Xét xử Đoàn Văn Vươn: Các bị hại từ chối bồi thường

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/4/2013 | 1:53:47 PM

Trả lời các câu hỏi tại tòa sáng 3/4, các bị hại trong vụ án đều khẳng định việc tham gia bảo vệ cưỡng chế là thực hiện đúng nhiệm vụ nhưng không yêu cầu các bị cáo bồi thường.

Các bị cáo tại tòa sáng nay, 3/4.
Các bị cáo tại tòa sáng nay, 3/4.

>> Xử sơ thẩm bị cáo Đoàn Văn Vươn và đồng phạm

Sáng 3/4, phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” đối với bị cáo Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm xảy ra tại xảy ra tại xã Vinh Quang, Tiên Lãng, TP Hải Phòng hồi tháng 1/2012 do Tòa án nhân dân TP Hải Phòng tổ chức tiếp tục diễn ra và bước sang phần xét hỏi đối với các bị hại.

Các bị hại có mặt tại tòa và được xét hỏi gồm Vũ Anh Tuấn, Lê Văn Mải, Đỗ Xuân Trường, Vũ Văn Phong và Đào Văn Đức (là công an huyện Tiên Lãng thời điểm xảy ra cưỡng chế, được huy động để bảo vệ cưỡng chế ngày 5/1/2012 tại khi đầm gia đình ông Đoàn Văn Vươn).

Trả lời trước tòa, bị hại Vũ Anh Tuấn cho biết, khi tham gia vào tổ công tác số 3, đảm bảo an ninh trật tự cho cưỡng chế, anh không mang vũ khí, không mặc áo giáp mà chỉ mặc trang phục cảnh sát nhân dân đi vào khu đầm.

“Đây là cưỡng chế hành chính nên tổ công tác áp dụng phương pháp, động viên, khi tiến vào đã dùng loa phóng thanh kêu gọi người nhà ra mở cửa, làm việc với đoàn cưỡng chế” – anh Tuấn nói.

Anh Tuấn cho biết, để vào khu đầm của anh em Vươn – Quý chỉ có một con đường bê tông độc đạo, theo đường này vào thì tổ công tác chưa xâm phạm vào tài sản. 

“Khi tổ công tác tới gần hàng rào thứ nhất khoảng chục mét, bình gas thứ nhất phát nổ và tung lên. Tổ công tác tiếp tục tiến đến hàng rào thứ hai thì thấy anh Quý mở cửa sổ bắn súng về phía chúng tôi. Tôi bị thương ngay phát súng đầu tiên, sau tôi còn nghe thêm 2- 3 phát nổ nữa” - bị hại Tuấn nói tại tòa.

Theo bị hại Vũ Anh Tuấn, việc vào khu đầm là do mệnh lệnh cấp trên và thực hiện đúng nhiệm vụ của người cảnh sát, bảo vệ an ninh trật tự cho cưỡng chế.

Đồng quan điểm này, bị hại Lê Văn Mải (nguyên Trưởng công an huyện Tiên Lãng) nói rằng “lực lượng công an tham gia bảo vệ cưỡng chế là thực hiện đúng trách nhiệm của lực lượng nhằm bảm đảm an ninh trật tự”.

 
Bị hại Lê Văn Mải (trái) và bị hại Vũ Anh Tuấn (phải) trong phần trả lời câu hỏi tại tòa. 

Ông Mải nói tại tòa, ông là người cùng tổ công tác số 3 vào khu vực cưỡng chế, trong tổ này có 2 người mặc áo giáp làm nhiệm vụ rà mìn, một cảnh sát hình sự có súng K54, những người khác có dùi cui hỗ trợ và có người cầm loa đi trước kêu gọi, động viên.

Việc cưỡng chế hành chính chủ yếu thuyết phục, động viên để anh Vươn chấp hành làm việc chứ không có việc dùng vũ lực hoặc có phương án nào khác.

Sau khi nhận được thông tin về việc có mìn nổ, ông Mải yêu cầu cán bộ tiếp tục rà mìn. Khi đến gần hàng rào thứ hai, thì xuất hiện phát súng thứ hai.

Ông Mải nói mình bị bắn vào sườn trái sau phát súng bắn vào anh Tuấn, trong khi, thời điểm đó chưa có người nào trong lực lượng cưỡng chế dùng súng.

Theo bị hại này, khi được cõng ra phía ngoài, ông có nghe thêm một số tiếng nổ chát chúa.

Đối với những hình ảnh cảnh sát cơ động, trang bị súng AK tại khu vực cưỡng chế, ông Mải nói lực lượng của ông không được trang bị, “sau này mới được biết là lực lương tăng cường khi tôi bị thương”.

Người bị hại Đào Văn Đức khẳng định trước tòa rằng người nổ súng bắn anh bị thương ở ngón tay trái là Đoàn Văn Quý.

Tại phiên tòa sáng 3/4, các bị hại Đỗ Xuân Trường, Nguyễn Văn Phong, Đào Văn Đức cùng khẳng định, việc tham gia bảo vệ cưỡng chế trong vụ án này là đúng kế hoạch, theo mệnh lệnh của cấp trên và không được trang bị vũ khí và áo giáp.

Khi tòa hỏi về yêu cầu bồi thường về vật chất và tinh thần đối với người bị hại, cả 5 bị hại trên đều từ chối vì lý do “công tác trong ngành vũ trang, chi phí khắc phục đã được nhà nước chi trả”.

Ngoài lý do trên, bị hại Vũ Anh Tuấn còn cho rằng, “các bị cáo vi phạm pháp luật nhưng một phần do bức xúc nên cần xem xét cho các bị cáo”.

Chiều 3/4, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên tiếp tục diễn ra.

(Theo VTC)

Các tin khác

YBĐT - Hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy là một trong những tội danh với mức án tù nặng do tính chất vụ lợi gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm chính sách độc quyền quản lý các chất ma túy của Nhà nước. Những bản án đích đáng luôn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ đã và đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Lý Sinh Cần trúng đạn bị thương, đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ.

YBĐT - Mấy ngày trước, Lý Sinh Hạnh, sinh năm 1978, dân tộc Dao, trú tại thôn Đá Gân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cùng hai người bạn cùng thôn vượt rừng qua xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, sang khu vực giáp ranh với huyện Phù Yên (Sơn La) để nhổ trộm cây thuốc phiện trồng trái phép. Một số đối tượng đã dùng súng bắn chết Hạnh.

Tuyên truyền chính sách mới cho nhân dân tại xã Phú Thịnh (Yên Bình).

YBĐT - Trong năm 2012, ngành tư pháp đã triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao trên tất cả các lĩnh vực công tác, quản lý. Trong đó, công tác xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào nề nếp, hiệu quả.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

YBĐT - Ngày 12/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng và công tác chứng thực với 5 điểm cầu trong cả nước dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục