Bóng chuyền Việt Nam: Không vua cũng hậu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/5/2009 | 12:00:00 AM

Không phải môn thể thao vua, nhưng nói cho đúng thì bóng chuyền còn đi trước bóng đá một bước trong lộ trình xã hội hóa thể dục thể thao ở Việt Nam. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp đã góp phần làm sang cho môn thể thao thuộc hệ thống Olympic.

Cơn sốt thương hiệu

Mươi năm trở lại đây, nghĩa là từ sau khi đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành huy chương bạc tại giải vô địch Đông Nam Á tổ chức tại Myanmar (thay cho giải vô địch trong khuôn khổ SEA Games năm ấy không tổ chức ở Brunei), cơn sốt bóng chuyền đã thực sự lôi cuốn nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khác với bóng đá, các Mạnh Thường Quân của bóng chuyền Việt Nam thường là các doanh nghiệp nhà nước chứ ít có những cá nhân một mình dấn thân như với bóng đá.

Đi đầu là ngành bưu chính viễn thông với một loạt đội bóng mạnh ở giải cao nhất: Bưu điện Quảng Ninh (nữ), Bưu điện Hà Nội (nam-nữ), Vital Thái Bình (nữ), sau đó là mấy ngành khác với những đội bóng như Dệt Long An, Than Quảng Ninh, Giấy Bãi Bằng, Ngân hàng Công Thương (nữ), tiếp theo là các đội nam như Seaprodex, Dệt Thành Công, Hóa chất Thành phố Hồ Chí Minh, Bưu điện Bến Tre, Bưu điện Trà Vinh, rồi Vật liệu xây dựng Biên Hòa, Hoàng Long - Long An…

Gần đây nhất, bóng chuyền Việt Nam ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ hơn hết của một loạt doanh nghiệp, kể cả mấy đơn vị kinh tế quân đội, dẫn đến việc đổi tên của các đội bóng truyền thống.

Những câu lạc bộ trực thuộc tỉnh thành hầu như bị mất “phiên hiệu”. Không thể nói khác, các doanh nghiệp đã chi phối mạnh mẽ sự tăng trưởng của bóng chuyền Việt Nam thời kỳ đổi mới!

Nhưng phải bước sang thế kỷ 21, cuộc chiến của bóng chuyền Việt Nam mới thực sự bắt đầu. bóng chuyền Việt Nam hồi hộp chờ đợi thời khắc xuất hiện yếu tố chuyển nhượng theo luật hiện hành của Liên đoàn bóng chuyền thế giới...

Săn đầu người

Cơn sốt chuyển nhượng bắt đầu đến với bóng chuyền Việt Nam, ào ào và sôi nổi, đặc biệt với việc đi mua các cầu thủ ngoại. Hàng loạt tên tuổi đã trở nên quen biết với sân bãi Việt Nam, là những Piyamas, Patcharee, Say mai, Pleujit, Onnuma, Vilawan, Noruman (nữ) đều là tuyển thủ Thái Lan. Rồi Supachai, Soruk, Sompor, cùng mấy cầu thủ Trung Quốc như Chu ah Wei, Zhao Yang Ming...

Các doanh nghiệp “chịu chơi” đều tính chuyện mua ngoại binh để cải thiện vị thế câu lạc bộ mình trên tấm bản đồ bóng chuyền Việt Nam. Sân bãi nhộn nhịp người đấu kẻ xem, những giải đấu được tổ chức dày hơn, kéo theo sự tăng trưởng về thị phần của nhiều địa phương đăng cai có kinh nghiệm và có cơ duyên với bóng chuyền Việt Nam như Phú Thọ, Nam Định, Vĩnh Phúc…

Khác với ngày trước, cầu thủ bóng chuyền giờ có giá hơn nhiều. Họ được các doanh nghiệp chào đón, được nhiều bộ môn khác nể vì vì lập thành tích trên đấu trường và “làm đẹp thương hiệu” cho các doanh nghiệp trên thương trường.

Nói đến tay đánh Ngọc Hoa là người ta biết phân bón Bình Điền, nhắc đến “oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều là nói đến yến sào, là Sanest Khánh Hòa… Có lẽ không lâu nữa, những doanh nhân là chủ các doanh nghiệp có đội bóng chuyền đỉnh cao sẽ được người hâm mộ ưu ái gọi bằng hai tiếng “ông bầu”!

Cho đến mùa giải này, do Liên đoàn bóng chuyền Thái Lan không cho các tuyển thủ quốc gia của họ “xuất khẩu” nữa nên tuyến hai của Thái được các câu lạc bộ bóng chuyền Việt Nam săn lùng ráo riết, những cái tên Utawwan, Sisuma, Karina, Phanusit, Somruk… được nhắc đến, kể cả cặp thày trò Nga là Ira Metrakova và ông thày Alexei Geogievic của đội Dầu khí Việt Nam.

