Khai mạc triển lãm Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản tư liệu thế giới
- Cập nhật: Thứ ba, 6/3/2018 | 9:03:06 AM
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 50 tài liệu phản ánh về nền khoa cử của Việt Nam xưa với 7 phiên bản Mộc bản triều Nguyễn được trưng bày.
Hình ảnh được trưng bày tại triển lãm.
|
Chiều 5/3, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm tài liệu lưu trữ "Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới”.
Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm phát huy giá trị các Di sản tư liệu đã được thế giới công nhận như: Mộc bản, Châu bản và Bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc do Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp tổ chức.
Triển lãm được trưng bày theo 3 nội dung: Lịch sử giáo dục và khoa cử Việt Nam qua các triều đại; Quốc Tử Giám – Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam; Bia đề danh Tiến sĩ và các Trạng nguyên tiêu biểu.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 50 tài liệu phản ánh về nền khoa cử của Việt Nam xưa. Đặc biệt trong đó có cả 7 phiên bản Mộc bản triều Nguyễn được trưng bày. Các hình ảnh, tư liệu được lựa chọn từ 3 di sản thế giới của Việt Nam là Mộc bản Triều Nguyễn; Châu bản Triều Nguyễn và Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thông qua triển lãm nhằm tái hiện lại bức tranh của nền giáo dục và khoa cử Việt Nam xưa. Bên cạnh đó là những quan điểm của nhà nước về giáo dục, khoa cử trong lịch sử; giới thiệu đến cộng đồng những danh nhân khoa bảng của quốc gia được lưu giữ trong các Di sản tư liệu thế giới... Từ triển lãm nhằm quảng bá, tôn vinh các di sản tư liệu của Việt Nam...
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước khẳng định, đây là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, công chúng trong và ngoài nước yêu thích văn hoá lịch sử tìm hiểu sâu hơn về nền giáo dục, nền văn hoá Việt Nam.
Đây cũng là nguồn tư liệu quý cho các nhà quản lý trong việc hoạch định các chính sách để xây dựng một xã hội học tập - đòi hỏi tất yếu của cách mạng công nghiệp và sự phát triển bền vững trong thế kỷ XXI.
Đồng thời, đây cũng là nguồn tư liệu đầy sinh động cho các thế hệ học trò, được biết đến tấm gương hiếu học của các bậc hiền tài, đức cao đạo trọng, từ đó hun đúc truyền thống hiếu học của Việt Nam.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Các tư liệu, hình ảnh tại đây là những bằng chứng đã được gìn giữ, bảo tồn và ngày càng có tính chất khoa học. Việc quảng bá, giới thiệu đến công chúng là việc làm hết sức có ý nghĩa, không những của ngành lưu trữ mà còn đối với ngành văn hoá nói chung".
Bạn Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên năm 2 Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: "Triển lãm tài liệu lưu trữ "Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới” giúp tôi hiểu hơn chế độ thi cử của nước ta thời xưa đồng thời cũng như về nội dung của các văn bia Tiến sĩ. Triển lãm này rất có ích, đặc biệt đối với các bạn học sinh, sinh viên. Đến với triển lãm, các bạn trẻ sẽ có thêm tinh thần hiếu học và hiểu rõ hơn về lịch sử nước nhà".
Các tin khác
Theo thông tin từ Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Ủy ban giải thưởng Hans Christian Andersen đã chính thức công bố danh sách ba tác giả được vinh danh năm 2018; trong đó, có dịch giả Trần Thị Minh Tâm đến từ Việt Nam.
The Shape of Water đã có chiến thắng lớn khi giành giải cho Phim xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc của Oscar 2018.
Ban Tổ chức đã trao các giải thưởng với tổng giá trị lên tới 138 triệu đồng cho 16 tác phẩm xuất sắc của Cuộc thi "Sản xuất phim ngắn về an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố”.
YBĐT - Ngày 2/3 (tức ngày Rằm tháng Giêng, năm Mậu Tuất), phường Nam Cường, thành phố Yên Bái đã khai hội đền Mẫu Nam Cường.