Di tích khảo cổ thôn Đồng Gianh là một bãi bồi rộng lớn phù sa cổ, bằng phẳng và nằm giáp phía Đông (bờ trái) sông Hồng, dân trong vùng trước kia gọi là bãi soi. Bãi soi hơi nhô ra ngoài sông, nên luôn ở trong tình trạng dễ bị xói lở. Quá trình xói lở đã làm phát lộ ra nhiều di vật đồ đồng, đồ đá, gốm có đặc điểm của văn hóa Đông Sơn.
Theo ông Lý Kim Khoa - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái: Từ thập niên 60 của thế kỷ XX đến nay, tại khu vực này do bờ sông lở, do nhân dân canh tác phát hiện đã thu được 69 di vật kim loại và đồ đá. Những di vật phát hiện ở đây nhiều loại gồm: thạp đồng có nắp, thạp đồng không có nắp, trống đồng, lưỡi cày đồng, thuổng đồng, rìu đồng, rìu chiến mỏ neo đồng, dao găm chữ tê bằng đồng, mũi giáo bằng đồng, muôi đồng, bát đồng, chậu đồng, bình đồng, âu đồng…
Tất cả các di vật kể trên với nhiều loại hình khác nhau, được các chuyên gia khảo cổ học đã xác định thuộc các giai đoạn sơ, trung và hậu kỳ kim khí, có niên đại khoảng 2.000 - 3.000 năm trước đây, thuộc nền văn hóa Đông Sơn.
Tuy nhiên, hiện trạng các địa điểm di tích phát hiện được nhiều di vật trước đây nay đã nằm ở lòng sông, cách bờ hiện tại chừng 45 m.
Đoàn khảo sát đã điều tra 13 địa điểm, dọc bờ trái sông Hồng với chiều dài khoảng 800 m của thôn Đồng Gianh và đã chọn một địa điểm ta luy âm của bờ sông có chiều sâu 7,5 m, thuận lợi, khả nghi có dấu vết địa tầng, định vị với chiều dài 4 m, chiều sâu taluy âm 6m để vệ sinh, xử lý kỹ thuật cắt lát taluy âm theo vách thẳng đứng vào chừng 30 đến 40 cm để nghiên cứu dấu vết địa tầng.
Ở độ sâu 4,5m thì phát lộ dấu vết địa tầng thuộc lớp phù sa cổ bậc thứ ba. Đây là lớp phát lộ rõ nhất dấu vết địa tầng cư trú của người cổ thời đại Đông Sơn, đã xác định được tầng văn hóa của người thời đại này từng cư trú, địa tầng khá ổn định và dễ nhận biết theo chuyên môn.
Ông Khoa cho biết thêm: "Ngoài ra, đoàn khảo sát cũng tiến hành mở rộng lên khu vực đường vào Khe Mý và phát hiện thêm một địa điểm di tích kiến trúc. Qua xem xét mẫu gạch và ngói, được thông tin do người dân cung cấp, sơ bộ, chúng tôi xác định địa điểm này trong lịch sử từng tồn tại một ngôi đình thuộc thời Nguyễn”.
Qua đợt khảo sát kiểm tra dấu vết địa tầng, địa điểm này rất có tiềm năng và cần sớm tiến hành thăm dò khai quật di chỉ Đồng Gianh. Địa điểm này khi xưa phát hiện khá nhiều di vật có giá trị; trong đó, có chiếc thạp đồng Đào Thịnh lớn nhất, đẹp nhất Việt Nam hiện nay và được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012.
Tuy nhiên, do thiên nhiên và con người can thiệp nên hiện trạng của di chỉ này đang bị sạt lở rất nặng, một số hiện vật bị nước cuốn trôi, khả năng mất dấu vết di chỉ khảo cổ nay rất cao.
Việc nghiên cứu, thám sát thăm dò khai quật khu vực này nhằm mục đích bổ sung thêm tư liệu, di vật phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày ở Bảo tàng tỉnh; đồng thời, cung cấp thêm những chứng cứ lịch sử mới về vùng đất và con người thời đại sơ, trung và hậu kỳ kim khí ở đây, góp phần nhận diện các giá trị lịch sử - văn hóa của Yên Bái nói riêng và vùng thượng lưu sông Hồng nói chung trong chiều dài lịch sử văn hóa của dân tộc.
Đặc biệt, số đơn vị hiện vật phát hiện được đồ sộ, khi đã thu thập đầy đủ thông tin về dấu vết địa tầng cư trú và đủ tiêu chí của một di tích có thể xếp hạng di tích cấp quốc gia thuộc loại hình di tích khảo cổ học địa điểm cư trú của người Việt cổ thời đại Đông Sơn là rất xứng đáng. Rất mong các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trên địa bàn sớm có biện pháp bảo vệ và phương án khai quật quy mô di tích khảo cổ học này.
Khánh Linh