Nhóm các cầu thủ quân đội bên Tràng An Ninh Bình vẫn còn đó, đội Sao vàng biên phòng mua được cầu thủ Trung Quốc cao 1m96, Giấy Bãi Bằng tậu Phanusit đủ sức làm mưa làm gió ở cúp Hùng Vương...

Đã có chuyện tay đánh búa bổ Bùi Thị Huệ được rỉ tai: “Cứ về đây đi, Thái Bình đòi bao nhiêu chú cũng trả”; đã có cuộc đào thoát tốn kém giấy mực của T.H từ môi trường quân đội đến ngành dầu khí; và cả những “chuyển giao” mang tính thời vụ của một số cầu thủ, êm ả có và ồn ào gay cấn cũng có.

Nghề chơi lắm công phu. Đã xuất hiện những người môi giới bóng chuyền, chuyên lo việc “săn đầu người”; đã có những chuyến đi xa tìm kiếm những tay đánh để bổ sung vào câu lạc bộ A, B… trước khi vào giải. Đã thầm thì to nhỏ mức lương mới, đáng phấn khởi của giới bóng chuyền Việt Nam, thay cho sự èo uột trước đó.

Giới thể thao ghi nhận sự vào cuộc của 2 doanh nghiệp trong mùa này, đó là Công ty cao su Phú Riềng và Vietsopetro. Công ty cao su Phú Riềng đã “đi” một chiêu lạ khi lần đầu thực hiện việc giao 20 ha rừng cao su và một khoản tiền cho đội bóng, tập hợp các cầu thủ tứ phương tự nguyện về với cây cao su, chị em sản xuất và tập chơi bóng, mức lương khá cao và tại lần xuất quân đầu tiên đã giành ngay hạng tư ở bảng B.

Nhưng mới mẻ và mạnh mẽ hơn cả có lẽ là 2 đội nam nữ của Vietsopetro. Cả hai được đầu tư bài bản, mời được những cầu thủ một thời oanh liệt như Đặng Thị Hồng (tức Hồng “chuột”, từng là chuyền hai xuất sắc nhất Việt Nam trong nhiều năm), lại có mũi đánh trẻ triển vọng như Nguyễn Thu Hương và nhất là Đinh Trà Giang mới 17 tuổi. Đội nam có Lê Bình Giang - con của 2 danh thủ Lê Thanh Sơn và Phạm Thị Rệt một thời tung hoành tứ xứ.

Được biết, nhiệm kỳ mới của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam có tân Chủ tịch là ông Lê Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Nhà lãnh đạo mới này liệu có là nhân tố mới để đưa con thuyền bóng chuyền Việt Nam ra khơi, viết thêm trang sử đẹp cho môn thể thao nhiều tính quần chúng này?

Cách đây 46 năm, tại Đại hội Thể dục Thể thao các nước mới trỗi dậy (Ganefo) tổ chức tại thủ đô Jakarta, Indonesia, đội nam Việt Nam đã thắng đội chủ nhà 3-0 và giành hạng tư chung cuộc.

Cuối năm nay, cuộc tái đấu với đương kim vô địch Indonesia tại SEA Games 25 tổ chức ở Lào được kỳ vọng sẽ cho một kết quả khả quan hơn, vì bóng chuyền Việt Nam đã và đang được kiện toàn, được đầu tư có bài bản hơn với sự “vào cuộc” khá sâu của các doanh nghiệp.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Ronaldo ít có cơ hội tỏa sáng khi luôn bị hậu vệ đối phương theo sát.

Vậy là lịch sử đã không thể sang trang, MU không thể làm nên điều kỳ diệu. Nhưng có lẽ chẳng CĐV nào của Quỷ đỏ có thể đổ lỗi cho số phận khi đội bóng của họ đã mắc những sai lầm không thể tha thứ.

Emmanuel Adebayor (Villarreal 1-1 Arsenal)

Hai bàn thắng trong trận chung kết Barca 2-0 MU không lọt vào danh sách bình chọn, đơn giản bởi còn có nhiều pha làm bàn khác đẹp hơn đã được ghi trong hành trình tìm ra nhà vua mới cho bóng đá châu Âu mùa này.

Hai bàn thắng của Eto’o và Messi đã giúp Barcelona đánh bại M.U một cách tuyệt đối tại Olimpico di Roma (đêm 27/5), và chính thức trở thành nhà vua mới của bóng đá châu Âu. Chiến thắng này đã giúp Barca của HLV Pep Guardiola đi vào lịch sử với "cú ăn ba" kỳ diệu.

Hai HLV chênh lệch về kinh nghiệm và tuổi tác.

Bên cạnh sự tập trung dành cho chủ đề "Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, ai sẽ tỏa sáng tại thành Rome", cuộc so tài giữa Barca và MU còn có những màn đấu tay đôi khác có thể quyết định thành bại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục