Theo đánh giá của tờ tin tức The Guardian (Anh), giải Nobel Văn học năm nay sẽ đề cao yếu tố đa dạng sau một năm giải thưởng này phải đối diện với những lùm xùm bê bối.
Hiện tại, nữ nhà văn người Pháp Maryse Condé (82 tuổi), nữ nhà thơ - nhà văn người Canada - Margaret Atwood (79 tuổi), nữ nhà văn người Nga Lyudmila Ulitskaya (76 tuổi)… đang là những nhân vật được đề cập tới khá nhiều trước khi chủ nhân chính thức của giải thưởng được Viện hàn lâm Thụy Điển xướng tên.
Nhìn lại năm 2018 với những lùm xùm bê bối chưa từng thấy tại giải
Năm 2018 đã chứng kiến ủy ban trao giải Nobel Văn học gặp phải một bê bối chưa từng thấy, khi ông Jean-Claude Arnault (71 tuổi), một nhiếp ảnh gia người Pháp, một nhân vật tiếng tăm trong giới nghệ thuật Thụy Điển, bị cáo buộc quấy rối tình dục đối với 18 phụ nữ ở những mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Ông Arnault là chồng của một nữ nhà thơ vốn là thành viên trong Viện hàn lâm Thụy Điển - bà Katarina Frostenson (65 tuổi). Điều đáng nói là ông Arnault và vợ có sự hợp tác với Viện hàn lâm Thụy Điển trong một số dự án văn hóa - nghệ thuật, với nguồn kinh phí được cung cấp từ phía Viện.
Một số vụ quấy rối, theo thông tin từ phía nguyên cáo, đã xảy ra tại những không gian thuộc sở hữu của Viện hàn lâm. Bên cạnh đó, cũng có những phát giác xoay quanh tính bảo mật của quy trình xét giải Nobel Văn học, theo đó, ông Arnault bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật. Hồi tháng 10/2018, ông Jean-Claude Arnault đã bị kết án vì hành vi tấn công tình dục và phải lĩnh án hai năm tù giam.
Sau khi vụ việc tai tiếng xảy ra, vợ ông Arnault - bà Frostenson và 5 thành viên khác trong Viện hàn lâm Thụy Điển đã từ nhiệm, xin rút lui khỏi các công việc và vị trí trong Viện hàn lâm Thụy Điển - tổ chức làm nhiệm vụ trao giải Nobel Văn học hàng năm.
Sau loạt từ nhiệm này, Viện hàn lâm Thụy Điển bị thiếu số lượng đại biểu quy định để biểu quyết bất cứ vấn đề nào mà Viện đặt ra. Vụ tai tiếng khi ấy bị xem là vụ lùm xùm lớn nhất từng bủa vây giải Nobel Văn học kể từ khi giải bắt đầu được trao hồi năm 1901.
Ngoại trừ 6 năm không trao giải do hoàn cảnh bắt buộc (hai cuộc Thế chiến), thì chỉ có một năm giải Nobel Văn học không trao, đó là vào năm 1935 khi người ta không thể tìm được tác giả "xứng đáng”. 2018 cũng là năm đầu tiên kể từ năm 1949, giải thưởng văn học danh giá nhất hành tinh không được trao ngay trong năm.
Thực tế, giải Nobel Văn học cũng đã có những lần được trao "đúp”, đó là vào các năm 1915, 1919, 1925, 1926, 1927, 1936 và 1949.
Trong thông báo chính thức đưa ra hồi năm 2018, Viện hàn lâm Thụy Điển cho biết: "Quyết định này được đưa ra vì những biến động hiện đang xảy ra bên trong Viện, cũng như sự sụt giảm uy tín của Viện trước công chúng”.
Ông Carl-Henrik Heldin, chủ tịch ủy ban Quỹ Nobel phát biểu: "Khủng hoảng trong Viện hàn lâm Thụy Điển đã ảnh hưởng bất lợi tới giải Nobel Văn học. Quyết định vừa được đưa ra cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề nhưng cũng sẽ giúp bảo đảm danh tiếng về lâu dài cho giải. Chuyện này sẽ không gây ảnh hưởng tới việc trao giải Nobel 2018 ở các hạng mục khác”.
Năm 2019 sẽ có hai cái tên trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn học
Với hai cái tên sẽ được xướng lên trong tuần này, Viện hàn lâm Thụy Điển hy vọng rằng sự trở lại của giải Nobel Văn học sẽ được đón nhận tích cực bởi cộng đồng văn chương trên toàn thế giới. Giải thưởng trị giá 9 triệu krona Thụy Điển (tương đương hơn 21 tỷ đồng) đã luôn là giải thưởng cao quý và giá trị nhất trong lĩnh vực văn chương.
Giải thưởng này được trao cho nhà văn, nhà thơ mà theo những gì được viết trong di chúc của nhà khoa học Alfred Nobel - cần phải sáng tạo ra "tác phẩm xuất sắc nhất theo hướng lý tưởng”.
Nobel Văn học trao giải "kép” với giá trị lên tới 42 tỷ đồng - 4Nhấn để phóng to ảnh
Ông Ander Olsson, chủ tịch ủy ban trao giải Nobel Văn học đã chia sẻ với truyền thông rằng tiêu chí xét giải hiện đang được thay đổi để các nhà văn - nhà thơ nhận giải không còn tập trung chủ yếu trong cộng đồng văn chương Châu Âu nữa.
Ngoài ra, xét tới việc chỉ có 14/114 người từng thắng giải Nobel Văn học là nữ giới, ủy ban khẳng định rằng tiêu chí xét giải cần phải được mở rộng hơn nữa để tạo nên sự đa dạng trong các nhân vật được nhận giải.
"Chúng ta đã từng tập trung quá nhiều vào giới văn chương Châu Âu và giờ đây cần phải nhìn rộng ra toàn thế giới. Trước đây, văn đàn cũng thường chứng kiến sự thắng thế của nam giới, nhưng giờ đây đã xuất hiện rất nhiều nữ nhà văn, nhà thơ xuất chúng, vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng giải thưởng và quá trình xét giải sau khi được củng cố sẽ bắt đầu mở rộng về lăng kính”.
Những cái tên khác hiện cũng đang được giới văn chương quốc tế nhắc tới như những ứng viên nặng ký tại giải năm nay còn có nhà văn người Hungary - László Krasznahorkai (65 tuổi), nữ nhà văn người Ba Lan Olga Tokarczuk (57 tuổi), nhà văn người Nhật Haruki Murakami (70 tuổi), hay nhà văn người Kenya - Ngugi wa Thiong’o (81 tuổi).
"Khi có hai người thắng giải được xướng lên cùng một lúc, một người sẽ là phụ nữ, và hai người nhiều khả năng sẽ tới từ hai châu lục khác nhau”, nhà báo chuyên về mảng văn hóa - Fiammetta Rocco của tờ tin tức The Economist dự báo.
Cách Viện hàn lâm Thụy Điển lựa chọn ra người thắng giải Nobel Văn học cho tới nay vẫn là một bí mật được giữ kín. Chỉ biết rằng định kỳ mỗi tháng 2 hàng năm, các thành viên của Viện sẽ xem xét khoảng 200 ứng viên sáng giá, họ sẽ cùng nhau tạo nên một danh sách rút gọn vào tháng 5, và rồi lựa chọn ra 5 tác giả "tinh tuyển” để bầu chọn là chủ nhân giải thưởng.
Người giành giải sau cùng là tác giả tiệm cận gần nhất với tiêu chí của nhà khoa học Alfred Nobel dành cho giải Nobel Văn học, đó là "tác phẩm xuất sắc nhất theo hướng lý tưởng”.
Uy tín của giải Nobel Văn học đã từng trở thành đề tài tranh luận hồi năm 2016 khi Viện hàn lâm Thụy Điển lựa chọn nhạc sĩ - ca sĩ người Mỹ Bob Dylan là chủ nhân của giải thưởng văn chương.
(Theo Dân Trí)