Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi lưu giữ truyền thống vẻ vang của những người làm báo

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/6/2015 | 7:53:59 AM

Từ những tờ báo đầu tiên đơn sơ, được in thủ công, viết tay trong tù… đến nay, báo chí Việt Nam góp công lớn trong lịch sử dân tộc, đặc biệt tại những thời điểm, những sự kiện có ý nghĩa quan trọng của đất nước.

Nhà báo Trần Hồng với bức ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Nhà báo Trần Hồng với bức ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam (BTBCVN) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21-8-2014, là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về những đóng góp của báo chí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những thành công bước đầu

Tính đến thời điểm này, Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) đã thu thập được khoảng 3.200 hiện vật, tài liệu có giá trị phục vụ cho hoạt động của BTBCVN, trong đó có cả bản gốc số báo Tết đầu tiên bằng chữ quốc ngữ in năm 1918 do nhạc sĩ Phạm Tuyên tặng.

Báo chí cách mạng là dòng chủ lưu của lịch sử báo chí Việt Nam, vì vậy HNBVN nhận được rất nhiều tư liệu quý về báo chí cách mạng. Riêng tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang có một triển lãm “Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam”, trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật gốc lần đầu được công bố như: Bức ảnh năm 1950 có chữ ký và triện của Bác Hồ tặng nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn; bài trả lời phỏng vấn bốn tờ báo của Nhật Bản, có bút tích biên tập của Bác; 48 bức ảnh về các cuộc tiếp xúc, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí nước ngoài…

Những hiện vật trong triển lãm đã tạo sự chú ý lớn đối với nhiều người thăm quan. Theo nhà báo lão thành Hữu Thọ, đây là triển lãm rất bổ ích với những người làm báo. Tham quan triển lãm, nguyên Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng ghi lại những dòng đầy cảm xúc: “Học và làm theo Bác thì gắng sức cũng được đôi phần, nhưng học viết như Bác thì mãi mãi là học trò dốt. Cảm ơn các đồng nghiệp đã tổ chức được triển lãm này. Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu quý, đáng để anh chị em nhà báo ta dành thời gian đến xem và suy ngẫm”.

Qua triển lãm, nhiều điều tuyệt vời, giá trị của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh càng trở nên gần gũi với những người làm báo trẻ. Nhà báo Nguyễn Cảnh (Thời báo Kinh tế Việt Nam) viết: "Xin cảm ơn chân thành HNBVN đã cung cấp cho người dân nói chung, những người đã và đang làm nghề báo rất đầy đủ tư liệu, tài liệu, hình ảnh về tấm gương Hồ Chủ tịch trong vai trò một nhà báo. Qua đây, bản thân tôi đã có cái nhìn sâu hơn về đạo đức nghề báo, tư tưởng người làm báo trong thời kỳ đương đại”.

Hiện vật, tài liệu "kể chuyện"

Riêng công tác sưu tầm hiện vật, tài liệu - phần quan trọng nhất hình thành BTBCVN - HNBVN nhận được nhiều hiện vật, tài liệu của các nhà báo, gia đình, bạn bè họ hiến tặng. Nhìn vào mỗi hiện vật, tài liệu đó có thể giúp người xem hôm nay hiểu thêm về các nhà báo, lịch sử báo chí và cả những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

 Trước hội thảo “Nhà báo Hoàng Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam” tổ chức tháng 1-2015, phóng viên Báo Nhân Dân lên "than phiền" với Phó chủ tịch HNBVN Hà Minh Huệ về việc không mượn được tư liệu để làm clip về nhà báo Hoàng Tùng. Thật may, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Nhà Văn hóa HNBVN, Phó tổng biên tập Tạp chí Người làm báo, tình cờ biết chuyện đã “cho mượn” những tài liệu, hiện vật được gia đình nhà báo Hoàng Tùng tặng, đang được những người làm BTBCVN giữ gìn cẩn thận.

Sau Hội thảo, như một lời cảm tạ, HNBVN bất ngờ nhận được một va-li với dòng chữ “của ba” do ông Trần Chiến Thắng, con trai nhà báo Hoàng Tùng tặng. Chiếc va-li có rất nhiều hiện vật quý của nhà báo Hoàng Tùng, như chiếc mũ da quen thuộc của ông cùng máy ảnh, sổ tay, tập ảnh nhà báo dự Đại hội Đảng lần thứ 27 của Liên Xô được phía bạn gửi tặng... Trong chiếc va-li còn lưu giữ cả bức ảnh hiếm có khi nhà báo Hoàng Tùng bị giam trong nhà lao địch.

Lịch sử báo chí Việt Nam, lịch sử dân tộc đã phần nào thể hiện trên chiếc “Thẻ nhà báo” đặc biệt dạng “Giấy chứng nhận” của UBND cách mạng quận Hữu Ngạn, Huế; “Giấy chứng nhận đồng chí Tô Thế Quảng là phóng viên Báo Cờ giải phóng Huế và phóng viên Thông tấn xã giải phóng Trị Thiên-Huế đang công tác tại Hữu Ngạn”. Giấy chứng nhận còn ghi rõ thời hạn, đặc điểm nhận dạng của phóng viên và đặc biệt lưu ý “có mang theo vũ khí: một súng ngắn (K54)”.

Bên cạnh đó, BTBCVN còn tiếp nhận những hiện vật quý như: tấm ảnh nổi tiếng “O du kích nhỏ” có chữ ký của nhiếp ảnh gia Phan Thoan; súng ngắn của nhà báo Đào Tùng mang theo trong quá trình tác nghiệp; chiếc máy chữ sản xuất tại I-ta-li-a do nhà báo Hồng Hà mua từ tiền dành dụm được; bức ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ của nhà báo Trần Hồng...

Bà Trần Thị Kim Hoa là người được giao phụ trách BTBCVN, chia sẻ: “Nghề báo đem lại cho tôi nhiều kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm sống. Khi được phân công sang phụ trách công tác bảo tàng, quả thực lúc đầu tôi cũng không thoải mái lắm. Nhưng khi làm bảo tàng tôi lại thấy còn rất nhiều điều lý thú, trong đó cả những câu chuyện chưa bao giờ xuất hiện trên mặt báo. Từ đó, tôi thấy quý trọng từ những hiện vật mà các nhà báo và gia đình họ đã trao tặng BTBCVN".

Có lẽ không riêng bà Hoa, bất cứ ai khi tiếp xúc với các tài liệu, hiện vật này đều như thấy một phần quá khứ của những con người, cuộc đời, số phận đã gắn liền với nghiệp cầm bút, cầm máy. Việc ra đời của BTBCVN cũng giúp công chúng hôm nay thêm hiểu biết sâu sắc hơn về chặng đường ra đời, xây dựng, phát triển của báo chí nước nhà và những đóng góp, cống hiến của các thế hệ người làm báo Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

                                                                     (Theo QĐND)

Các tin khác
Một cảnh trong phim Đường Sơn đại địa chấn

Được coi là một trong những bộ phim bi thương nhất truyền hình Trung Quốc về đề tài thiên tai và hậu quả mà con người phải chịu đựng phía sau sự phẫn nộ của thiên nhiên, phiên bản truyền hình Đường Sơn đại địa chấn sẽ được phát sóng trên VTV1 vào 13h các ngày trong tuần bắt đầu từ 10-6.

Nhà tù Sơn La

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc – Giải Sao Mai 2015, đã chính thức bước vào vòng chung kết khu vực.

Sáng 9-6, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã công bố kế hoạch tổ chức “Giải thưởng báo chí viết về ATGT năm 2015”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục