Nhà thơ Việt Nam đầu tiên nhận giải văn học Cikada Thụy Điển

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/12/2015 | 2:18:01 PM

Lễ trao giải thưởng văn học Thụy Điển Cikada cho nhà thơ Ý Nhi đã chính thức diễn ra tối qua (30/11) tại Hà Nội.

Nhà thơ Ý Nhi chia sẻ cảm xúc trong buổi lễ trao giải.
Nhà thơ Ý Nhi chia sẻ cảm xúc trong buổi lễ trao giải.

Bà Camilla Mellander - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, nhà thơ Ý Nhi là công dân Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng văn học danh giá này của Thụy Điển. “Đây là sự ghi nhận cách mà bà đã bảo vệ cho sự không thể bị xúc phạm của cuộc sống bằng những tập thơ rất hay của mình”, Đại sứ nhấn mạnh.

Năm 2009, thơ của Ý Nhi đã được dịch sang tiếng Thụy Điển cùng với những sáng tác của 11 tác giả văn học Việt Nam khác. Tuyển tập thơ này được phát hành ở Thụy Điển với nhan đề “Till: igar” (Nhà xuất bản Tranan); trong đó, nhà thơ Ý Nhi có tám bài: “Nguyện ước”, “Người đàn bà ngồi đan”, “Thư gửi em”, “Em bé và tiền”, “Trò chuyện”, “Theo dõi một trận đấu cờ vua”, “Biển chiều” và “Người lính”.

“Thông qua các tác phẩm của Ý Nhi, người dân Thụy Điển đã có được những hiểu biết, cái nhìn sâu sắc hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam”, bà Camilla Mellander bày tỏ.

Bên cạnh đó, bà Đại sứ cho rằng, giải thưởng văn học Cikada góp phần quan trọng vào những nỗ lực của Đại sứ quán Thụy Điển để thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt Nam-Thụy Điển.

“Việt Nam-Thụy Điển có mối quan hệ lâu đời và một lịch sử hợp tác bền chặt, tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực. Trong nhiều năm, chương trình hợp tác phát triển của Thụy Điển đã tập trung mạnh mẽ vào các dự án văn hóa ở nhiều lĩnh vực khác nhau (như văn học, âm nhạc…), hỗ trợ các nghệ sỹ. Chính nhờ sự hợp tác này, các tác phẩm của nhiều tác giả Việt Nam đã được dịch sang tiếng Thụy Điển và đã đưa Việt Nam-Thụy Điển xích lại gần nhau hơn”, Đại sứ Camilla Mellander khẳng định.

Tại buổi lễ, nhà thơ Ý Nhi đã được Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và Chủ tịch Giải thưởng Văn học Cikada trao bằng chứng nhận, tiền thưởng 20.000 SEK (đơn vị tiền tệ của Thụy Điển, tương đương khoảng 50 triệu đồng tiền Việt Nam) và một tác phẩm nghệ thuật bằng gốm.

“Tôi hiểu, một giải thưởng không chỉ là sự vinh danh, khích lệ mà còn là một sự nhắc nhở, hơn thế là một sự ràng buộc. Bởi vậy, lúc này, trong lòng tôi không chỉ có niềm vui mà còn có cả nỗi âu lo khi nghĩ đến những gì mình còn cần tiếp tục thực hiện trong tương lai,” nhà thơ Ý Nhi chia sẻ.

Giải thưởng văn học Cikada được sáng lập vào năm 2004 nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ nổi tiếng của Thụy Điển Harry Martinson (1904-1978) với ý nghĩa “ghi nhận những đóng góp thông qua các vần thơ ca ngợi sự thiêng liêng của cuộc sống.” Nhà thơ Harry Martinson là chủ nhân giải Nobel Văn học 1974.

Tên giải thưởng “Cikada” (Con ve) là tựa đề một tập thơ của ông, xuất bản năm 1953. Năm nay, giải thưởng văn học Cikada được trao cho nhà thơ Ý Nhi (Việt Nam) và nhà thơ Bắc Đảo (Trung Quốc).

Nhà thơ Ý Nhi tên đầy đủ là Hoàng Thị Ý Nhi, sinh năm 1944. Bà thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Từ sau năm 1986, bà là một trong những nhà thơ đi tiên phong trong việc cách tân thơ ca Việt Nam về cả nội dung và hình thức.

Một số tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Ý Nhi: “Nỗi nhớ con đường” (1984, in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ), “Người đàn bà ngồi đan” (1985), “Ngày thường” (1987), “Gương mặt” (1991), “Vườn” (1998)...

(Theo HNMO)

Các tin khác
Phạm Hương được đánh giá đứng thứ hai tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015, sau hoa hậu Colombia.

Đại diện Việt Nam được 5/16 phiếu bầu và được cho là sẽ giành thứ hạng cao tại cuộc thi quốc tế năm nay.

Ảnh minh họa.

Chiều 30/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm giao lưu Việt Nam-Hàn Quốc mang tên “Sơn mài - Việt Nam & Ottchil - Hàn Quốc.”

Công đoạn vẽ sáp tạo hoa văn cho sản phẩm thổ cẩm.

YBĐT - Những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách không chỉ bởi vẻ đẹp của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang mà còn bởi văn hóa tộc người rất độc đáo ở nơi này, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh năm 1993.

Tham gia hoạt động trong UNESCO, Việt Nam đã tiếp thu trí tuệ và kinh nghiệm của thế giới để đạt được những tiến bộ và phát triển không ngừng trong các lĩnh vực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục