Sân khấu kịch hát thưa vắng đề tài hiện đại

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/9/2022 | 4:11:25 PM

Ðể chinh phục công chúng hiện đại, sân khấu cũng như mọi thể loại văn học nghệ thuật khác cần bắt kịp dòng chảy thời sự để thể hiện những trăn trở, mong mỏi, khát vọng của con người trong cuộc sống hôm nay. Song đáng tiếc, đề tài hiện đại vẫn đang là "khoảng trống" lớn trong kịch mục sân khấu nước nhà, nhất là với các loại hình sân khấu kịch hát dân tộc.

Sân khấu chèo ngày càng thiếu vắng khán giả. (Ảnh: TTXVN)
Sân khấu chèo ngày càng thiếu vắng khán giả. (Ảnh: TTXVN)

Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 chỉ có 5/17 vở đề tài hiện đại. Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 chỉ có 5/24 vở đề tài hiện đại. Trong hơn 80 vở diễn được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng năm 2017, có 27 vở diễn kịch hát (tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca), nhưng chỉ có 3/27 vở đề tài hiện đại, chiếm 11,1%. Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc năm 2018 cũng chỉ có 9/32 vở đề tài hiện đại.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), những con số này đủ nói lên tình trạng thiên lệch đề tài quá khứ, xa rời đề tài hiện đại của sân khấu kịch hát những năm qua. Dẫu đề tài lịch sử, quá khứ cũng vô cùng quan trọng và các nghệ sĩ thường lồng vào chuyện xưa những vấn đề đương đại để phục vụ khán giả đương thời, nhưng công chúng hôm nay cần đến những vở diễn phản ánh trực tiếp cuộc sống của chính họ. Hơn nữa, thể hiện đề tài hiện đại cũng là cách để làm mới sân khấu kịch hát, thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ đến với di sản nghệ thuật của cha ông.

Bàn riêng về chèo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc tiếc nuối: "Nhiều năm qua, kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện cho đến nay, nghệ thuật chèo Việt Nam, phần lớn, đã đứng ngoài đổi mới và nghiêng về sáng tạo theo khuynh hướng hoài cổ. Nghĩa là, các tác phẩm thường mang đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại với tinh thần ăn khách, thu vốn nhanh, chi phí ít và đã xa rời cuộc sống đương thời, bỏ quên nhân vật trung tâm của hiện thực cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế". Và đó cũng là thực trạng chung của sân khấu truyền thống nước nhà.

Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do sân khấu kịch hát đang thiếu vắng trầm trọng kịch bản được viết chuyên cho thể loại của mình. Những kịch bản đã được các đoàn, nhà hát dàn dựng phần lớn là từ kịch bản kịch nói chuyển thể. Thêm nữa, những người làm sân khấu kịch hát còn đang lúng túng trong việc sáng tạo các vở diễn đề tài hiện đại. Bởi lẽ, sân khấu kịch hát vốn được định hình về phong cách thể loại (tĩnh); trong khi đó, cuộc sống đương đại luôn thay đổi từng ngày, từng giờ với muôn hình vạn trạng của hiện thực lẫn con người (động). Ðể đưa đề tài hiện đại vào sân khấu kịch hát mà vẫn giữ được tinh hoa giá trị truyền thống của thể loại... là điều không đơn giản.

Mới đây, ngay trong lễ bế mạc trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2022 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, đánh giá về chất lượng các kịch bản tham gia, Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội, cũng nhìn nhận: Những kịch bản dự trại lần này còn thiếu tính dự báo, thiếu vắng những vấn đề gai góc nhất xã hội đang đặt ra, vì vậy còn thiếu sức sống, hơi thở của thời đại. Các tác giả chưa mạnh dạn, dấn thân để viết về những trăn trở, mong mỏi của con người trong xã hội hôm nay. Về mặt thi pháp, các kịch bản vẫn theo phương pháp sáng tác truyền thống, chưa có đột phá, chưa tạo dấu ấn đặc biệt…

Góp phần thay đổi cục diện nêu trên, tại hội thảo "Sân khấu với đề tài hiện đại" do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức, nhiều ý kiến tâm huyết đã được các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đề xuất. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, cần có chính sách chiến lược cho văn nghệ sĩ được sống trong lòng nhân dân, được chứng kiến những hành động của nhân dân trong công cuộc đổi mới xây dựng, làm giàu đất nước, hội nhập quốc tế... Nghĩa là, văn nghệ sĩ phải có vốn sống của cuộc sống hôm nay để có những cảm hứng bất tận thôi thúc văn nghệ sĩ phải cầm bút, phải sáng tác, như thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây đã làm.

Ðồng quan điểm, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, muốn có được nhiều hơn những kịch bản sân khấu hay về đề tài hiện đại, cần tăng cường tổ chức cho tác giả sân khấu đi thực tế cơ sở để bám sát đời sống thực tiễn, nắm được những tâm tư, nguyện vọng của công chúng; đồng thời tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu, liên hoan sân khấu về đề tài hiện đại. Ðối với những kịch bản chất lượng được giải thưởng cao, các cơ quan chức năng cần tổ chức đấu thầu dàn dựng và tổ chức biểu diễn, quảng bá phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng đất nước, xây dựng con người mới.

Tác giả Nguyễn Thị Vân Kim đề xuất, các hội nghề nghiệp nên mạnh dạn cải tiến từ khâu tổ chức đi thực tế đến tổ chức trại sáng tác; mở rộng thể loại, không nhất thiết chỉ viết kịch bản dài.

Nhiều chuyên gia sân khấu cũng bày tỏ ý kiến nên có sự định hướng lại trong công tác "đặt hàng" sáng tác để thúc đẩy tác phẩm sân khấu về đề tài hiện đại. Hiện nay, cơ quan chức năng đang duyệt các vở "đặt hàng" dựa trên kịch bản do các đơn vị nghệ thuật gửi lên mà chưa có những quy định cụ thể về tính chất đề tài.

(Theo nhandan)

Các tin khác
Một cảnh trong phim Memento mori: Đất. Ảnh: Vietnamplus (Đoàn phim cung cấp)

Memento mori: Earth (Memento Mori: Đất) là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách tranh giải New Currents (Làn sóng mới) tại LHP quốc tế Busan 2022.

Các mô hình được sáng tạo và gửi gắm nhiều mong ước của người dân.

Sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, lễ hội Thành Tuyên năm 2022 được tỉnh Tuyên Quang tổ chức trở lại với rất nhiều hoạt động đặc sắc, diễn ra xuyên suốt trong tháng 9.

Khu vực giới thiệu về Quốc kỳ.

Triển lãm trực tuyến của Trung tâm lưu trữ quốc gia III giới thiệu 200 tài liệu, nêu rõ hành trình Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy trở thành biểu tượng quốc gia.

Đại diện 11 tỉnh có di sản Then nhận Bằng ghi danh

Tối 3/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ đón Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục