Nhà văn Gérald Berche-Ngô: Văn hóa Việt là một trải nghiệm quan trọng trong cuộc đời

  • Cập nhật: Chủ nhật, 25/9/2022 | 7:41:54 AM

Nhà văn Pháp gốc Việt Gérald Berche-Ngô chia sẻ rằng, văn hóa Việt Nam từng xa lạ với anh...

Gérald Berche-Ngô tham dự một sự kiện tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Diệp)
Gérald Berche-Ngô tham dự một sự kiện tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Diệp)

Sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Pháp, anh đã trở thành nhà văn từ khi nào?

Tôi sinh năm 1973 tại Sài Gòn. Tôi rời Việt Nam khi mới chín tháng tuổi. Tôi đã quyết định trở thành nhà văn ở tuổi 17 khi còn ngồi trên ghế trường trung học, bắt đầu biết viết thơ, viết nhạc.

Lúc 20 tuổi, một tạp chí tiếng Pháp ở thành phố Lyon đã đăng những bài thơ đầu tiên của tôi. Sau đó, tôi tiếp tục làm thơ, viết ca khúc, một số cuốn sách du ký về Việt Nam, những bài luận nhỏ và cả tiểu thuyết.

Giao thoa giữa hai nền văn hóa hẳn đã ảnh hưởng đến tính cách, quan niệm sống cũng như tư duy nghệ thuật của anh?

Đây là một câu hỏi khó! Bởi tiếng Việt của tôi không đủ tốt để có thể đọc các tác phẩm văn học Việt Nam nếu không được dịch sang tiếng Pháp, như nhà triết học Emil Cioran đã viết: "Chúng ta không sống trong một quốc gia, chúng ta sống trong một ngôn ngữ ”.

Mặt khác, tôi lớn lên trong môi trường Tây Âu-nơi mà văn hóa Việt Nam không hiện diện nhiều. Cho đến năm 20 tuổi, tôi vẫn không thực sự hứng thú. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi với tôi ngay từ lần đầu khám phá Việt Nam.

Có thể nói rằng, văn hóa Việt Nam là một trong những trải nghiệm quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Nó còn ý nghĩa hơn nữa đối với công việc của tôi, với tư cách là một nhà văn.

Khi chúng ta được trải nghiệm hai nền văn hóa, hai tầm nhìn về thế giới, chúng ta nhìn nhận mọi thứ khác nhau với khoảng cách xa hơn và nhiều sắc thái hơn. Điều đó khiến chúng ta mạnh mẽ hơn!

Anh đã viết cẩm nang du lịch Việt Nam cho Nhà xuất bản Hachette và viết lời bài hát cho ca sĩ người Bỉ gốc Việt Phạm Quỳnh Anh. Anh có thể chia sẻ về những công việc thú vị này?

Hachette là nhà xuất bản lớn nhất ở Pháp xét về quy mô. Công việc viết cẩm nang du lịch cho phép tôi quan tâm đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến địa lý, rồi cả lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Tôi đã học được rất nhiều điều về quê hương mà tôi sẽ không biết nếu không được trực tiếp làm.

Về Phạm Quỳnh Anh, tôi đã gặp cô ấy ở Brussels (Bỉ). Cô ấy là chính học viên ở câu lạc bộ viết của tôi và sau đó, chúng tôi trở thành bạn bè.

Với tôi, Phạm Quỳnh Anh có một giọng hát rất đặc biệt. Tôi đã viết cho cô ấy năm bài hát và đã thu âm trong một phòng thu ở Paris.

Có một điều liên quan đến bản sắc Bỉ-Việt ở cô ca sĩ này là cách nhìn nhận của cô khi sống ở phương Tây với tất cả những khuôn sáo thường gắn với phụ nữ châu Á. Trong một bài hát, cô ấy đã phá vỡ những định kiến đó và chiến đấu chống lại sự phân biệt chủng tộc.

Lý do gì khiến anh trở lại Việt Nam?

Tôi về Việt Nam đầu tiên là ở Hà Nội và sau đó là Đà Nẵng vì tôi đang có dự án tổ chức các hội thảo nghệ thuật tại trường Hy Vọng-ngôi trường được xây dựng nhằm nuôi dưỡng, đào tạo các em học sinh mất cha mẹ vì đại dịch Covid-19.

Vào đầu tháng Giêng năm tới, tôi sẽ đưa các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam tình nguyện tham gia các hội thảo về để viết, sáng tác nhạc, vẽ, làm video... Đây là dự án nhân văn và tôi rất vui khi có thể trở về quê hương để giúp đỡ những em nhỏ không may mắn.

Được biết, tác phẩm mới nhất của anh là cuốn tiểu thuyết 500 trang được viết dưới dạng thơ, kết hợp giữa hai tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du và Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vuong. Anh có thể tiết lộ cụ thể hơn về tác phẩm này?

Đây là một cuốn tiểu thuyết đi tìm danh tính và nói về tình yêu và cái chết. Câu chuyện không chỉ diễn ra chủ yếu ở Việt Nam mà còn ở Pháp, Praha, Ireland, Scotland và Bỉ.

Tôi đã mất hai năm để sáng tác. Cuốn sách được thể hiện theo hình thức câu sáu âm tiết (thể lục bát) giống như một bài thơ. Tôi cũng muốn dịch nó sang tiếng Việt, dù đến giờ vẫn chưa tìm được đối tác dịch nhưng tôi vẫn đang hy vọng.

So sánh với Truyện Kiều và Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là bởi tôi rất thích hai cuốn truyện này. Tôi thấy nó vừa cổ điển về hình thức như tác phẩm của Nguyễn Du, vừa có chất hiện đại như tiểu thuyết của Ocean Vương.

Qua việc thành lập câu lạc bộ viết sáng tạo Write-Club, anh có mong muốn gì?

Tôi nghĩ rằng một nhà văn không phải là người phải tách mình ra khỏi thế giới và những người khác mà phải truyền lại được kiến thức mà mình đã thu nhận được cho độc giả. Đó là lý do tại sao tôi có đã thành lập Câu lạc bộ viết vào năm 2011.

Mỗi người luôn cần kể những câu chuyện của mình, thả sức cho trí tưởng tượng và đánh thức giấc mơ. Điều đó mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta.

Vì vậy, khi có thể giúp ai làm được điều này, tôi thấy hạnh phúc cũng như nhận ra công việc và cuộc sống của mình có ý nghĩa thực sự!

(Theo Báo Quốc tế)

Các tin khác

Với 65 tỷ đồng, “siêu phẩm ngôn tình” "Ngược dòng thời gian để yêu anh" (tựa tiếng Anh: Love Destiny The Movie) chính thức trở thành phim Thái Lan có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Cuốn sách về những năm tháng hào hùng của Tiểu đoàn 59.

Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 vừa ra mắt cuốn sách “Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân”.

NNƯT Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội) được phong tặng danh hiệu NNND ở loại hình Tri thức dân gian.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành các Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” (NNND, NNƯT) cho 628 nghệ nhân đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Sa Pa lặng lẽ yêu - The Mong Show - vở diễn thực cảnh là điểm nhấn trong Festival Tinh hoa Tây Bắc năm 2022 vừa chính thức công diễn tại Bảo tàng Sa Pa, Lào Cai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục