Phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em: Nhiều vụ không xử được

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/6/2008 | 12:00:00 AM

Theo báo cáo khảo sát tại hội thảo Báo cáo về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em vào sáng 9/6, loại tội phạm này diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng.

Những phụ nữ bị lừa bán sang Macao được công an giải cứu qua vụ phá đường dây buôn bán phụ nữ năm 2007.
Những phụ nữ bị lừa bán sang Macao được công an giải cứu qua vụ phá đường dây buôn bán phụ nữ năm 2007.

Bên bán và mua đều tự nguyện: Xử sao?

Năm 1990, Nguyễn Thị Nh. (Hà Tây) sang lấy chồng và cư trú tại Quảng Đông (Trung Quốc). Tháng 7/2006, một người đàn ông tên A Thành nhờ Nh. về Việt Nam tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc làm vợ A Thành với giá 3.000 nhân dân tệ. Nh. về quê đưa người quen là M. sang Trung Quốc tìm việc và lấy chồng. Chị M. đồng ý nhưng khi cả hai đến biên giới thì bị bắt giữ. Quá trình điều tra cho thấy Nh. đã từng đưa em là N. sang Trung Quốc gả cho một người tên A Théo và được người này trả cho 5.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử, cả hai người bị hại và đại diện của họ đều khai việc họ sang Trung Quốc theo Nh. là hoàn toàn tự nguyện và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho Nh.

Vấn đề đặt ra trong nhiều vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em là cả bên bán và bên mua đều tự nguyện. Nhiều trường hợp phụ nữ muộn chồng hoặc bị chồng ruồng bỏ nên nhờ người khác đưa sang Trung Quốc để lấy chồng và trả cho người đó một khoản tiền nhất định. Vậy thì người đưa phụ nữ sang Trung Quốc có bị truy tố về tội mua bán phụ nữ? 

Khó khăn trong hợp tác quốc tế 

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Trưởng phòng Bảy - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho biết: “Hầu hết các vụ án đều liên quan đến yếu tố nước ngoài nên việc hoàn thiện luật pháp trong hợp tác quốc tế điều tra tội phạm mua bán trẻ em là rất cần thiết. Cần có các hiệp định tương trợ tư pháp và hiệp định thư về chống tội phạm hình sự nói chung, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng”. 

Các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa bàn khảo sát cũng cho rằng do khó khăn trong hợp tác quốc tế nên nhiều trường hợp có thể phát hiện ra đường dây mua bán phụ nữ, trẻ em nhưng không thể bắt được kẻ cầm đầu. Vụ án Nguyễn Thị Bích Tuyền (Tây Ninh) là một dẫn chứng. Tuyền là gái bán dâm tại Macao đã móc nối với Kiều Jí (người Macao). Kiều Jí và một người Việt ở Macao tên Yến đề nghị Tuyền về Việt Nam tuyển phụ nữ sang Macao làm gái mại dâm và ứng trước tiền cho Tuyền thực hiện hành vi này. Khi vụ án bị phát hiện, Tuyền đã kịp bán hàng chục phụ nữ sang Macao và bị kết án 12 năm tù. Nhưng do khó khăn trong hợp tác tư pháp quốc tế nên hai đối tượng Yến và Kiều Jí (hai kẻ chủ mưu trong vụ án) cơ quan điều tra lại không “với tay” tới để xác minh và xử lý được. 

Nhiều hình thức phạm tội mới 

Ông Nguyễn Công Hồng, Vụ phó Vụ Pháp luật hình sự-hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em có nhiều thủ đoạn mới như lên mạng Internet tìm kiếm, dụ dỗ các đối tượng để bán sang nước ngoài, đưa nạn nhân ra nước ngoài trá hình bằng cách làm visa du lịch ngắn ngày. Các đường dây tội phạm có nhiều biện pháp tinh vi, hoạt động đảm bảo bí mật theo kiểu “một biết một” nên rất khó tìm ra kẻ chủ mưu. Thậm chí có hình thức tội phạm mới như buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ còn trong bào thai. 

Năm 2007, Công an Lào Cai đã điều tra, truy bắt và giải cứu nạn nhân trong vụ một số đối tượng đưa các nam thanh niên Lào Cai sang bán ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ án không đưa ra xét xử được do không có điều khoản nào của luật hình sự quy định về tội mua bán nam giới. Vừa qua, Công an Quảng Ninh cũng nhận được đơn của anh NVH (Hải Dương) tố cáo việc bị ĐTH (Quảng Ninh) lừa bán sang Trung Quốc. NVH đã trốn về Việt Nam. Hiện Công an Quảng Ninh đang điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc nhưng họ bị vướng vì Điều 119 và 120 Bộ luật Hình sự chỉ quy định tội mua bán phụ nữ và trẻ em. 

Ông Nguyễn Quốc Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính (Bộ Tư pháp) đề xuất nên quy định một tội danh chung là tội buôn bán người để hình sự hóa cả hành vi buôn bán nam giới từ 16 tuổi trở lên. Về yếu tố cấu thành của tội buôn bán người, cần quy định mục đích bóc lột và các thủ đoạn cưỡng ép, lừa gạt để loại trừ các trường hợp đối tượng bị buôn bán đồng tình với việc buôn bán (trừ người dưới 18 tuổi).

Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ phó Vụ Phổ biến và giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), cũng bày tỏ băn khoăn nếu nhập Điều 119 vào Điều 120 (Bộ luật Hình sự) để quy định chung về tội “mua bán người” thì sẽ có quy định thế nào về mua bán bào thai. “Khi bào thai chưa thành người thì có thể quy tội kẻ mua bán bào thai hay không?” - bà Yến đặt câu hỏi. 

Theo báo cáo khảo sát, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tập trung ở các TP lớn, các tỉnh biên giới như Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Ninh, An Giang. Riêng trong tháng 1 đã có 102 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em trong cả nước.

(Theo VnMedia)

Các tin khác

Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hải Phòng vừa phát hiện đường dây sản xuất tiêu thụ nước mắm giả quy mô lớn và có tổ chức tại 181 Vũ Chí Thắng do ông Trần Quốc Tuấn làm Giám đốc với tang vật là 110 thùng nước mắm đóng chai các loại, 1 thùng đựng nhãn mác và 1 thùng đựng vỏ chai.

Ngày 9.6, điều tra viên của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15), Công an TP.HCM đã bắt đầu tiến hành lấy lời khai của Trần Văn Lập (quê ở Hà Nội) để điều tra làm rõ hành vi "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới".

Kiểm tra 2 ôtô nhập cảnh từ Lào về Việt Nam, hải quan và biên phòng cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) phát hiện 12.000 viên thuốc lắc, cất giấu kín đáo trong các thùng carton.

Lúc 15g30 ngày 4-6, lực lượng biên phòng Thanh Hóa phối hợp với công an của Ty an ninh tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào) bắt quả tang hai đối tượng đang vận chuyển một khối lượng lớn ma túy tổng hợp và heroin vào Việt Nam, trên tuyến đường Sầm Nưa - Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục