Thắm sắc đào xuân
- Cập nhật: Thứ tư, 25/1/2017 | 9:51:09 AM
YBĐT - Những ngày giáp tết, dù ngược xuôi bộn bề công việc đến đâu, dù tất bật mua sắm thế nào thì việc tìm một cành đào ưng ý để trưng trong nhà là điều ai ai cũng nghĩ đến. Cây đào trong phong thủy được xem là tinh hoa của Ngũ hành.
|
Mùa xuân - mùa của những tia nắng ấm áp, mùa cỏ cây thay màu áo mới và muôn hoa khoe sắc. Nếu như cây quất thể hiện cho sự trù phú, tài lộc thì cành đào thắm lại thể hiện cho sự tươi vui, rực rỡ của mùa xuân. Hoa đào cũng vì thế mà trở thành một nét đẹp truyền thống không thể thiếu để lưu giữ hương vị ngày tết.
Những ngày giáp tết, dù ngược xuôi bộn bề công việc đến đâu, dù tất bật mua sắm thế nào thì việc tìm một cành đào ưng ý để trưng trong nhà là điều ai ai cũng nghĩ đến. Cây đào trong phong thủy được xem là tinh hoa của Ngũ hành. Hoa đào không những có thể trị bách quỷ, xua đuổi tà ma mà còn là thể hiện sức phát triển mạnh mẽ.
Nói về tục lệ trưng hoa đào ngày tết, phải nhắc đến sự tích hoa đào. Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê khác thường, trên cây hoa đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh.
Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai vị thần phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày tết, khi hai thần vắng mặt ở trần gian, để tránh ma quỷ, dân chúng đã đi hái những cành hoa đào về cắm trong lọ. Việc làm này, từ đó trở thành thông lệ, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, mọi người đều cố gắng cắm một cành hoa đào trong nhà mình cầu mong khởi đầu năm mới bình an, vui vẻ, thịnh vượng.
Chị Hoàng Thị Thu Hường ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Ngày tết, gia đình tôi không thể thiếu cành đào. Cùng nhau ra chợ ngắm đào cũng đủ để cảm nhận không khí tết đang ngập tràn khắp phố phường. Đến khi mua đào về, cả nhà cùng nhau trang trí, ngắm cành đào khoe sắc sum vầy bên mâm cơm - đó chính là hạnh phúc”.
Cũng chính nhờ nét đẹp đó mà dưới bàn tay chăm sóc khéo léo của người dân xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) hôm nay, trồng đào đã trở thành một nghề. Ông Nguyễn Đức Huệ ở thôn 1, xã Giới Phiên - người đầu tiên trong thôn đến với cái duyên của nghề trồng đào chia sẻ: “Nhận thấy trồng lúa và rau màu không mang lại hiệu quả kinh tế tại địa phương, tôi xuống Hà Nội, tìm đến làng đào Nhật Tân để học hỏi, lấy giống về cấy ghép, trồng thử. Kinh nghiệm chưa có, vốn đầu tư hạn chế, không ít lần thất bại, gốc đào chết phải bỏ đi. Nhưng không vì thế mà nản lòng, bỏ cuộc và tôi đã cố gắng “sống” tình yêu với đào cho đến tận bây giờ”.
Đến nay, với kinh nghiệm gần 20 năm trồng đào cùng đức tính cần cù, khu vườn rộng gần 7.000 m2 với trên 400 gốc đào đã không phụ công chăm sóc của ông, luôn cho nở hoa đúng dịp tết, mỗi năm ông thu lãi gần 200 triệu đồng. Thấy ông Huệ trồng đào mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người trong thôn đã đến học hỏi.
Ông Huệ luôn nhiệt tình giúp đỡ bà con lấy giống về trồng. Không dừng lại ở giống đào Nhật Tân, mấy năm gần đây, thấy giống đào cổ được khá nhiều người ưa chuộng bởi thế đào đẹp, hoa nở rộ, ông Huệ lại tìm đến những vùng núi tìm giống đào cổ về trồng. Năm nay, ông có trên 30 gốc đào cổ, gốc nhiều tuổi nhất cũng hơn 20 năm. Bên cạnh đó, ông còn đưa nhiều giống hoa quý khác về trồng như: hoa hồng quế, hồng Vân Khôi, hồng cổ Sa Pa, hoa Ngọc Bút Bảo Tháp, hoa ngũ sắc, hoa mẫu đơn... Với những nỗ lực ấy, ông Nguyễn Đức Huệ vinh dự được nhận nhiều bằng khen của các cấp, các ngành.
Cuộc sống ngày càng hiện đại khiến nhiều điều đổi thay nhưng chắc chắn rằng, dù tết xưa hay tết nay thì hoa đào - nét đẹp truyền thống sẽ luôn là niềm tự hào dân tộc, mãi mãi được thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ.
Mai Linh
Các tin khác
Ngày 24/1, thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam cho biết Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 năm 2017 diễn ra đúng rằm tháng Giêng năm Đinh Đậu (ngày 11/2) sẽ có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức.
YBĐT - Suốt 15 năm nay, ngôi nhà của ông Trương Như Cương - hội viên Câu lạc bộ Văn nghệ Hội Người cao tuổi phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) trở thành địa điểm tập luyện quen thuộc của các hội viên trong Câu lạc bộ. Đều đặn mỗi tháng, các thành viên tham gia luyện tập 2, 3 lần với nhiều tiết mục hát chèo, hát quan họ đặc sắc.
YBĐT - Từ ngày 25, ra đường là đã thấy các cửa hàng bán hoa, người người đến xem đông như trảy hội, nào hồng, cúc, mai, đào, ly, nào cẩm chướng, lay ơn, thược dược...
YBĐT - Với quan niệm "trần sao, âm vậy", nhiều người dân mua sắm đồ vàng mã để cúng lễ vào các ngày tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Vẫn biết, tục đốt vàng mã đã có từ lâu và trở thành tín ngưỡng của người Việt. Nhưng, hiện nay, nhiều người hiểu chưa thấu đáo về việc đốt vàng mã khiến việc làm này không chỉ tốn kém mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường.