Góp phần thay đổi nhận thức
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/12/2012 | 9:41:33 AM
YBĐT - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và triển khai Dự án "Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe" có hiệu quả, đến nay, thôn Tháp Cái II không có trường hợp sinh con thứ ba; trường hợp kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống không còn xảy ra.
Tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch cho phụ nữ thôn Khe Rồng, xã An Bình (Văn Yên).
(Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Thôn Tháp Cái II, xã Viễn Sơn (Văn Yên) nằm cách trung tâm xã không xa. Từ năm 2010 trở về trước, nhận thức của đại đa số người dân trong thôn về chăm sóc sức khỏe cũng như chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi rất xa lạ. Vì vậy, nhiều phụ nữ có thai vẫn lao động nặng nhọc, sinh tại nhà và trẻ em ít được quan tâm về dinh dưỡng...
Từ năm 2011 đến nay, nhờ có Dự án "Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe" can thiệp bằng nhiều nội dung và hình thức như: vận động toàn dân chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe trong các buổi họp thôn, sinh hoạt Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên; cộng tác viên y tế đến thăm và tuyên truyền các biện pháp chăm sóc sức khỏe tại hộ gia đình... nên năm 2012, trẻ em dưới 5 tuổi trong thôn bị suy dinh dưỡng đã giảm hẳn; số phụ nữ có thai không còn phải làm việc nặng nhọc, khi mang thai đã đến Trạm Y tế xã khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván theo quy định và nhận viên sắt về uống.
Bên cạnh đó, đối với người chồng cùng các thành viên trong gia đình như bố, mẹ, anh, chị, em cũng đã biết chia sẻ công việc, tạo điều kiện cho phụ nữ mang thai có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.
Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt đã có hai cô con gái và vợ chồng chị có ý định sinh con thứ ba. Cán bộ y tế thôn bản đã đến vận động, tuyên truyền nhưng vì quan niệm phải có con trai để nối dõi, gia đình chị đã phản ứng gay gắt.
Tuy nhiên, dần dần, có sự vận động nhiệt tình của cán bộ y tế thôn bản, gia đình chị Nguyệt đã hiểu và nhận thức rõ rằng, đẻ nhiều con dễ dẫn tới đói nghèo, các con không được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất, ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và con đồng thời vi phạm Pháp lệnh Dân số. Hiểu và nhận thức đúng về vấn đề này, vợ chồng chị Nguyệt, đặc biệt là phía gia đình nhà chồng chị đã bỏ ý định sinh con thứ ba.
Còn đối với chị Cải, khi đang có thai được 3 tháng thì bị đau bụng, chồng không cho đến Trạm Y tế xã khám, chỉ uống thuốc cây rừng ở nhà nhưng vẫn không khỏi. Nhờ sự tuyên truyền và vận động của cán bộ y tế và bà con hàng xóm, chồng chị đã đưa vợ đến Trạm Y tế xã để được điều trị kịp thời nên đến giờ, cả hai mẹ con đều khỏe mạnh.
Chị Cải phấn khởi chia sẻ: "Trong thời gian mình mang thai cũng như bây giờ đang có con nhỏ, bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng và chồng mình đều rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho mình. Chồng mình đi làm nương rẫy và làm những công việc nặng, còn việc nhẹ nhàng thì mình làm, chế độ ăn uống cũng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, hai mẹ con đều khỏe mạnh".
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Viễn Sơn Đỗ Như Việt cho biết: "Từ khi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đến nay, nhận thức của người dân ở thôn Tháp Cái II đã thay đổi. Nếu trước đây, phụ nữ mang thai vẫn phải lao động nặng nhọc, không đến cơ sở y tế tiêm phòng uốn ván, khi chuyển dạ sinh tại nhà và con ốm không đưa tới cơ sở y tế... thì nay phần lớn phụ nữ mang thai đã đi khám thai tại Trạm Y tế xã, sinh con tại trạm hoặc tại nhà nhưng có sự trợ giúp của cán bộ y tế, khi ốm đã biết đến cơ sở y tế. Hầu hết các cặp vợ chồng trong thôn chỉ sinh từ một đến hai con và thời gian sinh cách nhau từ 3 đến 5 năm. Vì vậy, nhiều gia đình vừa có thời gian chăm sóc bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, đảm bảo chiều cao và cân nặng so với tuổi của trẻ lại vừa có thời gian để làm kinh tế. Nhờ đó, số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trong thôn của năm nay đã giảm so với năm trước".
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và triển khai Dự án "Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe" có hiệu quả, đến nay, thôn Tháp Cái II không có trường hợp sinh con thứ ba; trường hợp kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống không còn xảy ra; dần đẩy lùi tư tưởng phải đẻ con trai; 100% số trẻ em được tiêm chủng hàng năm; số phụ nữ mang thai được khám 3 lần tăng, đạt 100% và đặc biệt không có bà mẹ tử vong do thai sản...
Đó là tín hiệu khả quan trong hoạt động cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo của thôn Tháp Cái II nói riêng và góp phần cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em trên địa bàn xã Viễn Sơn nói chung. Tới đây, thôn Tháp Cái II sẽ được tuyên dương với việc làm tốt công tác chăm sóc cho mẹ, sức khỏe cho con.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở thị trấn Nông trường (TTNT) Liên Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) diễn biến khá phức tạp như: trộm cắp tài sản, gây rối trật tự, đánh nhau, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài… gây mất ANTT ở địa phương.
Ngày 13/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo triển khai Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020.
YBĐT - Họ là những người bất hạnh bởi không may mắc căn bệnh phong. Không ít người đã bị anh em ruột thịt ruồng bỏ và bị họ hàng, xóm làng xa lánh… Rất may là những điều đau khổ ấy giờ đã lui vào quá khứ. Đến thăm Khu điều trị bệnh phong thuộc xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) tôi đã bắt gặp những ánh mắt vui tươi, những khuôn mặt rạng ngời...
Sau năm 2015 sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau trên cơ sở một bộ chương trình chung. Các sách giáo khoa đều phải được Bộ phê duyệt thì mới có thể đưa vào sử dụng.