Tình nôm
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/2/2014 | 8:39:44 AM
YBĐT - Hát nôm là một hình thức thể hiện các tác phẩm dân ca dân tộc Tày với trên 40 làn điệu các loại, mang đậm tính nhân văn và bản sắc văn hóa đặc trưng từ những làn điệu mừng nhà mới, mừng đám cưới, mừng cơm mới, xuống đồng đến hát đối đáp, hát đố...
Đặc biệt, từ khi có chữ viết của người Tày, các câu hát đã phong phú thêm về thể loại và phát triển thêm về hình thức trình bày.
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở thôn Ao Sen, xã Đồng Khê (Văn Chấn), có đôi vợ chồng già đã hơn 50 năm nay giữ gìn và phát huy giá trị to lớn của hát nôm. Câu chuyện của ông bà là những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm cùng nhau biểu diễn, chồng đàn vợ hát, đem bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với mọi người. Đã gần 80 tuổi nhưng niềm đam mê, tình yêu đối với hát nôm vẫn cháy trong tim họ như hồi còn đôi mươi...
Sinh năm 1937, lên 10 tuổi, ông Hà Văn Đổi bén duyên với cây đàn tính, pí thiu. Không học được từ ông bà, bố mẹ, cậu bé Đổi ngày ấy chọn cho mình cách học từ hàng xóm, các cụ ông, cụ bà trong làng. Dần dần, ông biết chơi và gắn bó với cây đàn, với những làn điệu nôm. Không những thế, ông còn sáng tác những bài hát nôm. Phần thưởng 42 đồng cho bài hát “Anh đi tòng quân” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến giờ ông vẫn không quên... Bài hát mang ý nghĩa khích lệ, động viên những người chiến sĩ vững vàng vượt qua mọi khó khăn.
Tiếng đàn ca sáo nhị một thời khiến nhiều cô gái xao xuyến để rồi năm 22 tuổi, ông bén duyên cùng cô Hà Thị Piển. Cùng tuổi, cùng sở thích và niềm đam mê, ông bà đã gắn bó với nhau, gắn bó với hát nôm hơn nửa đời người, cùng nhau biểu diễn tại nhiều nơi mà đến nay ông bà cũng không thể nhớ hết.
Hai vợ chồng cùng đội văn nghệ xã tham dự nhiều hội diễn văn hóa, văn nghệ của huyện, của tỉnh và giành được nhiều giải thưởng. Bà Piển chia sẻ: “Tôi ước mình có thể trẻ lại để học thêm nhiều điệu hát nôm hơn nữa, để có thể hát cho mọi người nghe dù tuổi đã cao”.
Hát nôm được cho là khó nghe nhưng thực tế xuất phát từ những điều giản dị trong đời sống; là tiếng lòng, là hơi thở cuộc sống, thể hiện tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, tình yêu đất nước và là tình làng xóm láng giềng gần gũi. Những vật dụng quen thuộc, những con vật, ngày tháng... cũng trở thành hình tượng thú vị trong hát nôm. Những người như ông Đổi, bà Piển chính là nhân chứng cho những thay đổi của đời sống văn hóa dân tộc, trong đó có hát nôm. Ông Đổi còn cho chúng tôi xem quyển sổ nhỏ mà ông đã cẩn thận ghi chép lại những bài thơ nôm.
Căn nhà nhỏ vang lên tiếng đàn của ông và giọng khắp của bà. Cô chắt nhỏ cũng hiếu kỳ chạy vào nghe. Ông bà có 8 người con và 20 cháu, chắt. Trăn trở nhiều khi con cháu của ông bà không biết, không học được chữ nôm. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông lo cho những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc bị mai một. Ông ngậm ngùi: “Thế hệ con cháu hiện nay rất ít người biết đến hát nôm, thậm chí là chúng dường như không muốn biết và cũng không muốn học. Tôi thực sự mong muốn và sẵn sàng truyền dạy những làn điệu nôm để góp phần gìn giữ nét văn hóa của dân tộc”.
Ao Sen hiện chỉ còn một vài người cao tuổi biết đến hát nôm và người thực sự am hiểu về thể loại này trên địa bàn xã cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người có thể chơi đàn tính, pí thiu, thổi sáo ăn khớp với những làn điệu nôm, điệu khắp của dân tộc như ông Đổi đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Hát nôm trong ngày hội, trong ngày lễ, trong ngày tết, trong những bữa ăn sum họp gia đình... là nét đẹp trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Thế hệ trẻ có nhiều lý do để không biết, không hiểu và không học hát nôm...
Đã nhiều năm gắn bó với phong trào văn hóa, văn nghệ của xã Đồng Khê, chị Hoàng Thị Dung - cán bộ văn hóa xã bày tỏ: “Tôi mong muốn góp một phần công sức của mình để đưa những giá trị của hát nôm nói riêng và văn hóa của dân tộc Tày nói chung đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
Đoàn Hà
Các tin khác
Hội sách mùa xuân 2014 được tổ chức tại Hà Nội được coi là hội sách lớn nhất trong năm của miền Bắc với sự tham dự của nhiều nhà xuất bản, công ty sách: Nhã Nam, Quảng Văn, Bách Việt, Văn Việt, Alpha Books, Người Việt Trẻ, Đông A...
Ngày 13-2, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hội quán Nghĩa An (chùa Ông) - một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của đồng bào người Hoa (nhóm ngôn ngữ Triều Châu) tại TPHCM đã khánh thành sau 4 năm được trùng tu với tổng kinh phí đầu tư 66 tỷ đồng.
Tác giả "Chiếc lược ngà", "Mùa gió chướng"... ra đi ở tuổi 83, để lại văn nghiệp đồ sộ, nồng thắm tình yêu quê hương, con người, đất nước Việt Nam.
YBĐT - Trong dịp tổ chức các hoạt động mừng Đảng mừng Xuân mới Giáp Ngọ 2014 và các lễ hội dân gian truyền thống cho bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn vui Rằm tháng Giêng, thị xã Nghĩa Lộ đã đồng loạt tổ chức trình diễn 6 điệu xòe cổ tại 7/7 phường với sự tham gia của trên 1.000 diễn viên nghệ nhân.