Theo công bố mới của Hiệp hội Công nghiệp thu thanh Mỹ (RIAA), thị trường đĩa than thế giới đang tạo nên đột phá bất ngờ khi lần đầu tiên trong suốt 30 năm qua, đĩa than vượt mặt CD về doanh số với 62% tổng thu nhập từ các loại đĩa nhạc. Số lượng đĩa than bán chạy hơn CD đánh dấu bước ngoặt cho loại đĩa nhạc từng được yêu thích trong nhiều năm từ những người sưu tầm và những người mê nhạc hoài cổ.
Chiếm thiện cảm người nghe
Chủ tịch của Warner Records từng chia sẻ với Rolling Stone rằng: "Dù ngày nay, đĩa than chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong công việc kinh doanh của chúng tôi nhưng đó là một sản phẩm gợi cảm, thú vị. Nó thể hiện cho sự đầu tư vào âm nhạc giàu cảm xúc".
Thị trường Việt cũng không ngoại lệ. Album đĩa than "Thương một người" của ca sĩ Quang Dũng với những tình khúc Trịnh Công Sơn vừa ra mắt, không tạo nên cơn sốt nhưng lại được giới mộ điệu săn lùng với những lời khen có cánh.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Giám đốc Công ty Sản xuất - Phát hành băng đĩa Audio Space, nhận xét: "Thị trường đĩa than hiện nay sôi động gấp nhiều lần so với 5 - 7 năm trước". Điều này được thể hiện rõ qua hàng loạt sản phẩm được giới thiệu dù lượng người sử dụng đĩa than không còn đại trà. NSƯT Tố Nga khiến công chúng bất ngờ khi ra mắt album "Trăng" ở định dạng đĩa than, băng cối và CD. Ca sĩ Đồng Lan với đĩa than "Này em có nhớ" theo phong cách jazz, được hát song ngữ Việt - Pháp, là những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng thu hút sự chú ý của nhiều người.
Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ Việt khác gần đây cũng trình làng các sản phẩm âm nhạc theo hình thức đĩa than, chiếm được cảm tình của người nghe như: "Requiem" (Đức Tuấn), "Khúc tình xưa" (Lệ Quyên), "Giai điệu thời gian", "Tâm 9" (Mỹ Tâm), "Đường em đi" (Phạm Thu Hà), "Một thời đã xa" (Thùy Chi), "Chuyện hẹn hò" (Hương Lan - Thái Châu), "Tình vẫn còn xanh" (Thanh Hà)...
Cuộc chơi đắt đỏ
Trong các sản phẩm đĩa than của mình, đĩa nào ca sĩ Quang Dũng cũng dành ít nhất 3 năm để hoàn thành. "Nghe đĩa than rất chuẩn, nhắm mắt lại có thể thấy như ca sĩ đang đứng trước mặt mình. Thời nay, khán giả sành điệu rất nhiều. Không chỉ Hà Nội và TP HCM mà Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang… cũng có câu lạc bộ nghe đĩa than đấy" - ca sĩ Quang Dũng nói. Ca sĩ Đồng Lan khi thực hiện đĩa than Trịnh Công Sơn với 2 ngôn ngữ Việt - Pháp, đã mất 4 năm cho việc chuyển ngữ các ca từ nhạc Trịnh sang tiếng Pháp, trung thành với nguyên tác nhưng vẫn mang tinh thần Pháp.
Điều đó phần nào khẳng định về chất lượng của đĩa than. Để sản xuất một đĩa than chất lượng cao cần khá nhiều thời gian mà không phải ca sĩ nào cũng có khả năng hay kiên nhẫn để thực hiện.
Đĩa than là một sản phẩm âm nhạc đã được thử thách qua thời gian, đã vượt không gian, đã trở lại. Tại Việt Nam, từ năm 2011, đĩa than đã bắt đầu rục rịch hồi sinh với album "Mỹ Linh Acoustic - Một ngày". Sau đó, nhiều ca sĩ theo đuổi thị trường đĩa than. Chất lượng giọng ca và sản phẩm là điều không cần bàn đến khi ca sĩ phải thu âm trong căn phòng có sức chứa đủ cả dàn nhạc.
Tuy nhiên, sản phẩm này khá kén khán giả. Quang Dũng thừa nhận có hướng đến đối tượng người nghe nhạc phải tinh tế từ tai nghe đến gu thưởng thức nhưng không hẳn phải là người có tiền hay sang trọng.
Với những đặc điểm đó, doanh số đĩa than chắc chắn không nhiều trong khi chi phí sản xuất rất đắt đỏ. Các ca sĩ đều thừa nhận khi chơi cuộc chơi "đĩa than", họ đều không màng lỗ lãi vì lượng khán giả của đĩa than không nhiều. Thế nên, lượng đĩa phát hành cũng chỉ dừng lại con số 1.000 hay 2.000 đĩa là cao.
Những chiếc đĩa than sẽ lại tiếp tục kéo dài vòng đời của mình, cho thấy người yêu âm nhạc vẫn còn trân quý những giá trị xưa cũ và chất lượng âm thanh mà nó mang lại. Những chiếc đĩa than ngoài mục đích nghe nhạc còn là một món đồ rất đáng để sưu tầm, lưu giữ.
(Theo NLĐ)