Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2024 | 8:11:09 AM

YênBái - Cũng như cả nước, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có những vụ thiệt hại lên đến trên 10 tỷ đồng. Các đối tượng sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau và thường xuyên thay đổi thủ đoạn để tiếp cận người dân.

Công an huyện Văn Yên xử lý đối tượng vi phạm các quy định trên mạng xã hội.
Công an huyện Văn Yên xử lý đối tượng vi phạm các quy định trên mạng xã hội.


Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, khoa học công nghệ và chuyển đổi số toàn diện mang lại nhiều tiện ích với cuộc sống nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tội phạm công nghệ cao lợi dụng, thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, điển hình nhất là mạo danh cán bộ, lực lượng chức năng; tham gia cộng tác viên đặt hàng, mua hàng; đầu tư online... Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều người dân vẫn "nhẹ dạ cả tin”, sập bẫy các đối tượng xấu, đẫn đến hậu quả bị chiếm đoạt từ vài chục triệu đồng đến cả vài tỷ đồng.

Muôn kiểu lừa trên mạng

Vào tháng 3/2023, ông B.T.C ở thị xã Nghĩa Lộ nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ của cơ quan công an. Đối tượng đã doạ dẫm và nói rằng ông C. có liên quan tới một vụ án rửa tiền. Khi ông C. thanh minh, khẳng định là không làm gì vi phạm pháp luật thì đối tượng lại cho rằng ông C. đã bị đánh cắp thông tin cá nhân và sử dụng để thực hiện tội phạm liên quan đến đường dây ma túy, dọa nạt và yêu câu ông C. phải hợp tác với "cơ quan công an", làm theo mọi yêu cầu của "cơ quan Công an” để phục vụ công tác điều tra. 

Đáng sợ hơn, đối tượng còn gửi cho ông C. xem lệnh tạm giam và đe doạ, yêu cầu ông C. mở mới một tài khoản tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Nghĩa Lộ và chuyển toàn bộ số tiền ở tài khoản hiện tại của ông C. sang tài khoản mới với lý do để bảo vệ tài sản và minh chứng sự trong sạch của bản thân. 

Do rất tin tưởng đối tượng là cơ quan công an nên ông C. đã chuyển toàn bộ số tiền hơn 2 tỷ đồng theo yêu cầu. Đến ngày 29/3/2023, ông C. ra BIDV Chi nhánh Nghĩa Lộ kiểm tra thì phát hiện toàn bộ số tiền đã không còn nằm trong tài khoản. Lúc đó ông mới biết mình đã bị lừa.

Trường hợp như ông C. không phải là ít và thậm chí có rất nhiều người ở các thành phố lớn cũng đã mắc "chiêu trò” của kẻ xấu. 


Có thể kể tới trường hợp của chị T.T.D ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái vì tâm lý hám lời đã làm theo lời dụ dỗ của đối tượng có tài khoản Facebook là "Minh Quân”. Qua kết bạn tìm hiểu, đối tượng đã giới thiệu cho chị D. cách kiếm tiền từ việc đặt đơn hàng qua một website mà đối tượng gửi đường link và sẽ được trích phần trăm hoa hồng trong ngày. 

Theo hướng dẫn, chị D. đăng ký tài khoản trên website bằng thông tin cá nhân và số điện thoại, đồng thời để mở gian hàng trên website, chị D. đã chuyển hai lần tiền lần lượt là 5 triệu đồng và 2,3 triệu đồng vào số tài khoản mà đối tượng yêu cầu để hoàn thành đơn hàng may mắn. 

Ngay sau đó chị D. đã được đối tượng chuyển lại số tiền cả gốc và hoa hồng là gần 9,5 triệu đồng. Thấy công việc đơn giản lại kiếm lời dễ dàng, chị D. tiếp tục làm theo yêu cầu của đối tượng, nạp tiền làm nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, với nhiều lý do như: hệ thống phải nâng cấp, thanh toàn tiền thuế, phí… đối tượng tiếp tục yêu cầu chị D. chuyển tiền tới số tài khoản đã cung cấp. Chị D. tiếp tục làm theo và thực hiện thêm 17 lần chuyển tiền với tổng số tiền đến trên 6,3 tỷ đồng cho đối tượng. Thế nhưng tiền đã một đi không trở lại…

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo 

Cũng như cả nước, trên địa bàn tỉnh Yên Bái , tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có những vụ thiệt hại lên đến trên 10 tỷ đồng. 

Các đối tượng sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau và thường xuyên thay đổi thủ đoạn để tiếp cận người dân như: hack tài khoản mạng xã hội; lừa đảo trúng thưởng; giả danh cơ quan công an để dọa nạt, yêu cầu cài đặt phần mềm phục vụ việc tích hoạt giấy tờ; lừa đảo trên sàn thương mại điện tử; vay tiền online; trung gian hoặc trực tiếp trao đổi, mua bán trên mạng; lừa đảo trên thị trường giao dịch chứng khoán, chứng khoán quốc tế và lừa đảo liên quan đến tiền ảo. 

Đặc biệt lợi dụng tình hình thực tế của những tháng đầu năm, dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng đã đưa ra những thủ đoạn phù hợp như: quảng cáo bán một số mặt hàng dịp tết với giá rẻ để lừa đảo tiền đặt cọc; gọi điện đến các cơ sở kinh doanh giả danh là cán bộ cơ quan nhà nước rồi gợi ý nhận quà tết bằng hình thức chuyển khoản để chiếm đoạt tài sản… 


Fanpage của Công an thành phố Yên Bái thường xuyên đăng tải những thông tin tuyên truyền, giúp người dân nhận diện và phòng tránh các nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Cụ thể, các đối tượng sẽ tiếp cận người bị hại trong một thời gian nhất định, thường xuyên liên lạc qua lại để tạo lòng tin; thậm chí có một số người bị hại đã nảy sinh tình cảm yêu đương với đối tượng. Sau đó đối tượng vờ tiết lộ cho người bị hại các mánh lới trong làm ăn của mình và ngỏ ý cho người bị hại tham gia để chiếm đoạt số tiền người bị hại sẽ đầu tư. 

Thậm chí có những người bị hại trong quá trình liên lạc bằng cuộc gọi video với đối tượng đã có những hành vi phản cảm, trái thuần phong mỹ tục… đã bị đối tượng chụp lại, lưu và sử dụng để khống chế, đe dọa buộc bị hại phải chuyển tiền cho đối tượng, nếu không sẽ phát tán những hình ảnh đó lên mạng xã hội.

Theo báo cáo, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý, giải quyết 15 tố giác về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 30 tỷ đồng; trong đó có những bị hại bị lừa với số tiền trên 10 tỷ đồng. Sau khi kiểm tra, xác minh, cơ quan điều tra đã khởi tố 08 vụ án, 05 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 

Ngoài ra qua công tác nắm tình hình cho thấy, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng trên 30 nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền trên 19 tỷ đồng. 

Không chỉ làm thiệt hại về tiền bạc, các bị hại sau khi bị lừa đã dẫn tới nhiều hệ lụy về tinh thần, về sự bất ổn trong cuộc sống và những nguy hại khó đo lường được. 

Theo Thượng tá Hoàng Văn Tuân - Phó trưởng Phòng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Yên Bái, tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện bằng hình thức cố ý sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin số được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống máy tính, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. 

Với phương thức lừa đảo trên, bọn tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng... do nạn nhân sơ ý để lộ hoặc các đối tượng tự thu thập được. 

Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin đó đề nghị chuyển tiền. Mặt khác, các đối tượng có thể sử dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện các khoản vay với số tiền lớn và người phải trả là người đã bị lộ thông tin cá nhân đó. 

Một thủ đoạn nữa là tạo ra các đường link có chứa mã độc và gửi nó cho người khác. Khi người nhận được đường link này ấn truy cập thì sẽ bị các đối tượng đọc được mã OTP trong giao dịch qua tài khoản ngân hàng và qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản. 

Ngoài ra, hiện nay có nhiều hội nhóm được lập ra trên các mạng xã hội đã liên tục chia sẻ các bài viết liên quan đến cách thức lấy lại tiền đã bị lừa đảo trực tuyến. Đánh vào tâm lý muốn lấy lại số tiền bị lừa đảo của các nạn nhân, các đối tượng sẽ mạo danh là công an, luật sư, kiểm sát viên - người từng lấy được tiền sau khi bị lừa đảo... Chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý, thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân. Khi có được niềm tin của nạn nhân, đối tượng bắt đầu yêu cầu thanh toán dưới dạng phí xử lý, phí pháp lý... Nạn nhân sau khi chuyển tiền sẽ bị khóa chặn các liên lạc trước đó. Lúc này, mọi người mới nhận ra mình tiếp tục dính bẫy lừa đảo lần thứ hai.

Nhận diện nguyên nhân

Mặc dù lực lượng công an thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản song nhiều người dân vẫn mắc bẫy, bị chiếm đoạt số tiền lớn, kéo theo nhiều hệ luỵ, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. 

Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi; nhắm đến nhiều nhóm đối tượng, từ người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng cho đến phụ huynh. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu sẽ thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. 


Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, phong trào chuyển đổi số rầm rộ đưa nhiều hoạt động thường nhật "lên mây", mua sắm trực tuyến bùng nổ, cùng với sự phổ biến của thanh toán không tiền mặt... trong khi ý thức và kiến thức bảo mật của phần đông người dùng còn hạn chế, là nguyên nhân khiến tội phạm lừa đảo liên tục nhắm đến người dùng Việt Nam.

Đặc biệt, người dân vẫn chưa xác định và hiểu được tầm quan trọng của thiết bị di động - "kho tàng" chứa các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội của mỗi cá nhân. Trong khi đó, tội phạm mạng cũng đang ẩn nấp trên các nền tảng này, chờ đợi con mồi rơi vào bẫy. 

Cũng theo Thượng tá Hoàng Văn Tuân, những nạn nhân bị lừa do một số nguyên nhân như thiếu hiểu biết về pháp luật, kiến thức xã hội hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc nhận ra ngay những mâu thuẫn, bất hợp lý trong thông tin mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, hay ít đọc khuyến cáo, cảnh báo của các cơ quan chức năng, thiếu sự chuẩn bị về tâm lý dẫn đến tình trạng hoang mang, sợ hãi và thực hiện theo sự hướng dẫn, điều khiển của các đối tượng một cách "vô thức, theo quán tính”. 

Bên cạnh đó, các thủ đoạn của tội phạm thường xuyên thay đổi khiến người dân không nhận diện được các hành vi dẫn tới bị lừa. Đặc biệt, tội phạm thường tác động vào tâm lý của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo như: tâm lý hám lời, sinh mệnh chính trị và tâm lý sợ mất tài sản, trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin; đặc thù công việc và nhu cầu của nạn nhân; tâm lý nhẹ dạ cả tin hay đánh vào thực tiễn yêu cầu của xã hội tại thời điểm đó…

Nâng cao nhận thức, cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo 

Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho Tỉnh uỷ xây dựng, ban hành Chỉ thị số 45-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 55/KH-UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 45. 


Lực lượng công an toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 1.800 buổi tuyên truyền pháp luật tại cơ sở để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa với tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Cùng với đó, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tuyên truyền về công tác đảm bảo an ninh mạng, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; nghiên cứu, hướng dẫn công an các đơn vị địa phương ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả khoa học, kỹ thuật trong công tác tuyên truyền, tăng cường tuyên truyền trên không gian mạng, trên các trang fanpage, đăng ký, xây dựng tài khoản Zalo Official (OA), các nhóm Zalo an ninh của lực lượng công an các cấp... thường xuyên đăng tải các tin bài có nội dung tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm và hướng dẫn biện pháp phòng tránh. 

