Với vai trò "làm trùm” của mình, FIFA và UEFA tìm mọi cách ngăn chặn Super League ra đời, khi những câu lạc bộ (CLB) "ly khai” này quyết chơi lớn. Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vừa đưa ra quyết định: "FIFA và UEFA cấm lộng hành, lạm quyền trong việc hăm dọa và đòi trừng phạt Super League, giải đấu dành cho những CLB đòi ly khai của các giải UEFA do họ cảm thấy bị thiệt thòi trong ăn chia”.
ECJ yêu cầu FIFA và UEFA bỏ ngay những động thái hăm dọa Super League vì như thế là vi phạm quyền thương mại, kinh doanh, luật cạnh tranh và nhiều luật khác của Liên minh châu Âu (EU).
Trong hàng loạt CLB lúc đầu đòi ly khai sau đó nhiều CLB bỏ cuộc, trong đó hầu hết các ông lớn Anh và Ý, nhưng hai ông lớn Tây Ban Nha là Barcelona và Real Madrid quyết theo đến cùng và họ đang thắng thế.
Việc ECJ đã ra tuyên bố Super League thắng thế dựa trên nhiều luật của EU cách đây lâu rồi, song khi nhóm những CLB giàu có đòi ly khai, cụ thể là hai CLB lớn của Tây Ban Nha manh nha đứng ra tổ chức Super League thì UEFA và FIFA ra sức can ngăn. Nhóm CLB ly khai tiếp tục kiện lên ECJ và Tòa này đã ra thông điệp FIFA và UEFA hãy chấm dứt ngay việc can thiệp vào Super League vì như thế là hai tổ chức bóng đá này đã vi phạm luật châu Âu.
UEFA và FIFA đã quá lạm dụng quyền lực của mình và đi quá xa phạm vi họ quản lý. Bóng đá cũng là ngành nghề kinh doanh. Nếu một tổ chức đứng trong một tổ chức lớn hơn, nhưng quyền lợi không thỏa đáng, họ có quyền rời đi và thành lập tổ chức khác phù hợp với quyền lợi của mình, phù hợp với luật EU. Điều đó là hẳn nhiên theo luật của EU và thậm chí nó phù hợp cả trong nền tảng kinh doanh, pháp luật và luật cạnh tranh của EU.
Vừa qua, UEFA và FIFA tiến hành động thái mở rộng các giải đấu cấp CLB cụ thể là tăng số đội của các giải đấu của mình quản lý được lý giải là họ muốn "vô hiệu hóa” Super League đang manh nha hình thành và sẽ "chạy thử”.
Ba giải đấu cấp CLB châu Âu mùa tới tổng cộng tăng lên 80 CLB tham dự. Trong khi FIFA Club World Cup lên 32 đội thay vì bảy đội như hiện nay. Điều này có nghĩa FIFA và UEFA muốn "lấy hết” các CLB về giải mình, nhằm gây ra khó khăn cho Super League.
Điều đáng nói là trong số 26 quốc gia EU ký đơn chống lại Super League ra đời thì chỉ có Tây Ban Nha là không ký.
Trước đây hàng loạt ông lớn Anh như MU, Man. City, Chelsea, Liverpool, Arsenal, Tottenham đòi tham gia giải ly khai Super League, tuy nhiên Thủ tướng Anh thời đó là ông Boris Johnson kêu gọi không cho phép các CLB Anh tham gia là họ rút ngay.
Bây giờ việc 26 quốc gia thuộc EU đã ký đơn không tham dự, Super League liệu có bẻ kèo được không khi mà ECJ đã tuyên bố Super League có quyền ra đời để chống lại sự độc quyền?
(Theo PLO)