Tiếng lòng người Yên Bái với Bác trong thơ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/5/2014 | 8:33:57 AM

YBĐT - Ở Yên Bái, Vũ Chấn Nam được coi là người viết nhiều nhất về Bác Hồ. Ông có cả tập thơ viết về lãnh tụ. Nhiều lần đến với lán Nà Lừa ở Tuyên Quang hay lên Cao Bằng thăm Pác Bó, lần nào cũng có thơ.

Trong các sáng tác của mình, các nhà thơ Yên Bái đã dành một tình cảm lớn viết về Bác.
(Ảnh: Thanh Ba)
Trong các sáng tác của mình, các nhà thơ Yên Bái đã dành một tình cảm lớn viết về Bác. (Ảnh: Thanh Ba)

Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ lâu đã trở thành hình tượng đẹp trong văn học - nghệ thuật, đặc biệt thi ca. Đối với người làm thơ Yên Bái càng trở nên thân thương, nhất là từ khi Người lên thăm tỉnh nhà và nói chuyện cùng đồng bào các dân tộc vào tháng 9 năm 1958. Dịp này, nhà thơ Vũ Chấn Nam đã có bài thơ “Bác về Yên Bái chiều thu ấy”. Lên thăm Yên Bái trong hoàn cảnh khi “Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh”. Tất cả vẫn ngổn ngang khó khăn “Thị xã còn tranh tre, nứa lá/Vùng cao còn bao người mù chữ/Đất rộng, người thưa chưa đủ ăn”. Nhưng cũng  trong bối cảnh đó, chân dung người cầm lái vĩ đại được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết:

Phòng Bác vào khuya vẫn sáng đèn
Rạng ngày Bác đến với nhân dân
Người dân mong Bác như mong mẹ
Lời Bác như lời cha với con

Hết lòng lo toan việc nước, chăm chút đến hạnh phúc của nhân dân, vì vậy sự tin yêu của người dân đối với Bác ngày được nhân lên, không còn ở  mức bình thường mà là niềm tin mang tính chất gia đình, phụ tử. Vượt lên  nghi thức “lễ đài đơn sơ” thì “Chiếc áo len màu ghi Bác mặc” cùng bài nói chuyện chân phương mà sâu sắc đã tạo nên một hình ảnh cao đẹp, một tượng đài sống mãi trong lòng nhân dân “Bóng Người lồng lộng trước sân Căng”.

Ở Yên Bái, Vũ Chấn Nam được coi là người viết nhiều nhất về Bác Hồ. Ông có cả tập thơ viết về lãnh tụ. Nhiều lần đến với lán Nà Lừa ở Tuyên Quang hay lên Cao Bằng thăm Pác Bó, lần nào cũng có thơ. Tại đỉnh mốc 108, nơi Bác lần đầu trở về Tổ quốc sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, cảm xúc nhà thơ viết:

Ôi có phải nơi đây bùng ngọn lửa
Mặt trời lên thung lũng ngát hương mơ
Trong bão tố vụt trưởng thành khu Đỏ
Bác đã về dân tộc sáng đường đi
                                                                               
             (Về Pác Bó )

Còn với một số tác giả thơ vốn là những nhà giáo nghe theo tiếng gọi của Đảng xung phong lên phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo miền núi thì buổi gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện tại hội trường Trường bổ túc văn hoá Công nông Trung ương đã để lại ấn tượng sâu sắc. Không ai có thể quên lời dặn dò của vị cha già dân tộc “Đã xung phong phải xung phong đến nơi đến chốn”. Già nửa thế kỷ trôi qua, lời Bác là động lực, là ánh sáng soi đường, chỉ lối suốt cuộc đời “Soi đường chúng tôi đi/ Lời Bác khuyên năm ấy”. Người thầy giáo già Đinh Hội viết những câu thơ thật xúc động:

Hành trang cuộc đời tôi
Là trái tim  nhân nghĩa
Vốn có của đời tôi
Hiến dâng thời trai trẻ.
 (Lời Bác khuyên năm ấy)

Năm 1969, Bác Hồ ra đi về “thế giới người hiền”, gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin. Cả nhân loại xúc động khi nghe tin, đồng bào cả nước tiếc thương Người. Nơi núi rừng Yên Bái, từ già đến trẻ không cầm nổi nước mắt. Nhớ Bác, nhớ về những phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác, tác giả Quang Bách gửi gắm tâm tình qua câu thơ:

