Tháng Tư nhớ vị bầu non
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/4/2016 | 3:34:24 PM
YBĐT - Cứ mỗi độ mùa bầu ra quả là trong tôi lại nôn nao nhớ về quê nhà, nơi con ngõ nhỏ dài hun hút, nơi khoảng sân rộng với lúc lỉu những quả bầu dài. Ở nơi ấy, cả tuổi thơ tôi là những tháng ngày êm đềm và trong trẻo.
Ảnh minh họa.
|
Tháng 4, nắng hanh vàng bắt đầu “rải mật” trên khắp các tuyến đường ngõ phố, khắp các cánh đồng tươi xanh, các vạt rừng đong đưa cùng gió mới. Tiết trời trở nên ấm áp, những tia nắng như thúc giục hè sang ấy cũng là khi mùa bầu xanh tốt trong những khu vườn mát rượi bắt đầu trổ bông sai trái.
Cứ mỗi độ mùa bầu ra quả là trong tôi lại nôn nao nhớ về quê nhà, nơi con ngõ nhỏ dài hun hút, nơi khoảng sân rộng với lúc lỉu những quả bầu dài. Ở nơi ấy, cả tuổi thơ tôi là những tháng ngày êm đềm và trong trẻo.
Còn nhớ, ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi ở quê nằm tận cuối con đường làng ngoằn nghèo ngõ hẹp. Khoảng đất nhà tôi là rộng nhất làng, nhà lại đông con thế nên bố tôi dành một khoảng đất rộng trước nhà làm sân.
Khoảng sân đầy nắng đã ghi dấu trong tâm hồn tuổi thơ năm anh em tôi biết bao nhiêu kỉ niệm, là sân chơi, là khu vườn thần tiên ngập tràn thế giới của trẻ thơ vùng núi. Bố dành hai phần sân, dựng giàn cao, mùa nào thức nấy trồng một loại dây leo như mướp, bầu, su su, gấc hay thiên lý. Vừa mang lại bóng râm vừa cải thiện bữa ăn hằng ngày. Chúng tôi cứ tíu tít và háo hức mong chờ.
Từ ngày bố gieo hạt rồi mầm cây từng ngày lớn dậy, bắt giàn, nở hoa rồi ra quả. Nhưng có lẽ thích nhất phải kể đến mùa bầu. Dưới giàn cây xanh mướt, từng quả dài buông xuống giàn đung đưa trông đến là đẹp mắt.
Thường thì bố tôi phải gieo hạt từ những ngày đầu tháng Giêng, nghĩa là chỉ sau tết Nguyên đán mấy ngày đã phải mang hạt giống ra ươm. Những quả bầu gốc to, già, chắc hạt được bố tôi chọn lọc kĩ từ mùa quả trước, sau khi phơi khô thì mang cả quả treo trên gác bếp. Đến mùa sau lại cẩn thận mang ra, bóc vỏ rồi ngâm hạt vào nước ước chừng vài tiếng cho hạt ngấm. Sau đó bọc hạt vào tấm vải mềm ẩm để hạt nhú mầm.
Sau vài ngày, những chồi lộc nhú ra khỏi lớp vỏ hạt, bố tôi mang chúng gieo xuống hố đã được chuẩn bị sẵn. Còn nhớ vào những ngày ấy, 5 anh em tôi lại cứ bám lấy bố, đòi xem hạt nảy mầm rồi còn xung phong đi kiếm cành tre già để làm hàng rào bảo vệ. Bố tôi nói hạt mới được gieo còn yếu, phải làm rào xung quanh để tránh chuột bọ.
Vì khoảng sân nhà tôi rộng, nhà lại có 5 đứa con nên bố tôi trồng 5 khóm bầu. Bố đùa rằng giao nhiệm vụ cho mỗi anh em tôi chăm sóc một khóm, ai chăm tốt hơn thì sẽ có thưởng. Thế là chúng tôi nhao lên, cuống quýt đi chọn khóm cho mình. Rồi thời tiết thuận lợi, những hạt cây con tý ấy cứ lớn dần. Khi cây đã cứng cáp cũng là lúc cần làm giàn. Lúc ấy chúng tôi lại theo bố lên rừng tìm nứa, tìm tre để bắc giàn. Vốn xuất thân từ nghề thợ mộc nên bố tôi khéo tay lắm.
Chỉ từ những vật liệu thô sơ mà bố dựng lên giàn bầu chắc chắn, từng nan vuông đổ bóng xuống nền sân trông như những ô bàn cờ nhìn đến là thích mắt. Cứ chiều tối mỗi ngày, dù bận gì thì bận nhưng năm anh em tôi không bao giờ quên nhiệm vụ mang chiếc thùng nhỏ ra sân giếng múc nước tưới bầu.
Khoảng thời gian bầu leo giàn cho tới lúc ra hoa, kết quả khoảng độ vài tháng. Nhìn những ngọn bầu béo mập đang đua nhau leo giàn chúng tôi đứa nào cũng cười tít mắt. Chẳng biết vì là con út được nhường nhịn hay khóm bầu của tôi tốt hơn các anh chị mà bố quyết định trao phần thưởng như đã hứa cho tôi. Dù chỉ là vài cái bánh rán bọc đường mẹ mua ngoài chợ huyện nhưng với một đứa trẻ như tôi ngày ấy thế đã là tự hào, là niềm vui bất tận.
Khi những dây bầu bò gần kín giàn cũng là lúc chúng bắt đầu đơm hoa, kết trái. Từ những quả non bé xíu, những quả bầu xanh mướt cứ thế dài ra lúc lỉu buông đầy sân nhà tôi. Có lúc bầu ra rộ, anh em tôi đếm được trên dưới trăm quả. Có khi ăn chẳng hết bố tôi lại mang phân phát khắp làng.
Mùa bầu hầu như ngày nào trong mâm cơm nhà tôi cũng có món bầu. Khi thì bầu luộc, lúc lại xào tỏi rồi nấu canh…
Nhưng ngon nhất phải kể tới món bầu nấu với tôm, cua, trai, hến. Kể cũng lạ, có mỗi một món bầu ngày nào cũng ăn mà dường như chúng tôi không hề biết chán. Phải chăng ngày ấy còn nghèo khổ, có cái ăn đã là tốt rồi hay bởi tại niềm vui được xum vầy, được trải nghiệm cảm giác ấm áp, hạnh phúc cùng gia đình, mà có khi đó là niềm vui được hưởng phần thành quả lao động nhỏ bé của anh em tôi…
Có muôn vàn lí do để giải thích nhưng tôi chỉ biết rằng những bát canh thơm, ngọt ấy đã nuôi dưỡng anh em tôi khôn lớn, trưởng thành. Rồi gia đình khấm khá hơn, bố tôi bán nhà ra huyện làm ăn. Dù chẳng còn sân vườn rộng nhưng cứ đến mùa bầu, bố lại trồng một khóm sau nhà. Không còn giàn bầu rợp bóng mát, không còn những buổi chiều ngắm nhìn giàn quả sai lúc lỉu, nhưng chúng tôi vẫn được thưởng thức những bát canh bầu mát lành, bổ dưỡng.
Nắng tháng 4 như xé tan bức màn âm u ảm đạm, thổi hồn để cỏ cây xanh mướt đơm bông. Lại một mùa bầu ra quả, lòng tôi lại nôn nao nhớ đến quê nhà, nơi phố núi im lìm cùng giàn bầu sai trĩu quả. Ở nơi ấy, tuổi thơ tôi đong đầy kỉ niệm bên gia đình cùng những bát canh bầu thanh mát, ngọt ngào. Chẳng biết bố tôi còn trồng được bao mùa bầu nữa chỉ biết rằng mùa này, sau hiên nhà những trái bầu xanh mát vẫn hiện hữu khẽ đung đưa trong gió.
Khánh Dung (Phòng Văn nghệ, Đài PT-TH tỉnh)
Các tin khác
Tượng đài được đúc bằng đồng, dự kiến cao 5 mét, đặt trên bệ cao 3 mét tại điểm giao cắt giữa phố Kamusinskaya và phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
YBĐT - Lễ tiệc thánh sư (tiệc tổ sư của nghề mo) là nghi lễ được tổ chức trong các gia đình làm nghề thầy mo của đồng bào Mường. Theo truyền thống từ xa xưa, gia đình nào làm nghề mo thì phải truyền nghề từ đời này qua đời khác, cho dù người kế thừa không hành nghề mo nhưng vẫn phải thờ tổ mo.
YBĐT - Ba năm không về quê, Thanh minh năm nay, tôi thay mặt gia đình về thăm viếng, sang sửa mồ mả và nghỉ ngơi ít ngày thăm hỏi họ hàng. Cảnh quê đã thực sự thay đổi.
Đại diện mỗi quốc gia sẽ mang đến một khinh khí cầu có kích thước cao 25 m, rộng 18 m, trọng lượng tối đa 300 kg để bay trình diễn phục vụ du khách.