Festival Huế 2014 – Kỳ vọng tạo cú "hích" tăng trưởng du lịch Huế
- Cập nhật: Thứ ba, 8/4/2014 | 8:15:06 AM
Festival Huế qua 8 lần tổ chức đã trở thành thương hiệu riêng của Thừa Thiên-Huế. Được kỳ vọng sẽ tạo "cú hích" mới cho sự phát triển ngành du lịch của tỉnh, Festival Huế 2014 sẽ tiếp tục là màn trình diễn văn hóa-nghệ thuật thành công và ấn tượng của năm 2014.
Ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên-Huế.
|
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về những nét mới, ấn tượng và công tác chuẩn bị của Festival Huế năm nay.
Festival Huế năm nay có những điểm khác biệt nào so với những năm trước, thưa ông?
Ông Phan Tiến Dũng: Điểm nhấn khác biệt nhất của Festival lần thứ 8 năm 2014 là BTC chú trọng đưa Festival về với cộng đồng, khuyến khích cộng đồng là chủ thể sáng tạo trong không gian Festival. Và các hoạt động của Festival không chỉ diễn ra ở Trung tâm TP. Huế, mà sẽ trải rộng khắp các địa bàn tại Thừa Thiên-Huế.
Chúng tôi đã xác định phải đưa vào Festival những sự kiện có thể phục vụ phát triển du lịch văn hóa mang tính chiến lược lâu dài. Ví dụ như đưa lễ hội tôn vinh ca Huế vào Festival năm nay để khách tham quan, bạn bè quốc tế biết rằng ngoài những công trình kiến trúc cổ, Huế còn có một di sản rất quý báu khác đó là ca Huế.
Hiện nay, có 200-400 nghệ sĩ biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống này hằng đêm tại Huế. Ca Huế không chỉ mang ý nghĩa trình diễn đơn thuần mà còn đến với du khách để phát huy vai trò giá trị quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch.
Tôi tin rằng những giá trị về nghệ thuật âm nhạc cung đình Huế và ca Huế sẽ đóng góp sự hấp dẫn đối với các sản phẩm du lịch của địa phương, tạo sự khác biệt cũng như thêm một thế mạnh để phát triển loại hình du lịch văn hóa cho Huế.
Festival Huế sẽ thu hút một lượng khách tham quan rất lớn, nguy cơ quá tải về dịch vụ là rất cao, vậy để phục vụ tốt nhất cho khách tham quan, tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Năm nay, có 37 quốc gia khắp 5 châu lục đăng ký tham gia với 44 đoàn nghệ thuật, tăng 11 nước so với Festival 2012. Chỉ riêng số lượng nghệ sĩ đã lên đến hơn 1.700 người, trong đó có 700 nghệ sĩ quốc tế và hơn 1.000 nghệ sĩ trong nước tham gia biểu diễn tại Festival lần này. Chưa kể hàng triệu lượt khách tham quan đến Huế trong suốt 7 ngày diễn ra Festival.
Huế vốn là một thành phố yên bình và yên tĩnh do đó sự tập trung của lượng khách lớn như vậy ở đây chắc chắc sẽ gây ra nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, Huế vốn là một thành phố du lịch cộng với kinh nghiệm 7 lần tổ chức Festival nên chúng tôi khá tự tin về công tác tổ chức, tiếp đón và phục vụ cho du khách, quan khách và nghệ sĩ tại Festival lần này.
Tuy nhiên, để công tác phục vụ được chu đáo nhất có thể, tỉnh vẫn có sự chuẩn bị kỹ càng về nhân lực. Chúng đã tôi mời các chuyên gia cao cấp, các tình nguyện viên đến từ Nhật Bản và các quốc gia khác để tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ du khách cho những người bán hàng, xích lô.
Chúng tôi sẽ đào tạo, giới thiệu một số loại hình, một số chương trình sẽ diễn ra trong Festival được tập trung tại chỗ nào. Đưa ra các thông tin cho người đạp xích lô, người bán hàng biết cách giải thích, thái độ tiếp đón người nước ngoài.
Ban tổ chức cũng mời những tình nguyện viên đến từ các nước tới để trực tiếp trình diễn, thực hành các thao tác, kỹ năng cơ bản mà người bán hàng, người xích lô, người lái xe đường dài, chủ lái ghe thuyền cần phải có để tiếp đón khách nước ngoài. Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chi kinh phí để may áo quần, đồng phục cho những người đạp xích lô (khoảng 200 người trong Nghiệp đoàn xích lô của tỉnh). Đồng thời trang bị hệ thống phông bạt trong suốt để khách ngồi trên xích lô có thể ngắm cảnh xung quanh cả ngày mưa ngày nắng. Chúng tôi còn vận động tất cả chị em ở chợ Đông Ba mặc áo dài khi bán hàng.
Chương trình tập huấn này đã bắt đầu từ năm 2010, năm nay là kì thứ 3. Các đối tượng xích lô, xe thồ, lái thuyền, lái xe và chị em bán hàng tiểu thương đều có lớp kỹ năng phục vụ du lịch riêng theo đặc thù ngành nghề. Những người tham gia tập huấn sẽ được Sở VHTTDL cấp chứng chỉ, thẻ đã qua khóa tập huấn (lớp kỹ năng phục vụ khách du lịch).