Nhớ Bác lòng con mãi ngẩn ngơ
Giản dị chân tình lưu “đức” sáng
Công minh chính trực quét “tâm” mờ

              (Nhớ Bác Hồ)

Biến đau thương thành hành động cách mạng, các địa phương, đoàn thể, cá nhân Yên Bái đều có những việc làm thiết thực biểu hiện lòng thương nhớ Bác. Ông Bàn Văn Cát, dân tộc Dao quần trắng ở Yên Bình được gặp Bác hai lần, nghe tin Bác Hồ mất, ông nghẹn ngào khóc và tự mình xuôi về Hà Nội để viếng Bác. Ông Nguyễn Gia Tân bỏ công sức từ năm 1969 đến năm 1990 để biên khảo cuốn “Tiểu sử và đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Một số nơi như xã Viễn Sơn, Đại Sơn (huyện Văn Yên) trồng đồi quế Bác Hồ; xã Nậm Búng (huyện Văn Chấn) tổ chức lễ phát thẻ đảng viên và đón đuốc Bác Hồ… Cũng từ  hiện thực đó, tác giả Thế Quynh viết:

…Bốn mươi năm cây quế lớn lắm rồi
Hạt giống quí gieo mầm xanh ngút ngát.
Trăng sáng lung linh trong lời em đang hát
Người Dao Viễn Sơn có rừng quế Bác Hồ.
           (Cây quế Bác Hồ)

Còn với tác giả Hoàng Việt Quân, bằng cách nói mộc mạc, chân chất của người vùng cao đã thể hiện tình cảm của họ với người cha, người thầy của mình thật cảm động. Bài thơ “Người ở núi thương nhớ Bác Hồ” như lời gan ruột gửi gắm đến Bác, nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức trong sáng của Người:

Người ở núi thương Bác
  chỉ muốn khóc
Người ở núi nhớ Bác
  chỉ muốn làm
Người ở núi yêu Bác
  chỉ muốn hát
Người ở núi ghét nhất
Người nào không học theo Bác
Người nào không làm theo Bác
Coi như là người bỏ đi.

Thuộc lớp đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lâu năm, tác giả Phạm Sĩ Quang luôn nhớ lời dạy của Bác “đảng viên đi trước”. Chính vì vậy ông thường tự nhắc nhở mình, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ đến lứa bạn bè cao  niên cùng các thế hệ con cháu hãy:

Khó khăn đừng tụt lại đằng sau
Thuận lợi chớ nên chạy đứng đầu
Đất nước thăng trầm bao biến cố
Lời vàng Bác dạy mãi ghi sâu
                (Nhớ lời Bác khuyên)

Còn nhiều nữa các bài thơ của tác giả chuyên và không chuyên viết về Bác Hồ. Hôm nay đây, toàn Đảng, toàn dân đang triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đọc những vần thơ của người làm thơ Yên Bái viết về lãnh tụ kính yêu, tâm nguyện của mỗi chúng ta luôn hướng về Người, “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn, Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi. Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn” (Tố Hữu).

Nam Hà


 

Các tin khác
Một tiết mục trong chương trìng của đoàn nghệ thuật Young Ambassadors.

Đoàn nghệ thuật “Những đại sứ trẻ” của Mỹ sẽ có hai đêm diễn tại hai thành phố của Việt Nam là TP Hồ Chí Minh (16/5) và Hà Nội (19/5).

Mộc bản triều Nguyễn.

Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng vừa cho biết, phiên bản mộc triều Nguyễn về Truyền thuyết Hùng Vương đã chính thức được Cục Văn thư lưu trữ Quốc gia trao tặng cho tỉnh Phú Thọ.

Triển lãm các châu bản triều Nguyễn.

Với các giá trị nổi bật về mặt nội dung, hình thức và phong cách, hồ sơ “Châu bản triều Nguyễn" đã thuyết phục được Ban Tư vấn cũng như dành được đa số phiếu bầu của các nước thành viên tham dự Hội nghị để lọt vào danh sách 16/21 hồ sơ đề cử được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong hai ngày 14 và 15-5, tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thuộc Bộ VH,TT&DL phối hợp với Sở VH,TT&DL tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại" - trường hợp dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục