Chương trình đã có những tác phẩm, trích đoạn của các nhà soạn nhạc Việt Nam và quốc tế thể hiện tinh thần đoàn kết, sự lạc quan, niềm tin và hy vọng vượt qua thách thức của dịch COVID-19, ổn định đời sống và phát triển.
Đó là bản giao hưởng "Hy vọng” (Đỗ Hồng Quân), "Song my mother taught me” (Dvorak), "Intermezzo” trong vở opera "Cavalleria Rusticana” (Mascagni), "Parigi o cara” trong vở opera "La Traviata” (Verdi), "Nessun Dorma” trong vở opera "Turandot” (Puccini), "Enigma Variations” (Elgar). Chương trình do nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy, với sự tham gia của các nghệ sĩ Bùi Thị Trang (soprano), Thế Tùng Lâm (tenor) và các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
"Hy vọng" cũng chính là tên tác phẩm mở đầu đêm diễn, với phần lời nguyên là bài thơ "Gửi lời yêu thương”, được chắp bút bởi nhà thơ - nhạc sỹ Vũ Mão (1939-2020), và được phổ nhạc bởi nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân. Đây là ca khúc được viết trong những tháng ngày cả thế giới hướng về Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, trong đó chứa đựng những tình cảm chân thành, để xoa dịu đau thương và gửi gắm niềm tin vào một tương lai ấm áp.
"Hy vọng" còn là sức mạnh cho tình yêu đôi lứa, nhờ có hy vọng, tình yêu, con người mới được vực dậy tinh thần. Chương trình đã gửi tới khán giả những thanh âm ngọt ngào của niềm hy vọng trong trích đoạn aria từ vở Opera kinh điển - La Traviata của G. Verdi dựa trên tiểu thuyết Trà Hoa Nữ của A.Dumas - đó là "Parigi, o cara, noi lasceremo" (tạm dịch: Paris, người yêu ơi, ta sẽ đi thôi).
Đây là khúc aria được cất vang khi gần kết vở diễn. Sau tất cả những hiểu lầm, mâu thuẫn, đôi tình nhân cùng hát vang khúc ca hy vọng về tương lai, ước mong cho Violetta khỏe lại và cả hai có thể rời bỏ Paris đi tìm cuộc sống mới.
Sau khi thưởng thức khúc ca tình yêu đầy hy vọng, khán giả đêm diễn đã được chỉ huy Honna Tetsuji đem tới một nhạc phẩm nổi tiếng đến từ nước Ý: khúc Intermezzo từ vở Opera Cavalleria Rusticana. Đối với khán giả đã quen thân với nhạc cổ điển, và có lẽ đối với cả những người đã từng xem bộ phim Bố Già, khúc nhạc này không còn xa lạ nữa. Dẫu rằng tác giả không đưa ra tiêu đề nào riêng biệt cho khúc nhạc, bởi Intermezzo đơn giản chỉ là phần nhạc nối tiếp giữa các cảnh trong vở opera, và ta không nên gán những hình ảnh, hình tượng cụ thể, nhưng khi lắng nghe, ta không khỏi thấy mình như đang lạc vào một chốn đồng quê yên ả, thanh bình, và xúc động bởi vẻ đẹp của cuộc sống.
Mùa diễn năm 2021, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các chương trình hòa nhạc trực tiếp tại sân khấu và trực tuyến qua kênh Youtube, Facebook với nhiều thể loại. Cách làm này sẽ được duy trì cả trong những năm sau nhằm giới thiệu các tác phẩm âm nhạc chất lượng của các nhà soạn nhạc nổi tiếng quốc tế và Việt Nam đến công chúng. Từ đó, giúp công chúng hiểu rõ hơn về nhạc giao hưởng.
Cuối chương trình là khúc Il Brindisi (Bài ca chuốc rượu) vô cùng nổi tiếng cũng từ vở La Traviata của G. Verdi: "Libiamo, ne’ lieti calici!”. Giai điệu đầy hân hoan này cũng là lời chúc mừng năm mới từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam gửi tới khán giả, cầu cho một năm 2021 đầy tình yêu, hy vọng.
Qua các tác phẩm được thể hiện trong hòa nhạc mở màn mùa diễn 2021, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mong muốn đưa tới khán giả những hy vọng đẹp đẽ nhất. Hy vọng có thể đến từ tình nhân loại, từ gia đình, từ tình yêu và từ bạn bè, người thân xung quanh ta, và khi nghĩ về họ, ta lại có thêm động lực để tiếp tục cuộc sống đầy sắc màu.
(Theo Tin tức)