Ngày 15/5, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo xin giảm nhẹ của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt và 9 bị cáo khác.
Trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Long đã nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả của vụ án.
Trong phần xét hỏi, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Song, Việt mong HĐXX xem xét bối cảnh mà bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Về tổng số tiền gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, Phan Quốc Việt nói rằng chưa đúng, cần phải xác định các vấn đề liên quan như giá của kit test COVID-19.
Với cáo buộc Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tại phiên toà sơ thẩm hồi tháng 1, Phan Quốc Việt bị tuyên 29 năm tù.
Trong phiên phúc thẩm, Tổng giám đốc Công ty Việt Á kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Luật sư bào chữa cho Phan Quốc Việt trình bày các lý do xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình như: Tại cấp sơ thẩm, Việt chưa được áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi trong quá trình điều tra thành khẩn khai báo để làm sáng tỏ vụ án.
Vào ngày 24/4, Việt và gia đình đã nộp khắc phục thêm 200 triệu đồng. Tại toà, bị cáo Phan Quốc Việt khai chuyển cho mẹ hàng tỷ đồng, nguồn tiền này là nguồn thu của kit test COVID-19 và nguồn thu khác của Việt Á. Việt không nhớ chính xác thời gian chuyển tiền cho mẹ, chỉ nhớ khoảng năm 2021.
Đối với việc bán kit test cho CDC các tỉnh, Việt nói bản thân không phải người chủ mưu. "Theo ý hiểu của bị cáo, bản thân chỉ là đồng phạm. Đối với kit test COVID-19, đây là mặt hàng mà Nhà nước không áp giá trần", Việt khai.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học Công nghệ, thừa nhận các hành vi phạm tội của bản thân, không đề nghị làm rõ thêm các tình tiết khác.
Bị cáo Hùng khai, sau khi giúp đỡ Phan Quốc Việt trong việc sản xuất kit test COVID-19 đã nhận từ Việt 300.000USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng). Đối với số tiền này, tại cấp sơ thẩm, bị cáo và gia đình đã nộp khắc phục gần đầy đủ.
Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm, gia đình bị cáo Trịnh Thanh Hùng nộp khắc phục thêm 16 triệu đồng. Như vậy, bị cáo Hùng đã nộp đủ số tiền đã hưởng lợi. Ngoài ra, gia đình bị cáo còn nộp thêm 50 triệu đồng tiền khắc phục chung trong vụ án này. Do đó, bị cáo Trịnh Thanh Hùng mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tại phiên toà sơ thẩm diễn ra vào tháng 1 vừa qua, bị cáo Trịnh Thanh Hùng lĩnh án 14 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Theo nội dung vụ án, đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và lây lan đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình trên, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để ứng phó, trong đó giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Khi đó, Phan Quốc Việt đã đặt vấn đề, thống nhất với Trịnh Thanh Hùng về việc giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu với mục đích sử dụng kết quả đề tài để sản xuất, bán thương mại kit xét nghiệm.
Tổng giám đốc Việt Á thỏa thuận về việc chia phần trăm doanh thu của Công ty Việt Á từ việc tiêu thụ kit xét nghiệm; trao đổi, bàn bạc để giúp Công ty Việt Á sử dụng biên bản nghiệm thu Đề tài để lập hồ sơ gửi Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất, bán ra thị trường, giúp Công ty Việt Á hưởng lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn…
Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, để tiêu thụ kit xét nghiệm tại các địa phương với số lượng lớn và được thanh toán theo giá đã nâng khống, theo cáo trạng, Phan Quốc Việt và cấp dưới đã thông đồng, cấu kết với lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện hành vi trái quy định về đấu thầu, ứng hàng sử dụng trước, hợp thức thủ tục, hồ sơ thanh toán sau theo đơn giá do Công ty Việt Á đưa ra.
Quá trình tiêu thụ kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt chỉ đạo các nhân viên tính toán và chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng; trực tiếp hoặc chỉ đạo đưa hối lộ tổng cộng hơn 34 tỷ đồng cho các lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước.
(Theo VTC)