Thay đổi luật để bắn súng hấp dẫn hơn
Đặc biệt là ở thể thức loại dần ở trận chung kết. 8 xạ thủ bước lên bục chung kết, cùng bắn 12 loạt đạn đầu tiên như nhau. Và rồi người hạng 8 bị loại.
Tiếp đó, cứ sau 2 loạt, người có điểm thấp nhất sẽ bị loại. Và cứ thế, sau 22 loạt đạn, chỉ còn lại Phạm Quang Huy cùng đối thủ Hàn Quốc Lee Won Ho.
Có lẽ không nhiều người biết thể thức này chính là điểm mấu chốt cho những màn đấu súng "điên rồ" trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Cụ thể, đến tận Olympic London 2012, thể thức này vẫn chưa xuất hiện ở môn bắn súng. Năm đó, các VĐV lọt vào chung kết sẽ được tính điểm từ cả vòng loại. Và tất cả các VĐV đều sẽ bắn thêm 10 loạt đạn như nhau.
Điểm số cuối cùng sẽ dùng để phân thứ hạng chung cuộc. Không có ai bị loại dần ở loạt chung kết cả. Nhưng ngay sau kỳ Olympic này, Liên đoàn Bắn súng thế giới (ISSF) đã tạo ra một thay đổi lịch sử.
"Từ ngày 23-11-2012, ISSF đã ban hành thể thức thi đấu mới nhằm nâng cao sức hấp dẫn cho môn bắn súng. Thay đổi quan trọng nhất là việc loại bỏ thành tích vòng loại khi VĐV vào đến vòng đấu chung kết. Ở vòng chung kết, các xạ thủ sẽ bị loại dần cho đến khi chỉ còn 2 người", ISSF ra thông báo năm đó.
Kết quả là đến Olympic Rio de Janeiro, lứa xạ thủ của Hoàng Xuân Vinh đã được trải nghiệm thể thức mới ở giải đấu đẳng cấp nhất hành tinh.
Tất nhiên, đổi luật thì khó người khó ta, hoặc dễ người dễ ta. Nhưng giống như thông báo của ISSF, thay đổi giúp cuộc đấu trở nên hấp dẫn vì tính khó lường. HLV Park Chung Gun của tuyển bắn súng Việt Nam cũng đồng thuận với điều này.
HLV Park Chung Gun tin rằng luật mới giúp bắn súng trở nên khó lường hơn - Ảnh: HUY ĐĂNG
HLV Park Chung Gun tin rằng luật mới giúp bắn súng trở nên khó lường hơn - Ảnh: HUY ĐĂNG
"Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng theo luật cũ, các VĐV đẳng cấp sẽ luôn duy trì được thành tích tốt của họ. Có quá nhiều loạt bắn ở vòng loại rồi chung kết, một khi họ sai sót sẽ có cơ hội sửa sai. Càng bắn nhiều thì những xạ thủ hàng đầu càng duy trì được thành tích tốt.
Nhưng với thể thức mới, bạn có thể thấy sức ép rất lớn. Họ bước vào chung kết với khởi đầu như nhau. Và những xạ thủ dù giỏi đến đâu cũng có thể bắn lỗi 1, 2 lần. Khi đó họ đã bị loại. Đây là một cuộc đấu của kỹ thuật lẫn tâm lý", HLV Park Chung Gun nói.
Các xạ thủ giỏi cũng phải run
Ở Olympic Rio de Janeiro, Hoàng Xuân Vinh ban đầu chỉ đứng hạng 4 ở vòng loại 10m súng ngắn hơi, kém hơn xạ thủ Trung Quốc Pang Wei đến 9 điểm. Nếu dùng luật cũ, anh sẽ bước vào chung kết với khoảng cách đó trước Pang Wei.
Nhưng rồi với luật mới, Pang Wei dường như… run tay ngay từ đầu trận chung kết. Xạ thủ Trung Quốc chỉ bắn được có 8,6 điểm - điểm số quá tệ với một xạ thủ đẳng cấp như anh. Kết quả là sau đó Pang phải gồng lên để nỗ lực cứu từng điểm số nhỏ nhất. Nhưng anh cũng chỉ trụ được đến loạt thứ 18, chấp nhận tấm huy chương đồng.
Trong khi đó, Hoàng Xuân Vinh gặt hái tổng cộng 20,8 điểm cho 2 loạt đầu tiên, tốt nhất trong 8 tay súng vào chung kết. Từ đó anh có đà tâm lý thoải mái để liên tiếp dẫn đầu.
7 năm sau, chàng học trò Phạm Quang Huy của Xuân Vinh đi theo con đường chiến thắng của người thầy. Anh được 99,6 điểm trong 10 loạt đạn đầu tiên, cao nhất nhóm 8 xạ thủ. Từ đó, Quang Huy bắn tốt liên tiếp 14 loạt đạn tiếp theo để đạt điểm 240,5 chung cuộc.
Có thể nói, thể thức loại dần này đã chắp cánh cho những giấc mơ của bắn súng Việt Nam. Từ chỗ không được đánh giá cao, các xạ thủ Việt Nam liên tiếp tạo nên kỳ tích.
(Theo TTO)