Bất ngờ từ những lớp di tích văn hóa phong phú tại Hoàng thành
- Cập nhật: Thứ bảy, 16/1/2016 | 8:49:42 AM
Đợt khai quật năm 2015 tại khu vực thành cổ Hà Nội đã phát lộ thêm nhiều kiến trúc liên quan tới điện Kính Thiên, công trình quan trọng nhất của cụm di sản Hoàng thành Thăng Long. Cuộc khai quật này đã đem lại các nhận thức có tính “đột biến” trong việc nghiên cứu các dấu tích của kinh đô Thăng Long.
Từ năm 2011 đến nay, các đợt khai quật tại Hoàng thành Thăng Long vẫn được Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội triển khai đều đặn. Năm 2015, các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật thăm dò khu vực phía bắc di tích Đoan Môn, với tổng diện tích hố khai quật lên tới gần 1.000 m2. Tại các hố khai quật đã xuất lộ dày đặc các tầng văn hóa, các dấu tích kiến trúc đa dạng, phong phú, chồng xếp lên nhau, niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ, chiều sâu địa tầng khai quật có chỗ tới 5 m.
Cuộc khai quật năm 2015 đã làm rõ phần cấu trúc góc tây nam của không gian Chính điện Kính Thiên: Sân Đại triều, tường vây, kiến trúc hành lang thuộc hai giai đoạn Lê sơ và Lê trung hưng (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII).
Trong phức hợp di tích kiến trúc bước đầu có thể nhận ra một phần bố cục quy chỉnh, cân đối của thời Lý. So với kết quả thu được từ hai cuộc khai quật năm 2013 và 2014, đường nước lớn thời Lý có cấu trúc phức tạp hơn. Dấu tích đường nước lớn thời Lý kéo dài về phía ngoài Đoan Môn. Từ đông sang tây, chiều dài của đường nước này được xác định là 83 m, đang chạy về phía đông và có thể tiếp tục kéo dài.
Điều này nằm ngoài những hình dung trước đây của các nhà khảo cổ học cho rằng đường nước này chạy lên phía bắc để bao quanh khu vực điện Kính Thiên. Các nhà khảo cổ cũng đã làm xuất lộ thêm hai móng cột lớn từ thời Lý, cho thấy ngay bên ngoài đường nước lớn đã có các kiến trúc quy mô lớn. Trên lớp văn hóa đời Lý cũng đã phát hiện thêm các kiến trúc thời Trần như tường gạch, dải nền, hoa chanh.
Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIV, nhịp độ sửa chữa và xây dựng thời Trần rất nhiều, do đó diện mạo khu vực điện Kính Thiên thời Trần có nhiều thay đổi và khó nhận dạng. Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS,TS) Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nêu ý kiến: “Dường như trung tâm Càn Nguyên - Thiên An thời Lý vẫn thuộc về khu vực điện Kính Thiên. Các kiến trúc ở khu 18 Hoàng Diệu cũng cho thấy một cụm đăng đối thuộc cụm kiến trúc khu tây của điện Kính Thiên. Và như thế, đối xứng qua khu Kính Thiên, trong thời Lý có thể có một cụm kiến trúc lớn đăng đối ở phía đông. Cả khu đông điện Kính Thiên và khu tây sẽ có hành lang lớn kết nối liền mạch”.
Từ Vườn Hồng, qua 18 Hoàng Diệu đến khu vực điện Kính Thiên, cấu trúc địa tầng và các tầng văn hóa mang tính chất thống nhất cao, với các lớp văn hóa từ thời Đại La qua Đinh Tiền Lê - Lý - Trần - Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng tới thời Nguyễn. Các di tích của mỗi thời kỳ đều dày đặc, đan xen, chồng xếp liên tiếp.
Các bố cục, cấu trúc mặt bằng, các loại vật liệu, kỹ thuật xây dựng có sự đan xen, thay đổi liên tục. Các hiện vật quý từ cuộc khai quật đang được trưng bày tạm thời ở 18 Hoàng Diệu và nhà N26, góp phần giới thiệu kịp thời giá trị của di sản với công chúng.
Cũng theo PGS, TS Tống Trung Tín, “cuộc khai quật năm 2015 nối tiếp các cuộc khai quật từ trước đã đem lại các nhận thức có tính “đột biến” đối với việc nghiên cứu các dấu tích của kinh đô Thăng Long”.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Kết quả khảo cổ học ngày hôm nay cho chúng ta thêm khẳng định toàn bộ khu di tích có bề dày lịch sử văn hóa, phức hợp các tầng lớp kiến trúc chồng lấp lên nhau. Một lần nữa, đợt khai quật này lại khiến giới nghiên cứu bất ngờ về những lớp văn hóa phong phú tại Hoàng thành”.
GS Phan Huy Lê cũng đề xuất việc cần phải tổ chức tổng kết công tác nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Vườn Hồng, Kính Thiên – Đoan Môn) trong năm năm qua để tổng hợp, xâu chuỗi lại kết quả khai quật và định hướng nghiên cứu tiếp theo. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch khảo cổ học tổng thể, lâu dài với những mục tiêu cụ thể, đặc biệt ưu tiên nghiên cứu khai quật khảo cổ học phục vụ đề án nghiên cứu khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên. Những kết quả khai quật và nghiên cứu phải được bảo tồn và phát huy giá trị để phục vụ cộng đồng và khách du lịch.
Nhiều nhà khảo cổ học đề xuất mở rộng diện tích khai quật tại Hoàng thành Thăng Long nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phục dựng điện Kính Thiên. Tuy nhiên, công tác khảo cổ và phục dựng không thể nóng vội. Cố đô Nara (Nhật Bản) đã trải qua gần 50 năm khảo sát, khai quật và nghiên cứu trước khi bắt đầu phục dựng. Nếu được triển khai, các nhà khoa học Việt Nam cần coi trọng việc hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế và có thể phối hợp cùng tham gia nghiên cứu để công việc đạt hiệu quả cao nhất.
Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang nghiên cứu, xem xét phê duyệt phương án Phục dựng không gian điện Kính Thiên. Thành phố đã giao cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng kế hoạch, đề án khảo cổ trong từng giai đoạn dài. Kết quả thăm dò khu vực chính điện trong năm 2015 có ý nghĩa bổ trợ, tạo cơ sở khoa học cho việc xem xét, quyết định phương án phục dựng điện Kính Thiên chân xác và thuyết phục.
(Theo Nhân dân điện tử)
Các tin khác
YBĐT - Nói đến văn nghệ dân gian Tày, nhiều người thường nhớ tới những làn điệu hát then, những câu khắp, coọi và các vũ điệu truyền thống như: múa quạt, dậm thuông, dậm hoa, dậm khăn, lăn tính cùng những câu chuyện cổ thân thuộc: Ý ưởi ý noọng, Hai anh em, Cây gậy thần, Chiếc thoi vàng… thể hiện đời sống tinh thần phong phú, phản ánh ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, no đủ và đề cao giá trị chân - thiện - mỹ.
Tối 14/1, tại Rạp xiếc Trung ương (Hà Nội), Gala xiếc quốc tế 2016 kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chính thức khai mạc với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên Liên đoàn xiếc Việt Nam và các đoàn xiếc bạn bè quốc tế.
Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động đón Tết Bính Thân 2016 và Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với chủ đề “Xuân xum họp - Tết sẻ chia”.
Chỉ còn vài giờ đồng giờ nữa, tượng vàng Oscar 2016 sẽ lộ diện. Trang Variety dự đoán những đề cử của giải thưởng điện ảnh danh giá này.