Giới thiệu với công chúng những linh vật cơ bản của Việt Nam
- Cập nhật: Thứ tư, 23/12/2015 | 8:23:19 AM
Tại tọa đàm “Linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống,” tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa đã giới thiệu đến công chúng những linh vật cơ bản của Việt Nam và đặc điểm nhận dạng linh vật Việt Nam.
Ấn "Quốc mẫu chi bảo" có núm hình rùa thời Nguyễn, thuộc bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.
|
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Lâm Biền khẳng định linh vật là sản phẩm tư duy liên tưởng của con người gắn với thực tế cuộc sống, đặc biệt là lao động sản xuất. Qua linh vật, con người gửi gắm vào đó ước vọng, niềm tin vì linh vật mang trong mình sức mạnh tổng hòa của nhiều con vật hội tụ lại.
Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, linh vật Việt Nam cơ bản nhất phải nhắc đến long, lân, quy, phượng, trong đó, rồng (long) trong dân gian thường hay liên quan đến mây, mưa, sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi; còn với vương triều phong kiến, rồng thường hay gắn với uy quyền của nhà vua.
Phượng và lân là các linh vật thường gắn với tầng trời, là hiện thân của các bậc thánh nhân, người tài trí; sau này phượng còn được gắn với hình ảnh của hoàng hậu trong các triều đình phong kiến.
Con lân trong văn hóa người Việt còn có nhiều tên gọi khác như nghê, sấu, cù... Con rùa là vật dưới đất, thường hay đội hạc nhằm tạo nên thế âm dương đối đãi...
Ngoài 4 linh vật nêu trên, văn hóa Việt Nam còn hay để cập đến một số linh vật khác như hổ, voi, hươu, ngựa, cá chép, khỉ...
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Lâm Biền khẳng định trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử, văn hóa Việt Nam có giao thoa, học tập nhiều nét từ văn hóa nước ngoài song về cơ bản, linh vật của Việt Nam luôn giữ nét hiền hòa, cân bằng tạo cảm giác yên bình chứ không có tính chất áp chế, đe dọa như linh vật nước ngoài.
Linh vật (những con vật linh thiêng) là những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh hóa, được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tôn giáo.
Linh vật thường được mô tả trong thần thoại, truyền thuyết và được biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình. Người xưa tin rằng linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ.
Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại khác nhau, do người Việt Nam sáng tạo nên hoặc giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đang trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam,” giới thiệu đến công chúng hơn 100 hiện vật tiêu biểu về các loại hình linh vật.
Đặc biệt, trưng bày chuyên đề lần này còn thí điểm ứng dụng công nghệ trình chiếu, tương tác 3D (trình chiếu 3D Hologram) một số hiện vật đặc sắc nhưng không có điều kiện giới thiệu trong phòng trưng bày, nhằm giúp khách tham quan có được những trải nghiệm thú vị và cảm nhận sự phong phú, đa dạng của sưu tập linh vật Việt Nam hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Trưng bày này diễn ra đến hết tháng 2/2016 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Những đoạn hư hỏng, bong tróc xuất hiện trên bức tranh ghép gốm dọc theo đê sông Hồng (Hà Nội) đang được đơn vị quản lý khắc phục.
YBĐT - Từ ngày xây Tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, rất nhiều hoạt động văn hóa của tỉnh Nam Định diễn ra ở đây. Không chỉ các ngày lễ trọng đại mà vào các dịp lễ tết, tuần rằm, mồng một và tất cả các đám cưới trong thành phố và vùng lân cận đều đến đây thắp hương.
Festival Huế lần thứ 9 với chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế: Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 29-4 đến 4-5-2016, sẽ có hàng chục đoàn nghệ thuật đến từ 18 quốc gia của 5 châu lục tham dự.
Đã có 12 tác phẩm xuất sắc đạt giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là thông tin được Nhà thơ Đỗ Hàn, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam cho biết.