Đêm Mường Lò tha thiết tình người Tây Bắc
- Cập nhật: Thứ hai, 17/3/2014 | 10:24:39 AM
YBĐT - Có lẽ người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), không ai là không biết bài hát Đêm Mường Lò - một ca khúc hay, mang âm hưởng dân gian trữ tình đặc sắc, rất được yêu thích, mến mộ, được hát làm nền trong các hội xòe (đặc biệt đại xòe).
Nơi đây, mỗi lần có xòe, ca khúc Đêm Mường Lò lại rộn rã vang lên.
|
Cách đây 19 năm - thu 1994, nhân chuyến thực tế ở Văn Chấn - Mường Lò, sau đêm đại xòe, Nhà thơ Vũ Quý (Hội văn nghệ Yên Bái) hứng khởi viết nên bài thơ Đêm Mường Lò. Cùng đi với Vũ Quý hồi đó có nhạc sĩ kiêm ca sĩ Thanh Bình (công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh). Tại nhà nghỉ, nhạc sĩ nghe nhà thơ đọc tác phẩm vừa hoàn thành của mình, tâm hồn người nghệ sĩ bỗng trào dâng, ông đưa ra một câu xanh rờn: “Hay! Mình sẽ phổ nhạc bài này ngay lập tức…”.
Và thế là, ngay đêm đó (cho dù trong tay không có một thứ nhạc cụ nào), Thanh Bình say mê, tay gõ lên thành giường làm nhịp, tay cầm bút, rồi theo từng câu thơ của Vũ Quý viết thành nhạc. Bình minh lên cũng là lúc nhạc phẩm hoàn tất. Vậy là ca khúc Đêm Mường Lò - nhạc Thanh Bình, lời thơ Vũ Quý ra đời trong một đêm đầy ngẫu hứng, thăng hoa như thế.
Ca khúc mang giọng rê trưởng với lời mở đầu:
... “Đêm Mường Lò, trăng đang lên dần/Xòe đi anh, tay cầm tay múa xòe cùng em/Đêm Mường Lò, chiêng trống nhịp nhàng, rừng núi âm vang/Tay cầm tay múa xòe cùng em...”.
Với ca từ mộc mạc, dung dị đủ mô tả thời gian và không gian của một đêm đại xòe, tác giả đã khéo dùng thủ pháp ngắn gọn trên cơ sở chất liệu “khắp báo sao” trong dân ca Thái, chia thành những âm tiết cho phù hợp. Ví như: “Đêm Mường Lò” (3 chữ ứng với 2 nốt đen, 1 nốt trắng, trong 2 ô nhịp) “Trăng đang lên dần “4 chữ ứng với 2 nốt móc đơn, 1 nốt đen, 1 nốt trắng, vẫn trong 2 ô nhịp), tiếp đến “xòe đi anh” cũng vậy (2 ô nhịp, 2 nốt móc đơn, 1 đen, 1 trắng)… sự sáng tạo và kỹ thuật này của tác giả khiến người nghe biết được đây là một nhạc phẩm thế “pốp-ba-lát” trữ tình.
Nhạc phẩm vừa hiện đại, vừa mang âm hưởng dân gian (nhờ những nốt lướt, những nốt hoa mỹ, những dấu luyến cuối những âm tiết khi đổ về nốt 3, nốt 5 hay nốt 1 chủ). Ca khúc Đêm Mường Lò không phải là nhạc phẩm dành biểu diễn trên sâu khấu mà là tác phẩm dùng cho tập thể, đặc biệt cho xòe.
Hãy nghe giai điệu và lời ca nói gì ở những đoạn tiếp theo để hình dung.
... “Đừng sợ say, đây tay ngà/chén đã (ư) đầy, chén em dâng đầy/dập dìu chân chàng (i i i i ới)/Dập dìu chân em (i i i i ới)/ta tan dần trong vòng quay...”.
Giai điệu ở đoạn này được biến hóa, phát triển trên nền nhạc Thái, đồng thời tiếp tục sử dụng các dấu luyến, dấu nối (không chỉ 2 nốt mà tới 3, 4 nốt) làm giai điệu giữ được chất dân gian vừa uyển chuyển, nhịp nhàng tạo cảm giác quyến rũ, vừa gợi lên tâm lý cũng như hồn cốt của một tập tục vốn được xem là di sản văn hóa của một tộc người ở đây.
