Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Luật, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc triển khai, thi hành.
Năm 2020, toàn tỉnh đã phát hiện gần 3.000 vụ vi phạm hành chính (VPHC), tăng 440 vụ so với năm 2019. Trong số các vụ VPHC được phát hiện, ra 3.195 quyết định xử lý vi phạm; thi hành xong 3.089/3.195 quyết định; chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 50 vụ (tăng 27 vụ so với năm 2019); áp dụng biện pháp thay thế nhắc nhở đối với người chưa thành niên 3 vụ. Tổng giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu là 55.994.000 đồng. Tổng số tiền phạt thu được nộp ngân sách 7,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, thời gian qua, các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt VPHC 47.470 vụ; lập hồ sơ đề nghị giáo dục tại xã, phường, thị trấn 700 đối tượng; lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng 1 đối tượng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc 2 đối tượng; lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 329 đối tượng...
Nguyên nhân VPHC chủ yếu là do ý thức tuân thủ, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; sự xuống cấp về đạo đức của một số thanh thiếu niên cùng với sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; một số đối tượng vi phạm vì mục đích lợi nhuận...
Hiện tại, việc triển khai thi hành Luật XLVPHC trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn do đối tượng vi phạm không có chỗ ở cố định nên gây khó khăn trong quá trình giao, nhận quyết định xử phạt VPHC; một số tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thường không hợp tác hoặc không đủ điều kiện, không có tài sản để kê biên...
Trong quá trình XLVPHC còn có những bất cập về ủy quyền, giao quyền; bất cập trong việc thực hiện thủ tục xử lý tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu; bất cập trong xác định nguyên tắc xử phạt; mâu thuẫn trong quy định về mức phạt tiền...
Cùng với đó, tình hình VPHC trên địa bàn tỉnh lại ngày càng diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảy ra chủ yếu ở các lĩnh vực như: giao thông đường bộ; an toàn trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường; an toàn thực phẩm; kinh doanh; đất đai; xây dựng.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý XLVPHC, thời gian tới, các ngành, các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, phổ biến các nội dung của Luật XLVPHC năm 2012, Pháp lệnh số 09 ngày 20/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về trình tự thủ tục, xem xét quyết định biện pháp XLVPHC tại Tòa án nhân dân đến cán bộ, công chức, người lao động; tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về XLVPHC trên địa bàn tỉnh; tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ XLVPHC, trao đổi kinh nghiệm, thực tế trong hoạt động XLVPHC nhằm nâng cao kỹ năng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, thực hiện nhiệm vụ quản lý XLVPHC cho người có thẩm quyền xử phạt và cán bộ trực tiếp làm công tác XLVPHC.
Hồng Oanh