Tiếp đó, cuộc khai quật tại hang Thẩm Thóong, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn cũng đã phát hiện được một công cụ cùng một số hóa thạch của lợn rừng, lợn lòi, hươu... và được các nhà nghiên cứu cho rằng, các hiện vật này rất gần gũi với những hiện vật ở hang Hùm nằm trong trầm tích có niên đại Cánh tân cách ngày nay hàng triệu năm.
Vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX trở đi, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhất là khu dọc theo lưu vực sông Hồng, sông Chảy, các nghiên cứu về khảo cổ học tiếp tục phát hiện các di vật, di chỉ khảo cổ học nền văn hóa Sơn Vi (thời kỳ đồ đá cũ) có niên đại mở đầu vào khoảng 23.000 năm và chấm dứt vào khoảng 11.000 năm cách ngày nay với những công cụ đá chủ yếu được sử dụng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ tạo ra rìa tác dụng ở một hoặc hai cạnh viên cuội để sử dụng trong lao động hoặc công cụ rìu lưỡi dọc, rìu lưỡi ngang, mũi nhọn, công cụ mảnh tước…
Kế tiếp nền văn hóa Sơn Vi là văn hóa Hòa Bình có khung niên đại mở đầu cách ngày nay khoảng 18.000 năm và khung niên đại kết thúc cách ngày nay khoảng 7.500 năm, còn được gọi là giai đoạn hậu kỳ đá cũ, mang đặc trưng chuyển tiếp giữa văn hóa Sơn Vi với văn hóa Bắc Sơn (thời kỳ đá mới) với đặc trưng nổi bật riêng với công cụ đá thuộc văn hóa Hòa Bình là đã có sự định hình rõ nét hơn, chất liệu đá cứng hơn, có dấu vết sử dụng lâu dài...
Các loại công cụ đá thuộc văn hóa Bắc Sơn thì được mài nhẵn, mài sắc và định hình rõ từng loại công cụ, nhất là giai đoạn hậu kỳ đá mới gồm chủ yếu là các loại: rìu, bôn có vai hay rìu tứ giác. Ngoài rìu, bôn, ở Yên Bái còn phát hiện được những di vật như chì lưới bằng đá, dao đá, vòng tay, khuyên tai đá... cho thấy kỹ nghệ chế tác đá ở đây đã đạt tới kỹ thuật hoàn thiện.
Với những loại hình công cụ này, lịch sử xác định, đây chính là dấu mốc thời kỳ lịch sử đầu tiên của dân tộc ta - thời đại Hùng Vương. Tuy vậy, đặc trưng nhất về những dấu tích văn hóa của thời đại Hùng Vương ở Yên Bái, đó là những dấu tích của thời đại kim khí (văn hóa Đông Sơn) rất phong phú, khá độc đáo, nổi bật là thạp đồng và trống đồng Đông Sơn.
Trong đó, Thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện vào năm 1960 là chiếc thạp lớn nhất, hình dáng đẹp nhất, hoa văn tinh xảo nhất, kỹ thuật đúc đồng hoàn hảo nhất… đã được xếp hạng Bảo vật quốc gia. Tiếp đó, Thạp đồng Hợp Minh được phát hiện vào năm 1995 cũng được đánh giá chỉ đứng sau thạp đồng Đào Thịnh về các đặc trưng nổi bật và cũng được xếp hạng Bảo vật quốc gia.
Cặp trống đồng Đông Sơn được phát hiện tại gò Dốc Giang, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên trong khi thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Các hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn - thời đại Hùng Vương được phát hiện tại Yên Bái còn phải kể đến những chiếc trống đồng, đó là, trống đồng làng Vặc được phát hiện vào năm 1978 tại gò làng Vặc, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.
Trống đồng Mông Sơn được phát hiện tại xã Mông Sơn, huyện Yên Bình vào năm 1984 và một số trống đồng khác cũng được phát hiện từ khá lâu ở vùng phía Tây của tỉnh như trống đồng Phù Nham, Bản Lải, Đảo Đình. Mới đây nhất, vào năm 2013, trong quá trình thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khi đào đất ở khu vực gò Dốc Giang thuộc xã Yên Hợp, huyện Văn Yên, đơn vị thi công đã phát hiện cặp trống đồng Đông Sơn loại heger1, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm.
Bên cạnh các hiện vật kim khí lớn được phát hiện như thạp đồng, trống đồng, Yên Bái còn phát hiện được các hiện vật hoặc mảnh vỡ hiện vật bằng đồng như: thạp, bình, lọ, nồi, âu, lưỡi cày; thuổng; rìu canh tác; rìu chiến, mỏ neo; dao găm, mũi giáo, mũi lao, quả cân, muôi đồng; bát, chậu, gương, trâm cài tóc, vòng, khâu đồng, tượng thú, đồ trang sức. Ngoài ra, còn phát hiện được các khuyên tai đá; hạt chuỗi bằng đá, công cụ đá và khuôn đúc rìu đồng bằng đá… thuộc nền văn hóa Đông Sơn.
Những di vật phát hiện được ở Yên Bái từ tiền sử đến sơ sử và thời đại Hùng Vương đã cho chúng ta những thông tin nhận biết về lịch sử tiến hóa của loài người; lịch sử dòng chảy văn hóa của người Việt cổ tiếp dẫn liên tục kéo dài hàng chục vạn năm từ thời đại đồ đá cũ đến thời đại kim khí trên địa bàn tỉnh Yên Bái, góp phần tạo nên tinh hoa văn hóa thời đại Hùng Vương hay còn được gọi bằng thuật ngữ khác "tinh hoa của nền Văn minh sông Hồng”.
Hoàng Nhâm