Mù Cang Chải giữ gìn, phát huy thể thao dân tộc, trò chơi dân gian

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/9/2023 | 7:42:12 AM

YênBái - Cùng với sự phát triển của các môn thể thao và trò chơi hiện đại, trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải, các môn thể thao, các trò chơi dân gian, truyền thống đã và đang phát huy thế mạnh riêng, mang lại cảm hứng đối với người chơi cũng như cảm giác mới mẻ, độc lạ với khán giả, nhất là khách du lịch.

Đồng bào Mông xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải tham gia thi kéo co trong ngày hội.
Đồng bào Mông xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải tham gia thi kéo co trong ngày hội.

Là huyện miền núi, với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, với mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện”; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, bản sắc, chất lượng gắn với giữ gìn, bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc đặc trưng của địa phương, huyện xác định việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa nói chung, các môn thể thao dân tộc, truyền thống, trò chơi dân gian nói riêng là việc làm rất cần thiết. 

Theo đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng đến việc gìn giữ và phát triển các môn thể thao truyền thống dân tộc như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay, ném pao, đi cà kheo, múa khèn, độc tấu sáo, nhị, thổi kèn môi, kèn lá, hát đối giao duyên... thông qua tổ chức lễ hội và tết cổ truyền. 

Ông Hờ A Chu, trên 70 tuổi ở xã Chế Cu Nha cho biết: "Từ những năm 2000 trở về trước, thời chúng tôi còn trẻ thì bóng đá, bóng chuyền, điện thoại, xe máy chưa phát triển như bây giờ nên vào các dịp lễ hội hay tết cổ truyền là thanh niên nam nữ đều tụ tập chơi chung ở một điểm là sân của bản, sân trường học hay những bãi đất bằng rộng đầu thôn. Môn kéo co khi ấy chỉ dùng bằng dây mây. Đây là môn thể thao tập thể, thể hiện tinh thần đoàn kết, sức khoẻ đồng đội. Môn đẩy gậy thể hiện sức khoẻ cá nhân; còn đánh quay là phổ biến nhất, thể hiện khả năng điêu luyện với độ chính xác cao của từng người". 

Bên cạnh các môn thể thao truyền thống là các trò chơi dân gian như ném pao, múa khèn, thổi sáo, kèn môi, kèn lá hay hát đối giao duyên... Ai cũng có thể chơi từ già trẻ, trai gái nên rất là vui. Xã hội ngày càng phát triển, thanh niên, nam nữ cũng ít tham gia các hoạt động này, đặc biệt là các trò chơi như đánh quay, ném pao, múa khèn, thổi kèn môi, hát đối giao duyên. Bởi vậy, mỗi dịp lễ hội khi huyện, xã tổ chức lại các hoạt động truyền thống này là tôi lại háo hức xuống xem, như được sống lại kỷ niệm của thời trẻ. 

"Tôi rất mong muốn với sự quan tâm của Nhà nước thì người Mông mình, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục khôi phục, gìn giữ, phát huy các bộ môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của dân tộc để không chỉ giao lưu, giới thiệu cho nhiều bạn bè các dân tộc khác biết về các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình mà còn là để thế hệ trẻ mai sau biết về truyền thống văn hóa, thông qua đó có ý thức trân trọng, giữ gìn” - ông Hờ A Chu cho biết thêm.

Cũng chung quan điểm với ông Chu, anh Trần Nguyễn Đức Hùng - một du khách đến từ Hải Phòng cũng hào hứng chia sẻ: "Tôi đã đi nhiều nơi từ Bắc, Trung, Nam và được xem nhiều lễ hội, các hoạt động thể thao, các trò chơi... nhưng tôi nhận thấy, với môn kéo co, đẩy gậy, xem ở vùng xuôi chỉ thấy sự kịch tính, hồi hộp về kết quả là thắng hay thua, vì họ thể hiện quá chuyên nghiệp với kỹ thuật điêu luyện, nhưng về đây, tôi lại thấy đây thực sự là bộ môn thể thao mộc mạc, vừa mang tính cạnh tranh thắng - thua nhưng lại vừa thể hiện sự giao lưu, vui chơi giữa những con người chỉ biết đến ruộng đồng, không quá nặng về kỹ năng kỹ thuật thể thao. 

Đặc biệt, các môn như: đánh quay, ném pao, múa khèn, thổi kèn môi, kèn lá... là rất thú vị có tính đặc trưng riêng, thể hiện rõ phong cách, bản sắc của dân tộc Mông, của núi rừng Tây Bắc. Mặc dù trước đây tôi cũng đã từng lên Mù Cang Chải nhưng ít thấy nên những dịp sau này, mỗi lần lên Mù Cang Chải, tôi thường chọn vào mùa lễ hội để được thưởng thức các hoạt động văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng con người Mù Cang Chải "Đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, thân thiện, hội nhập”; đưa du lịch thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn của huyện, mục tiêu quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện”. 

Từ mục tiêu này, huyện chỉ đạo quan tâm bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc trong huyện gắn với thực hiện các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện thuận lợi để đời sống văn hóa cơ sở phát triển; sưu tầm, biên soạn, khôi phục các lễ hội văn hóa, hát giao duyên, dân ca, các loại nhạc cụ, các bài múa, bài dân vũ truyền thống, đậm đà bản sắc của đồng bào Mông và các dân tộc sinh sống trên địa bàn hiện đại mà bản sắc. 

Quan tâm phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, nhất là là các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian như Tầu sừ, Lảy pao, đẩy gậy, bắn nỏ…; tăng cường đầu tư, xã hội hóa xây dựng sân thể thao, nhà tập đa năng phục vụ các hoạt động thể thao quần chúng; đẩy mạnh phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; hình thành ý thức tự rèn luyện thể dục, thể thao trong nhân dân và thanh thiếu nhi…   

A Mua

Tags Mù Cang Chải giữ gìn phát huy thể thao dân tộc trò chơi dân gian

Các tin khác
Thanh Hiếu toả sáng trong chiến thắng của U17 nữ Việt Nam.

U17 nữ Việt Nam không gặp nhiều khó khăn để có được chiến thắng trước U17 nữ Bangladesh trong trận đấu chiều 20/9.

Đoàn Thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành được từ 2-5 huy chương Vàng tại đấu trường ASIAD 19.

Trưởng đoàn Đặng Hà Việt kỳ vọng Cầu mây, Karate, Bắn súng, Boxing và Cờ tướng sẽ là những môn thể thao mang huy chương Vàng về cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao châu Á 2023 (ASIAD 19).

Nguyễn Thị Giang, Phạm Thị Thảo vào chung kết môn rowing.

Đoàn thể thao Việt Nam có 6 vận động viên giành quyền vào chung kết ở môn rowing.

Quốc Việt lập cú đúp bàn thắng trong trận thắng Olympic Mông Cổ tại ASIAD 19.

Ngày 19-9, đội tuyển Olympic Việt Nam đã giành chiến thắng 4-2 trước đội tuyển Olympic Mông Cổ ở trận ra quân bảng B bóng đá nam ASIAD 19 tại Trung Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục