"Còn mãi bản hùng ca" tri ân những người con hy sinh vì Tổ quốc
- Cập nhật: Thứ năm, 23/7/2015 | 7:24:10 AM
Tối 29/7, tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, các nghệ sỹ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh sẽ công diễn vở kịch múa "Còn mãi bản hùng ca".
Ảnh chỉ có tính minh họa.
|
Đây là hoạt động thiết thực cùng nhân dân cả nước kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2015), tri ân và thể hiện sự biết ơn sâu sắc với những người con đã không tiếc máu xương, hy sinh vì Tổ quốc trong những năm tháng kháng chiến cứu nước; hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2015).
Tác phẩm này được sáng tác dựa trên kịch bản của nghệ sý nhân dân Vũ Việt Cường, với phần biên đạo của nghệ sỹ nhân dân Kim Quy, nhà biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Phúc Hải, âm nhạc do nghệ sỹ ưu tú Trần Vương Thạch sáng tác.
Vở vũ kịch “Còn mãi bản hùng ca” được Cục Nghệ thuật biểu diễn-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư.
"Còn mãi bản hùng ca" khắc họa câu chuyện về gia đình má Bảy cũng như bao gia đình khác ở vùng đất lửa miền Nam trong những năm kháng chiến cứu nước khốc liệt đã kiên cường vượt qua tận cùng mọi nỗi đau, cùng nhân dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.
Cuộc sống, đấu tranh hào hùng của quân và dân, cách mạng miền Nam là bản hùng ca bất tử, rung động trái tim lớp lớp thế hệ người Việt Nam. Bản hùng ca đó vẫn chạm đến ký ức thiêng liêng của mỗi con người, giúp con người mạnh mẽ, thánh thiện và vững tin hơn vào cuộc sống.
Vở kịch múa "Còn mãi bản hùng ca" gồm cảnh mở đầu, bốn cảnh nội dung và cảnh kết thúc, thời lượng khoảng 60 phút. Trong đó, cảnh nội dung đầu tiên mang tên "Ngọn lửa" tái hiện vùng đất, con người miền Nam đấu tranh trong các ấp chiến lược của kẻ thù và tiến hành cuộc Đồng Khởi.
Cảnh 2 mang tên "Hương sen" gồm ba lớp diễn, tái hiện cụ thể các hoạt động đấu tranh cách mạng tài tình của quân và dân miền Nam, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của gia đình má Bảy trước sự bắt bớ, đàn áp của kẻ thù.
Cảnh 3 "Dấu son" gồm ba lớp, trong đó khắc họa những chiến công của chiến dịch Mậu Thân rực lửa năm 1968.
Cảnh thứ 4 có chủ đề "Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử" tái hiện cụ thể, sinh động chiến dịch huyền thoại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối nhưng cũng có không ít hy sinh, mất mát của những người con anh dũng, kiên cường...
Nghệ sỹ nhân dân Vũ Việt Cường và Kim Quy là hai vợ chồng nghệ sỹ có những đóng góp nền móng đầu tiên cho sự phát triển của Đoàn kịch múa, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Hai nghệ sỹ đã giành nhiều giải thưởng cao quý trong ngành múa, họ là những nghệ sỹ lão thành uy tín và có nhiều đóng góp nhiều nhất cho ngành múa Việt Nam.
Hai nhà biên đạo trẻ Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Phúc Hải hiện là một trong những biên đạo tài năng nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm mới của anh em Hùng-Hải đã được đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như khán giả trong những năm gần đây, có thể kể đến tác tác phẩm như “Những mảnh ghép của giấc mơ,” “Chạm tay vào quá khứ,” “Đánh mất và tìm lại,” “Vọng phu Biển”...
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Hội thảo bàn về sự kiện xảy ra vào 130 năm trước: kinh đô Huế thất thủ (1885) và khởi phát phong trào Cần Vương (kéo dài đến năm 1896) vừa được tổ chức tại Huế ngày 21-7.
Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ diễn ra từ ngày 8 - 12/8 tới tại Thủ đô Washington và thành phố New York, Mỹ.
YBĐT - Trong Đề án "Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ" được công bố quyết định phê duyệt tháng 9/2013 với mục tiêu nhằm "Xây dựng thị xã phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch"... thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm chính là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian.
Lần đầu tiên Liên hoan Guitar quốc tế dòng Fingerstyle tại Việt Nam đã diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội.