Miệt mài “gieo chữ” trên non
- Cập nhật: Thứ tư, 12/12/2012 | 9:51:23 AM
YBĐT - Bằng lòng nhiệt huyết của mình, trái tim yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô giáo ở Văn Yên vẫn bám lớp, bám trường, khắc phục mọi khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.
Trong những năm qua, chất lượng giáo dục vùng cao ở huyện Văn Yên đã có nhiều chuyển biến, cơ sở vật chất các trường đang được quan tâm đầu tư. Song, vẫn còn đó những bộn bề khó khăn của các thầy giáo, cô giáo nơi các bản làng trên núi cao, xa xôi, đang vượt lên khó khăn, vất vả để bám trường, bám lớp đưa tri thức đến với các em học sinh người dân tộc thiểu số.
Theo chân các thầy giáo Trường Tiểu học xã Phong Dụ Hạ đến với điểm trường thôn Khe Đeng vào một buổi sáng mùa đông, chúng tôi thật sự thấu hiểu phần nào nỗi vất vả và khó khăn mà các thầy cô giáo vùng cao đang phải vượt qua.
Khởi đầu hành trình là những con đường mòn nơi dốc núi chênh vênh với một bên là vực thẳm, tiếp đến là đoạn đường mấp mô đi qua những đồi sắn, đồi quế và rừng rậm. Cơn mưa đêm qua như tiếp thêm những khó khăn cho các thầy cô trên đường đến với các lớp học tại điểm trường Khe Đeng. Mái nhà chung của thầy và trò thôn Khe Đeng, là 2 phòng học tạm được bà con nhân dân trong thôn góp sức xây dựng từ năm 2008 nằm chênh vênh lưng chừng dốc núi giữa bản nhỏ của đồng bào dân tộc Tày.
Hôm nay, lớp học của cô giáo Đào Thị Hải lại có nhiều học sinh nghỉ học. Không biết có phải do cơn mưa buổi sáng làm nước suối dâng cao, đường trơn, khiến các trò nhà ở xa không thể vượt rừng đến lớp đúng giờ hay do kinh tế khó khăn cha mẹ phải cho các em nghỉ học? Chính vì vậy, ngay sau bữa cơm trưa, cô Hải tất tả lên đường đến các bản xa vận động phụ huynh cho con em đến lớp.
Gắn bó với học trò và bà con dân bản ở thôn Khe Đeng đã 5 năm nên cô giáo Đào Thị Hải hiểu được nỗi vất vả của sự học nơi đây. Trò nào cũng thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu kiến thức, điều này khiến cô luôn trăn trở tìm mọi cách để duy trì tỷ lệ chuyên cần của các lớp học và đổi mới phương pháp giảng dạy để phù hợp với các trò, giúp học trò dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thuộc. Việc đến từng hộ gia đình vận động phụ huynh cho con em đến lớp đã quá quen thuộc với cô giáo cắm bản này. Đối với cô, mỗi ngày học trò đông đủ là một ngày vui, một niềm hạnh phúc.
Cô giáo Đào Thị Hải tâm sự: “Đã nhiều năm trong nghề dạy học và gắn bó với học sinh tại nhiều điểm trường khác nhau nhưng đối với tôi, điểm trường thôn Khe Đeng là nơi có nhiều kỷ niệm nhất. Khi mới lên tôi gặp nhiều khó khăn khi tuổi tác đã cao mà đường lên bản lại vô cùng vất vả, tôi phải xa gia đình, gửi con cái để gắn bó với các trò. Thương vợ vất vả lặn lội đường xa, chồng tôi đã thường xuyên đưa đón và cuối cùng quyết định ở lại gắn bó với đồng bào nơi đây”.
Được biết, trên địa bàn huyện Văn Yên vẫn còn gần 900 giáo viên cắm bản ở gần 220 điểm trường đang khắc phục mọi khó khăn để đưa cái chữ đến với học sinh vùng cao. Để động viên học sinh vươn lên trong học tập, thầy cô giáo luôn cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho sinh động với những ví dụ, những hình ảnh cụ thể, gần gũi với đời thường. Thầy cô cũng coi các em như con, coi lớp học như mái ấm thân yêu để tạo sự gần gũi giữa thầy và trò. Khó có thể kể hết nỗi nhọc nhằn mà những thầy giáo, cô giáo vùng cao phải vượt qua để đưa niềm tin, ánh sáng văn hoá đến với mỗi học sinh, mỗi bản làng. Phần lớn đường đến các điểm trường trên địa bàn huyện Văn Yên đều là dốc núi chênh vênh.
Các lớp học và nhà ở cho giáo viên còn tạm bợ, có những nơi vẫn phải mượn tạm nhà văn hóa bản. Phòng học thiếu thốn, học sinh nhiều lớp phải học ghép trong một phòng rất chật, phần lớn học sinh vẫn giao tiếp bằng tiếng dân tộc. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với các thầy cô "cắm bản", đó là phải gác lại nỗi nhớ gia đình, rời xa tổ ấm thân yêu. Đây cũng là một bài toán khó đang được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên từng bước tháo gỡ.
Nói về các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và khắc phục khó khăn cho giáo viên vùng cao, cô Hà Thị Liên - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “ Phòng đã tham mưu cho Huyện uỷ, UBND huyện chỉ đạo các xã quan tâm tới điều kiện trường lớp học và nhà công vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên để nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; phối hợp với Đảng bộ, chính quyền và các ngành, đoàn thể ở các địa phương huy động và duy trì số lượng học sinh trong độ tuổi ra lớp nhằm đảm bảo giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, hướng tới hoàn thiện tiêu chí phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đổi mới phương pháp giáo dục và nâng cao hiệu quả giáo dục trên địa bàn; tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở tất cả các đơn vị trường, khuyến khích, động viên và khen thưởng kịp thời thành tích của giáo viên, đặc biệt quan tâm tới đội ngũ giáo viên “cắm bản”; huy động quỹ hỗ trợ giáo viên vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như tu sửa và làm mới nhà công vụ cho giáo viên ở các điểm lớp lẻ”.
Bằng lòng nhiệt huyết của mình, trái tim yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô giáo ở Văn Yên vẫn bám lớp, bám trường, khắc phục mọi khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.
Mỹ Vân - Mạnh Cường
Các tin khác
Không khí lạnh tăng cường còn gây rét đậm diện rộng tại miền Bắc trong 2- 3 ngày tới, sau đó mới suy yếu dần.
YBĐT - Để phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình hội viên nông dân nói riêng và của nhân dân trên địa bàn nói chung phát triển mạnh hơn nữa, cấp uỷ chính quyền và các đoàn thể xã Minh Quân đang tiếp tục đề ra những giải pháp tích cực, cụ thể để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
YBĐT - Từ trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 16/12/2002, đến ngày 30/09/2012, trên địa bàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 21 trường hợp nhiễm HIV có hồ sơ quản lý trong đó có 11 trường hợp đã tử vong. HIV/AIDS đã len lỏi vào 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Đây là kiến nghị của Bộ Y tế tại hội nghị “Tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều chỉnh của luật” do Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN tổ chức vào ngày 10.12 tại TPHCM.