Thơ ca Nhật Bản luôn có một ái lực kỳ lạ đối với độc giả, đặc biệt là bạn đọc ngoài-Nhật. Bởi lẽ, nó phản chiếu và hiệu triệu qua ngôn từ một văn hóa Nhật Bản đặc sắc và đầy độc đáo, vốn đã mang một mỹ cảm đặc thù.
Tuy nhiên, để chuyển dịch và bảo lưu một hàm lượng cảm xúc khổng lồ, "ý tại ngôn ngoại” của thơ Nhật sang một ngôn ngữ khác, là điều không hề đơn giản.
Với tập thơ Tóc rối của nữ nhà thơ Nhật Yosano Akiko trên tay, qua bản dịch của nữ nhà thơ Việt Chu Thu Phương, người đọc cảm giác mình như lạc trong một khu vườn ngôn từ giữa hai tâm hồn hòa thanh hòa điệu.
Tập thơ Tóc rối (Midaregami, 1901) của nữ thi sĩ Yosano Akiko khi xuất bản đã trở thành một hiện tượng gây chấn động văn học Nhật Bản. Trước hết, nó là một luồng gió tươi mới trong quan niệm về phụ nữ, nghịch đảo những định kiến giới trong xã hội Nhật Bản bấy giờ.
Bản thân Yosano, ngoài sáng tác thơ, cũng là một nhà hoạt động xã hội tiên phong đấu tranh cho quyền của phụ nữ. Người phụ nữ trong Tóc rối, được tự do biểu đạt tình yêu, tự do công khai phô bày và thậm chí tụng ca vẻ đẹp diễm lệ và phồn thực của thân thể (Ép chặt lấy bầu vú/ Chạm đến miền bí ẩn linh thiêng/ Phá tung bức màn che/ Hé lộ bên trong nơi chốn đó/ Đóa hoa đỏ thắm nồng rực rỡ - bài thơ số 68).
Đồng thời, Tóc rối cũng tham gia đánh dấu một bước chuyển trong quan niệm về tình yêu của Nhật Bản. Cảm thức cổ điển về tình yêu trong thơ ca và văn hóa Nhật Bản, được thể hiện qua chữ Koi (恋) hay luyến (trong luyến ái tức yêu) thuở xưa được viết là cô bi (孤悲), cô là cô độc, bi là buồn bã. Bởi thế, yêu tức là sự cô đơn buồn bã, lưu luyến trong cô độc, chứa đựng một nỗi buồn đẹp.
Do đó, ta bắt gặp trong vô số tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản trung đại, từ thơ ca cho đến hội họa, môtíp mối tình đơn phương hay khát khao thầm kín, hoặc là dở dang không đến được hồi kết viên mãn.
Dường như, hơi thở tình yêu hiện đại trong thơ Yosano Akiko, cũng đến cùng với quan niệm về tình yêu lứa đôi gắn kết cuồng nhiệt, được đáp đền có ảnh hưởng du nhập từ phương Tây cởi mở. Đó chính là ái tình trong biểu trưng mạnh mẽ nhất của nó.
Tuy ngôn ngữ biểu kiến trực diện, mạnh bạo đến vậy, nhưng trong thơ Yosano Akiko không thiếu những ý tứ ẩn dụ trữ tình đẹp đẽ, mang dấu ấn những giá trị thẩm mỹ cơ bản của thể tanka. Mặt khác, những yếu tố dục tình càng được trình hiện lấp lửng, e ấp và tinh tế bao nhiêu, lại càng khuếch đại hiệu quả khơi gợi của chúng bấy nhiêu. Thành công của một bản dịch chính nằm ở đây.
Người viết đã từng được đọc phiên bản dịch tiếng Anh của một số bài trong tập Tóc rối, và thấy rõ những giới hạn trong việc chuyển ngữ thơ nói chung, đó là khả năng bảo lưu vần luật, nhịp điệu (nhạc tính) và ý nghĩa. Nhất là đối với tiếng Anh, một ngôn ngữ đại diện cho văn hóa Tây phương, lại càng trở nên khó khăn hơn.
Dựa trên lợi thế tiếng Nhật và tiếng Việt, ngôn ngữ của hai quốc gia Á Đông đồng văn, đều là những ngôn ngữ có yếu tố vay mượn từ tiếng Hán, nên dịch giả Chu Thu Phương đã xử lý một cách tài tình để đảm bảo cấu trúc nguyên bản của Tóc rối, không những vậy, còn giữ đúng được nhịp thơ, và do đó, trung thực diễn tả cảm xúc thể hiện trong thơ.
Lựa chọn từ ngữ của dịch giả mềm mại, nhạy cảm và rất "nữ tính,” cũng như cho thấy sự am tường sâu sắc tiếng Nhật của cô. Một lý do khác để góp phần lý giải sự toàn mỹ của bản dịch, có thể là bởi dịch giả Chu Thu Phương cũng là một nữ thi nhân, sáng tác thơ, và ắt hẳn cô cũng có cùng tần số rung cảm với Yosano Akiko về tình yêu, cái đẹp, thân phận và khát khao.
Hẳn, kết quả của sự "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” này, mang lại cho chúng ta một bản dịch mà như thể người dịch nói hộ tiếng lòng của tác giả vậy.
(Theo Người đô thị)