Biển đảo đến với trẻ thơ qua sách
- Cập nhật: Thứ ba, 20/8/2013 | 2:16:41 PM
Giáo dục tình yêu với biển đảo quê hương không còn là đề tài mới lạ trong lĩnh vực xuất bản. Đã có rất nhiều tác phẩm, từ sách giải thích về mặt luật pháp đến các tác phẩm văn học, khoa học… về đề tài này.
|
Không chỉ giới hạn với các loại sách dành cho lứa tuổi trưởng thành, thời gian gần đây các đơn vị xuất bản còn tập trung thực hiện cả các loại sách phổ biến về biển đảo đến lứa tuổi thiếu niên, thiếu nhi.
Nhi đồng và biển đảo
Bộ sách về nhân vật BuBu là một trong những bộ sách ăn khách nhất của NXB Trẻ dành cho lứa tuổi nhi đồng do mang đậm tính giáo dục, giúp các em học hỏi những điều cần thiết trong cuộc sống như tình cảm gia đình, bạn bè, ứng xử trong đời sống…
Vừa qua, bộ sách BuBu ra phần mới với tên gọi Bé học theo chủ điểm cùng BuBu trong đó có một tập dành để giới thiệu về biển đảo với nhan đề BuBu đi du lịch Trường Sa. Thông qua những hình ảnh đơn giản, sách đưa các em đến với quần đảo Trường Sa, nhìn ngắm cá heo bơi lội, ghé thăm các hòn đảo chìm, đảo nổi, chứng kiến những nét đẹp thiên nhiên ở các đảo như con vích, bàng vuông... Dĩ nhiên, sách cũng nhấn mạnh chi tiết: “Trường Sa là của đất nước Việt Nam”. Ở phần cuối của sách cũng như các bộ BuBu khác, có hướng dẫn để phụ huynh trao đổi với con sau khi đọc sách.
Cùng với NXB Trẻ, NXB Kim Đồng cũng là một trong những đơn vị nhiệt tình nhất trong việc thực hiện sách phổ biến về biển đảo cho thiếu nhi. Một trong số sách đó là cuốn Biển vàng đảo ngọc do nhà văn chuyên viết cho giới trẻ Trần Quốc Toàn thực hiện. Cuốn sách tập hợp những đoạn miêu tả hay nhất về biển đảo Việt Nam trong những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trong nước.
Do được biên soạn nhắm vào bạn đọc lứa tuổi từ 6 đến 11 nên các trích đoạn đều dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm nhận như: “Soi kính nhìn xuống đáy, tôi như lạc giữa vùng hang động kỳ dị. Ghềnh đá kéo ra tận đây, chạy ngầm xuống biển, đây hình cóc nhảy, hình voi phục, kia là tượng những vị thần đáy biển, và kia nữa: mầm núi mới nhú lên giữa cát, bùn, rêu xanh và san hô lóng lánh...”. Mỗi trích đoạn đều được minh họa bằng các hình ảnh dí dỏm, dễ thương phù hợp với cảm nhận của trẻ em.
Tình yêu quê hương từ những bài học đầu tiên
Có một cuốn sách về biển đảo cũng dành cho thiếu nhi nhưng lại khá khác biệt là sách ảnh Tổ quốc nơi đầu sóng với hơn 200 hình ảnh về các loài cây đặc trưng ở Trường Sa như bàng vuông, phong ba, bão táp, các rặng san hô, các loài động vật biển… Ngoài ra, sách còn có hình ảnh hoạt động của người dân trên đảo, hình ảnh người chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ.
Đặc biệt, sách còn giới thiệu bản đồ vùng biển Đông Nam Á của nhà địa lý Hà Lan Jodocus Hondius với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, hình đội tàu chiến của Việt Nam đúc trên đỉnh đồng ở kinh thành Huế thể hiện sức mạnh thủy quân triều Nguyễn… Theo các nhà làm sách thì cuốn sách không chỉ đơn thuần là sách khoa học thường thức mà còn là một tài liệu quan trọng bổ sung cho việc giảng dạy về biển đảo ở nhà trường. Đây là một trong các cuốn sách hiếm hoi hỗ trợ giảng dạy về biển đảo cho thiếu nhi được xuất bản gần đây.
Trong khi sách về biển đảo dành cho tuổi trưởng thành đang ngày càng nhiều thì sách về biển đảo cho trẻ em trước nay vẫn còn khá ít ỏi. Trong khi đó, chính những bài học vỡ lòng lại có ảnh hưởng lớn đến quá trình nhận thức của các em về những vấn đề của cuộc sống.
Chính vì thế, việc đang dần xuất hiện ngày càng nhiều các loại sách giáo dục về biển đảo dành cho trẻ em từ nhi đồng đến tiểu học đang được các bậc phụ huynh đón nhận nồng nhiệt. Từ những cuốn sách này sẽ gieo mầm tình yêu quê hương đất nước với thiếu nhi, tương lai của đất nước.
(Theo SGGP)
Các tin khác
70 tác phẩm ảnh nghệ thuật màu và đen trắng với chủ đề Tuổi thơ vừa được các nghệ sĩ nhiếp ảnh chi hội Gia Định thuộc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam giới thiệu với công chúng chiều 18-8 nhân kỷ niệm 15 năm thành lập chi hội.
Festival các trường sân khấu quốc tế lần thứ nhất năm 2013 khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ được tổ chức từ ngày 5-10/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với việc bảo tồn, trùng tu các di tích đã xuống cấp, Huế còn tập trung vào các hoạt động thu hút du khách đến thăm di dích.
YBĐT - Trong những năm gần đây, Yên Bái được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là “cái nôi của thạp đồng”, bằng chứng là đã phát hiện được trên 30 chiếc thạp nằm rải rác bên bờ sông Hồng thuộc các huyện Trấn Yên và Văn Yên.