...“Kìa hội vui, xòe đi anh/đừng để em cô đơn một mình
Đêm Mường Lò, trăng dâng đầy/đôi tay ngà đón chờ người ơi...”
Văn hóa xòe , cái đẹp, cái độc đáo được nâng lên. Da diết, lung linh, lôi cuốn, dễ ai chối từ được.
Một lần nữa, trước khi kết thúc bài ca:
... “Vào đây anh, xòe đi anh/đêm không tàn, sương dâng đầy
Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang về xuôi
Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang về xuôi…”.
Vẫn là âm tiết bằng 3 chữ, 3 nốt nhạc trong 2 ô nhịp như khúc dạo đầu và rồi sau đó ca từ được mở rộng giữa kẻ ở người đi, bởi có cuộc vui nào mà không đến lúc tàn. Có điều, chia tay đêm xòe là nỗi nhớ sẽ khôn nguôi, mà ai đó mang cả khung trời, mang cả vầng trăng nơi xứ sở đại ngàn về xuôi. Với những người khôn ngoan, hẳn sẽ thích thú, bịn rịn gặp những âm điệu đảo phách xuất hiện đột ngột ở những câu kết. Đây lại là một sáng tạo rất kỹ thuật nữa góp phần lắng sâu cho người nghe.
Thanh Bình với nhạc trong Đêm Mường Lò, phổ thơ Vũ Quý như một “định mệnh”. Cặp đôi này đã tựa vào nhau, chắp cánh cho nhau tạo nên cuộc “hôn nhân” giữa nhạc và thơ quá trọn vẹn, quá hoàn hảo. Các tác giả đã dâng tặng công chúng yêu nhạc nơi này một tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Nói về “Đêm Mường Lò”, nhạc sĩ Ngọc Bái, Chi hội trưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Yên Bái cho hay: “Đêm Mường Lò, nhạc của Thanh Bình, thơ Vũ Quý là một nhạc phẩm có hồn. Không những lời hay, giai điệu đẹp mà còn mang vào cả một vùng quê đầy chất dân gian Thái anh em”.
Cũng từ khi xuất hiện ca khúc Đêm Mường Lò, bài hát này đã được giới thiệu trên sóng VTV3 trong chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ các dân tộc miền núi. Trong chuyến thăm Yên Bái, nhạc sĩ Trần Hoàn cũng tâm đắc khi được xem và nghe đoàn chèo tỉnh nhà trình diễn, giới thiệu. Chưa hết, Đêm Mường Lò còn được đoàn văn công Không quân Việt Nam dàn dựng, giao lưu nhân dịp đoàn lên phục vụ quân và dân Yên Bái.
Riêng thị xã Nghĩa Lộ, Đêm Mường Lò được tuyển chọn in đĩa, phát hành rộng rãi, được đông đảo các dân tộc đón nhận như một món quà tinh thần không thể thiếu.
Nơi đây, mỗi lần có xòe, ca khúc này lại rộn rã vang lên:
... “Kìa hội vui, xòe đi anh/đừng để em cô đơn một mình
Đêm Mường Lò, trăng dâng đầy/đôi tay ngà đón chờ người ơi...”.
Bùi Huy Mai
Các tin khác
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tối 16/3, Đài Phát thanh-Truyền hình Điện Biên phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Thái Nguyên tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp với tên gọi “Trở lại Điện Biên” tại Di tích Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ.
Tối 15-3, Festival Bắc Ninhh 2014 và Đại hội Thể dục thể thao lần thứ 7 diễn ra tại TP Bắc Ninh với chủ đề “Hào khí Kinh Bắc – Bắc Ninh” nhân dịp nay, tỉnh Bắc Ninh cũng đón nhận bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt đối với Chùa Dâu và Chùa Bút Tháp.
Tối 15/3, tại chân tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ), lễ bế mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên năm 2014 đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng, rực rỡ.