mình trượt tiếp trên con đường bạo lực. Cha mẹ bạo lực, đó là hành vi đáng lên án và là nhân tố thúc đẩy bạo lực của vị thành niên” – TS Trịnh Hòa Bình dẫn lời tác giả Tuệ Nguyễn.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Yên Bái là tỉnh đứng thứ năm trong cả nước về tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS.
YBĐT - Nhân Tháng hành động quốc gia (HĐQG) phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12). Phóng viên YBĐT đã cuộc trao đổi với Bà Triệu Bích An - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Yên Bái về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
YBĐT - BHXH huyện Lục Yên (Yên Bái) hiện đang quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN ở 215 đơn vị cho trên 7.000 lao động. Năm 2011 BHXH huyện được giao thu trên 31 tỷ đồng nhưng đến giữa tháng 11 mới thu được trên 22 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch.
YBĐT - Giai đoạn 2008 - 2011, phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã thực sự phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu và là động lực quan trọng, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.