Đồng thời tích cực vận động người dân tham gia các nhóm Zalo an ninh, tương tác vào các trang fanpage; thường xuyên theo dõi kênh về an ninh trên phương tiện thông tin đại chúng, các trang tin chính thống... để tiếp cận các nội dung tuyên truyền về thủ đoạn của các loại tội phạm, từ đó nhận diện, cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng công an đã biên tập, đăng tải, chia sė 238 bài viết, video, thu hút 72.260 lượt tiếp cận và 5.070 lượt tương tác trên fanpage, Zalo OA; tổ chức 1.855 buổi học tập, tuyên truyền pháp luật tại cơ sở với 203.032 luợt người tham gia học tập, từ đó đã nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong phòng ngừa với tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. 

Cùng với đó, Công an tỉnh đã bố trí lực lượng, thường trực tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác vê tội phạm để tổ chức xác minh, làm rõ; tiếp tuc thiết lập, duy trì hoạt động của đường dây "nóng", trang Facebook của Công an các đơn vị, địa phương, hòm thư tố giác tội phạm... để kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng.

Phó trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hoàng Văn Tuân khuyến cáo, người dân nếu nhận được cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, trước tiên phải bình tĩnh và xác minh thông tin bằng cách liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua điện thoại; kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. 

Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất không nên tiến hành giao dịch; nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận có đúng là ngân hàng thực hiện hay không. Khi nhận các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn cần cảnh giác, nghi ngờ tính xác thực của cuộc gọi… 

Tuyệt đối người dân không cung cấp thông tin cá nhân: số điện thoại, số chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, số tài khoản, mã OTP, địa chỉ cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa rõ mục đích sử dụng. Hãy luôn nghi ngờ với mọi thông tin yêu cầu (cài phần mềm, đăng nhập vào website, cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền…) trên mạng. 

Với tất cả các thông tin nhờ chuyển tiền, vay tiền, bình chọn... đều cần phải xác minh lại qua một kênh độc lập như điện thoại thường. Ngoài ra, không nên truy cập vào các địa chỉ website lạ, không cài đặt các phần mềm lạ không rõ nguồn gốc, những phần mềm đòi hỏi yêu cầu cấp quyền truy cập cao vào thông tin người dùng, truy cập thẻ nhớ, danh bạ, vị trí, chụp ảnh… hạn chế tối đa trường hợp bị tội phạm tiếp cận và thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Thu Trang

Tags chiêu trò lừa đảo không gian mạng cảnh giác công nghệ 4.0 chuyển đổi số

Các tin khác
Công an làm việc với đối tượng N.T.L

Công an tỉnh Bình Phước cho biết vừa phối hợp Công an thành phố Đồng Xoài phá thành công chuyên án, bắt giữ nhóm đối tượng mua bán trái phép tài khoản ngân hàng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã được Thanh tra Chính phủ nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để các bộ, ngành, địa phương cập nhập, sử dụng.

Đá ở khu vực Suối Giàng có màu sắc tự nhiên rất đẹp.

Để quản lý khoáng sản chưa khai thác, đặc biệt là hoạt động khai thác đá cảnh trái phép trên địa bàn xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã và đang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm xác minh, làm rõ nguồn gốc đá cảnh đang bày bán, chế tác trên địa bàn các xã Suối Giàng, Đồng Khê và thị trấn Sơn Thịnh.

Cổng dịch vụ công giả mạo.

Ngày 25/5, Công an TP Hà Nội cho biết, một người phụ nữ ở quận Tây Hồ đã bị mất hơn 2 tỷ đồng trong tài khoản sau khi cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục