Đồng chí Vũ Minh Tiến - Phó trưởng Công an thành phố Yên Bái cho biết: "Nhiều vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã diễn ra. Bọn tội phạm đã sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, số tiền mà chúng chiếm đoạt lên tới hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng. Việc đấu tranh, bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người gặp tôi để hỏi rằng: tiền mà nạn nhân chuyển vào tài khoản đối tượng phạm tội có đầy đủ số tài khoản, có tên chủ tài khoản và ngân hàng thương mại, nơi mở tài khoản… tại sao lực lượng công an không truy xét, bắt giữ? Thoạt nghe câu hỏi tưởng như việc bắt giữ đối tượng là quá dễ nhưng tài khoản mà đối tượng phạm tội yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào đã bị mua đi, bán lại nhiều lần, không thể xác minh được ai là người đang quản lý tài khoản đó nên quá trình truy xét đã vào ngõ cụt”.
Ông Lê Hồng Phú - Cán bộ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Yên Bái cho biết: "Mới đây, Vietcombank đã đưa ra cảnh báo khách hàng về những rủi ro từ hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an phát hiện các đối tượng gian lận hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ (thuê người khác mở, mua tài khoản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người khác) để thực hiện và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm nhận tiền lừa đảo, gian lận, rửa tiền; chuyển nhận tiền đánh bạc; tài trợ khủng bố hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Để bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tránh việc phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, Vietcombank khuyến cáo tới khách hàng không thực hiện hành vi bán, cho thuê, cho mượn tài khoản cá nhân; không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng, số thẻ tín dụng, mã CVV, ví điện tử và mã OTP cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào. Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản, khách hàng cần liên hệ ngay cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc liên hệ với hotline ngân hàng để được trợ giúp”.
Tuy ngành ngân hàng và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã cảnh báo nhưng hiện tượng mua bán trái phép tài khoản ngân hàng xuất hiện từ trước và đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian trở lại đây do nhu cầu sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các tổ chức, cá nhân trong đời sống hàng ngày. Theo đó, mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng là việc biểu hiện rõ ở việc trao đổi, thỏa thuận với nhau các thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm thu lợi bất chính hoặc mục đích khác trái pháp luật.
Hầu hết các đối tượng mua lại các tài khoản ngân hàng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo và chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này. Phần lớn các giao dịch mua bán thông tin tài khoản ngân hàng hiện nay là mua bán thông tin tài khoản thanh toán do đặc thù tài khoản thanh toán có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển - nhận tiền để thực hiện những hoạt động phi pháp. Tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm và hậu quả để lại, mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng sẽ bị phạt tiền lên tới 100 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt tù cao nhất lên tới 7 năm.
Trên thực tế, hành vi mua, bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng hiện nay diễn ra rất phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm liên quan đến lừa đảo, gian lận, đánh bạc… ngày càng phát triển, nhất là thông qua không gian mạng. Các đối tượng mua - thuê tài khoản sẽ trả cho chủ tài khoản khoảng 500.000 đồng/tài khoản/tháng và sẽ trả thêm tiền nếu có người chuyển tiền vào và chủ tài khoản rút tiền cho bọn chúng.
Phó trưởng Công an thành phố Yên Bái Vũ Minh Tiến cho biết thêm: "Thời gian gần đây, việc mua bán tài khoản ngân hàng đang diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều tài khoản sau khi được các đối tượng bán lại sẽ được sử dụng vào những mục đích không rõ ràng, vi phạm pháp luật như: chuyển và rút tiền trong những vụ án lừa đảo, liên kết mở các tài khoản ví điện tử khác để chiếm đoạt tiền, tổ chức đánh bạc trên mạng Internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và rửa tiền… gây khó khăn cho công tác điều tra”.
Theo quy định, một người có thể mở một hoặc nhiều tài khoản tại một hoặc nhiều ngân hàng thương mại khác nhau. Tuy nhiên, việc mua bán tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi mua, bán, mở tài khoản hộ, thuê… của chúng ta là hành động tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, đặc biệt là cờ bạc và lừa đảo.
Qua đây cũng cho thấy, sự thông thoáng của ngành ngân hàng cũng đã tạo ra kẽ hở lớn cho các loại hình tội phạm phát triển. Đã đến lúc phải siết chặt quản lý loại hình dịch vụ mở tài khoản ngân hàng, tăng cường kiểm tra, giám sát (bắt buộc khai báo thông tin cá nhân chủ tài khoản định kỳ; ngừng giao dịch đối với các tài khoản không khai báo chính xác, đầy đủ…)! Chỉ như vậy mới hạn chế các hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao.
Lê Phiên