Chơi hoa ngày xuân
- Cập nhật: Thứ ba, 24/1/2017 | 9:22:04 AM
YBĐT - Từ ngày 25, ra đường là đã thấy các cửa hàng bán hoa, người người đến xem đông như trảy hội, nào hồng, cúc, mai, đào, ly, nào cẩm chướng, lay ơn, thược dược...
Người dân chọn những cây quất ưng ý nhất để chơi tết.
(Ảnh: Hồng Duyên)
|
Hòa cùng với niềm giao hoan của đất trời và lòng người mỗi dịp tết đến xuân về, không thể không kể đến sắc thắm bung tỏa ngợp khắp không gian của trăm hoa đua nở.
Nhắc đến mùa xuân, nhắc đến lễ tết, mỗi một gia đình sẽ lại sắm sanh thêm cho ngôi nhà của họ một vài loài hoa, loài cây yêu thích. Từ ngày 25 tế, ra đường là đã thấy các cửa hàng bán hoa, người người đến xem đông như trảy hội, nào hồng, cúc, mai, đào, ly, nào cẩm chướng, lay ơn, thược dược...
Tết đến nhà nào mà thiếu nhành đào, nhánh mai, chậu quất, ấy là tết vẫn chưa thật sự tròn vẹn, đủ đầy. Những ngày giáp tết, trên mỗi cành đào, bung nở những bông hoa thắm hồng, mỏng manh mà đầy kiêu hãnh. Cánh đào mỏng mềm và mịn như nhung, những bông hoa mọc riêng lẻ chứ không mọc thành chùm, thường khoe sắc nở rộ độ 4 - 5 ngày thì tàn rụng. Nhưng có được cành đào đẹp để trưng trong ngày tết thì phải bỏ công chăm bón rất công phu và tỷ mẩn.
Từ việc đốn cành, tỉa lá, uốn cây theo các thế khác nhau đều phải rất khéo léo và chuẩn xác. Ở miền núi phía Bắc, có một loại đào đặc trưng là đào rừng. Có những cây tuổi đời đã lên tới hàng chục năm, gốc to, mốc xù, tầm gửi quấn quanh thân. Những cành đào rừng ấy được trồng trên vùng cao, lẫn hơi sương của núi rừng. Bởi vậy, nên cành đào cũng mang nét rắn rỏi và đậm hơi thở của núi rừng Tây Bắc.
Ngoài Bắc mùa xuân có hoa đào, còn trong Nam là những nhành mai vàng rực nắng. Mai tượng trưng cho sự cát tường, an lành và bình an. Hoa mai có đài xanh đậm, năm cánh vàng óng như tơ tỏa ngát hương. Sắc hồng hòa cùng sắc vàng khắp dải đất hình chữ S, báo hiệu một mùa xuân đang đến rất gần. Mỗi một lứa tuổi, mỗi một cá nhân lại có những sở thích và lựa chọn những loại hoa khác nhau. Nhưng dù chọn lựa thế nào thì mai, đào vẫn là hai loài hoa truyền thống, là biểu tượng của tết đến xuân về. Có những nhà, ngoài mai, đào, họ sẽ sắm thêm chậu hoa hồng, thược dược, thủy tiên… Đây đều là những loại hoa có màu sắc rực rỡ, thể hiện sự tươi trẻ và tràn đầy nhiệt huyết.
Là một người rất yêu hoa, chị Nguyễn Thanh Hải ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Ngày tết, tôi rất thích có chậu địa lan đặt trong nhà. Đây là loài hoa quý, màu sắc rực rỡ, hương thơm thanh khiết, dịu dàng mà lại lâu tàn”.
Bên cạnh thú chơi hoa thật thì nhiều người lại lựa chọn cho tổ ấm của mình những bình hoa giả. Thế giới của các loại hoa giả gồm có: hoa nhựa, hoa giấy, hoa lụa… Những cành tầm xuân được làm bằng lụa, những bát hoa nhựa để trưng trong tủ kính, cả những bình hoa bằng giấy lụa sặc sỡ đầy màu sắc được làm từ những người thợ khéo tay...
“Tôi thấy ngoài thị trường bán rất nhiều kiểu hoa giả đẹp, mua loại hoa này về tôi có thể bày được quanh năm mà không bao giờ lo héo tàn. Hơn nữa, mua hoa giả cũng là lựa chọn kinh tế hơn trong thời bão giá này” - chị Hoàng Hải Yến ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái vui vẻ tâm sự.
Mùa xuân khởi đầu của một năm mới với những điều tốt đẹp, an lành. Mùa xuân còn là dịp để những con người xa xứ tìm về cội nguồn. Thú chơi hoa ngày tết vừa thể hiện được sự tinh tế của người Việt vừa như một lời nhắn gửi, ước mong xuân đến sẽ mang tài lộc, bình an đến cho mọi người.
Hải Hà
Các tin khác
YBĐT - Với quan niệm "trần sao, âm vậy", nhiều người dân mua sắm đồ vàng mã để cúng lễ vào các ngày tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Vẫn biết, tục đốt vàng mã đã có từ lâu và trở thành tín ngưỡng của người Việt. Nhưng, hiện nay, nhiều người hiểu chưa thấu đáo về việc đốt vàng mã khiến việc làm này không chỉ tốn kém mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường.
YBĐT - Xuất phát từ thực tế đời sống, người Dao đã sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ độc đáo phục vụ cho sinh hoạt văn hóa tinh thần của mình và kèn nứa (tù và nứa) là một trong những loại nhạc cụ ấy.
Ngày 20/1, Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) ra tuyên bố khẳng định việc phiến quân tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng phá hủy 2 công trình văn hóa lớn là Nhà hát La Mã cổ đại và công trình kiến trúc Tetrapylon nổi tiếng nhất ở thành phố cổ Palmyra, miền Trung Syria, là "tội ác chiến tranh."