Festival đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân Huế, do đó chính người dân nơi đây đã ý thức được quyền lợi của mình gắn với thành công của Festival và họ cũng biết rằng để tiếp tục phát huy được giá trị của Festival một cách bền vững thì phải có sản phẩm, dịch vụ tốt để giữ chân du khách. Chuyện "chặt chém", tăng giá vô tội vạ tại các hàng ăn, khách sạn hầu như không có bởi lãnh đạo Sở đã có nhiều buổi làm việc, thanh tra, kiểm tra.
Có những người dân Huế đã bỏ ra hàng tỷ đồng để làm triển lãm “tranh đường phố”. Thời điểm quá tải khách, phòng khách sạn cháy, người dân đã rộng cửa để đón du khách vào ăn nghỉ trong 1 tuần diễn ra Festival. Rõ ràng là nếu không có sự tham gia tích cực của người dân thì Festival Huế không thể thành công.
Là thương hiệu của Huế, 7 kỳ Festival vừa đã mang lại nhiều giá trị lợi ích cho Huế đặc biệt là cho ngành Du lịch. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn doanh thu từ du lịch đóng góp cho tỉnh qua mỗi kì Festival?
Trong những năm qua, nhờ quảng bá về văn hóa du lịch và qua mỗi kỳ Festival, sự phát triển của du lịch và dịch vụ ngày càng đóng góp quan trọng vào tỉ trọng tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên-Huế.
Hiện du lịch và dịch vụ đóng góp 55% cho GDP của tỉnh. Ngoài sự tôn trọng, đánh giá cao của các quốc gia khác với văn hóa Việt Nam thì Festival đã đóng góp rất lớn trong việc cải thiện đời sống người dân, tạo doanh thu lớn trong phát triển kinh tế-xã hội cho Thừa Thiên-Huế.
Trước đây, tất cả các hãng lữ hành ít khi đưa khách đến lưu trú tại Huế mà chỉ tham quan rồi về Đà Nẵng hoặc TPHCM. Nhờ thành công của Festival, các hãng lữ hành của Đức, Anh, Pháp đã giới thiệu nhiều khách đến với Huế. Và du khách không chỉ ở lại Huế để thưởng thức Festival mà còn tìm hiểu khám phá thêm các điểm đến thú vị khác của Huế.
Tại Festival Huế, chúng tôi dự tính mỗi năm có khoảng trên 200.000 lượt khách đến tham quan và trong đó một nửa là khách người nước ngoài. Từ thành công của các kỳ Festival Huế, lượng khách du lịch đến Huế ngày càng tăng.
Tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến Huế sau mỗi kỳ Festival trung bình tăng từ 15-20%. Đây là một con số ổn định và tăng dần đều, thể hiện sự tăng trưởng bền vững chứ không phải đột phá nên không xảy ra chuyện tăng thật nhanh rồi giảm cũng thật sâu.
Nếu như trong kỳ Festival đầu tiên năm 2000 chỉ có 900.000 lượt du khách đến Huế thì năm 2013, Thành phố đã đón được 2,5 triệu lượt du khách. Trong 2 tháng đầu năm 2014, đã có 400.000 lượt du khách đến Huế. Dự kiến, trong 9 ngày Festival Huế 2014, sẽ có 200.000 du khách đến với cố đô.
Năm 2014, Huế phấn đấu đạt 3 triệu lượt khách tham quan du lịch. Trong đó 2 triệu lượt khách đến lưu trú, khách nước ngoài chiếm 50% trong tổng số khách đến Huế tham quan. Vì vậy, với màn trình diễn hoành tráng, ấn tượng của Festival Huế 2014 lần này, chúng tôi tin rằng kế hoạch đón từ 2,8-3 triệu lượt khách đến Huế năm 2014 hoàn toàn có thể đạt được.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Chinhphu)
Các tin khác
Lần thứ 7 tổ chức, Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2014 (Hanoi Sound Stuff - HSS) là sự kiện thường niên được giới nghệ thuật đương đại đón chờ. Năm nay, liên hoan diễn ra trong hai ngày (11, 12-4) và một buổi biểu diễn đặc biệt trong khuôn khổ Festival Huế 2014.
Rước kiệu là hoạt động mang tính cộng đồng thể hiện tư tưởng hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên và phát huy tinh thần đoàn kết.
YBĐT - Tôi gọi chàng trai trẻ ấy là nghệ sỹ của núi, bởi ngoài ông và cha anh ra thì mảnh đất Bản Mù quanh năm mây mờ bao phủ này; thậm chí là cả vùng đất Trạm Tấu kỳ vĩ, hiếm có người thứ tư biết được bí quyết làm nên linh hồn của cây khèn thiêng – vốn được coi là báu vật, thứ nhạc cụ biểu trưng cho phần hồn trong đời sống tâm linh của đồng bào Mông...
YBĐT - Sáng ngày 7/4, Thành ủy Yên Bái tổ chức gặp mặt với các văn nghệ sĩ Trung ương và tỉnh Yên Bái.