Vùng đất cội nguồn dân tộc
- Cập nhật: Thứ ba, 8/4/2014 | 9:22:37 AM
YBĐT - Theo số liệu kiểm kê của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Thọ (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) năm 2005, toàn tỉnh có 326 di tích thờ Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trải rộng ở các địa phương trong tỉnh, trong đó Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng lâu đời nhất.
Theo dòng chảy của thời gian, trải qua bao biến cố thăng trầm, di sản văn hóa của dân tộc vẫn trường tồn và ngày càng phát triển. Nếu lấy Đền Hùng làm tâm điểm và mở rộng ra xung quanh với bán kính vài chục km, ta thấy dày đặc các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể, đó là kho tàng văn hóa dân gian với biết bao truyền thuyết lịch sử, tục hèm thờ cúng, nghi thức lễ hội, trò diễn hội làng... liên quan đến thời đại Hùng Vương được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Từ huyền thoại lịch sử về Cha Lạc Long Quân kết duyên cùng Mẹ Âu Cơ sinh ra đồng bào ta trong "bọc trăm trứng", đến những việc trọng đại quốc gia: chọn đất đóng đô, cầu người hiền tài giúp vua giúp nước đánh giặc ngoại xâm, chọn người kế vị, cầu mùa màng tốt tươi đến việc thường ngày: dạy dân cấy lúa, chăn tằm ươm tơ, làm bánh nấu mật, ca hát giao duyên..., mỗi một truyền thuyết đều gắn với một địa danh, một lễ hội cụ thể ở vùng đất Tổ.
Đến Phú Thọ, nghe các câu chuyện kể về thời các Vua Hùng, xem các di vật khảo cổ, ta có thể hình dung một cách rõ nét về cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, đánh giặc giữ làng và nhiều phong tục tập quán của ông cha ta từ buổi đầu dựng nước.
Ngoài tín ngưỡng và lễ hội đền Hùng, còn có những lễ hội dân gian rất đặc sắc gắn với các thời đại Hùng Vương liên quan tới Đền Hùng và vùng phụ cận của Đền Hùng: xã Hy Cương có tục thờ phồn thực nông nghiệp cầu mong sự sinh sôi qua việc thờ cúng "Đá Ông, Đá Bà" trên đỉnh núi Trọc; ngày 25 tháng 5 âm lịch, Hy Cương còn có lễ "Hạ điền", diễn lại tích Vua Hùng cùng dân cấy lúa. Hai xã Chu Hóa và Hy Cương còn có chung tục lệ "Lấy tiếng hú" và chạy "Tùng dí " vào đêm giao thừa; lễ hội "Rước Chúa Gái về nhà chồng" vào 15 tháng Giêng Âm lịch.
Thanh Đình là một xã có nhiều lễ hội nhất của tỉnh Phú Thọ, ngay trong tháng Giêng bắt đầu từ ngày mở cửa đình là lễ "Rước giải" phản ánh cuộc sống của cư dân nông nghiệp với nghề chăn thả gia súc và đánh cá; ngày mồng 4 có lễ "Rước ông Khiu, bà Khiu" là nghi thức phồn thực cầu mong sự sinh sôi của con người và mùa màng; ngày 22 có lễ hội "Tế Thánh" theo tích Tản Viên đánh giặc; ngày 23 lễ hội "Hú cờ", theo tích Ngọc Hoa đi đón Sơn Tinh. Trong năm, vùng này còn có "Lễ hội đi săn" phản ánh tục săn bắt của cư dân Việt cổ.
Các làng xã khác ở vùng phụ cận đền Hùng như Tứ Xã có lễ hội "Trò Trám", Sơn Vi có hội "Cướp cầu đánh phết "; Kim Đức có lễ hội "Hát Xoan " và tục gói bánh chưng, bánh dày; Hùng Lô có tục rước kiệu về dự lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương; Thụy Vân có lễ hội "Cầu Đinh"; Minh Nông có lễ hội "Vua Hùng dạy dân cấy lúa"; phường Bạch Hạc có lễ hội "Bơi chải"... Tất cả lễ hội, trò diễn trên cho thấy vùng Đền Hùng, thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao - miền đất trước ngã ba sông là một vùng hội tụ khá dày đặc các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, phản ánh buổi đầu bình minh của lịch sử dân tộc.
Với 57 địa điểm khảo cổ đã được khai quật và nghiên cứu ở Phú Thọ, các nhà khoa học đã chứng minh rằng khu vực Đền Hùng cách đây hàng ngàn năm đã là địa bàn tụ cư của người Việt cổ và quá trình này diễn ra liên tục. Điều đó thể hiện qua các dấu tích văn hóa khảo cổ để lại kế tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn với đủ các loại hình di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng , kho tàng... Ngay tại vùng ngã ba Hạc Việt Trì là nơi được coi "tụ thủy, tụ nhân" đặc biệt có di chỉ Làng Cả mà theo sử cũ chép lại đây chính là kinh đô của nước Văn Lang cổ đại - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Tại một số địa điểm khảo cổ học xung quanh đền Hùng đã tìm được những hiện vật đặc biệt quý hiếm, đó là chiếc nha chương, trống đồng Hêgơ I có đường kính lớn nhất từ trước đến nay, được coi là vật thiêng tượng trưng cho quyền uy và địa vị của người thủ lĩnh quân chủ và khá nhiều hiện vật độc đáo khác như vuốt đá, bộ khóa đai lưng bằng đồng có 8 con rùa, rìu giáo, qua đồng... Có thể nói, không nơi nào ở Việt Nam lại có mật độ dày đặc những hiện vật, dấu tích, huyền thoại, truyền thuyết, lễ hội, trò diễn... về các lĩnh vực đời sống thời đại Hùng Vương như ở Phú Thọ.
Thời phong kiến tự chủ, các triều đại đã nối tiếp nhau tôn vinh việc thờ cúng các Vua Hùng, tu bổ, tôn tạo xây dựng khu di tích lịch sử, Đền Hùng, đặc biệt là triều Nguyễn đã quy định ngày quốc lễ là ngày mùng 10/3 Âm lịch hàng năm, định ra hội chính và hội lệ, cấp tiền và gạo nếp thơm cho xã Hy Cương sở tại lo việc thờ phụng các Vua Hùng trong kỳ giỗ Tổ.
Trong những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng đã được Đảng, Nhà nước ta tôn vinh ở tầm cao mới, thể hiện ở các văn bản quy định tổ chức lễ hội Đền Hùng theo nghi thức cấp nhà nước vào các năm chẵn, cấp tỉnh vào các năm lẻ cùng các quy định về tôn tạo bảo vệ di tích Đền Hùng, rừng quốc gia Đền Hùng.... sao cho xứng tầm là di tích xếp hạng đặc biệt của quốc gia, để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thực sự là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam.
Quang Trần
Các tin khác
Festival Huế qua 8 lần tổ chức đã trở thành thương hiệu riêng của Thừa Thiên-Huế. Được kỳ vọng sẽ tạo "cú hích" mới cho sự phát triển ngành du lịch của tỉnh, Festival Huế 2014 sẽ tiếp tục là màn trình diễn văn hóa-nghệ thuật thành công và ấn tượng của năm 2014.
Lần thứ 7 tổ chức, Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2014 (Hanoi Sound Stuff - HSS) là sự kiện thường niên được giới nghệ thuật đương đại đón chờ. Năm nay, liên hoan diễn ra trong hai ngày (11, 12-4) và một buổi biểu diễn đặc biệt trong khuôn khổ Festival Huế 2014.
Rước kiệu là hoạt động mang tính cộng đồng thể hiện tư tưởng hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên và phát huy tinh thần đoàn kết.
YBĐT - Tôi gọi chàng trai trẻ ấy là nghệ sỹ của núi, bởi ngoài ông và cha anh ra thì mảnh đất Bản Mù quanh năm mây mờ bao phủ này; thậm chí là cả vùng đất Trạm Tấu kỳ vĩ, hiếm có người thứ tư biết được bí quyết làm nên linh hồn của cây khèn thiêng – vốn được coi là báu vật, thứ nhạc cụ biểu trưng cho phần hồn trong đời sống tâm linh của đồng bào Mông...