Buổi ra mắt bộ tiểu thuyết vừa diễn ra vào sáng 22-11 tại Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM (quận 3) với sự tham dự của luật sư Nguyễn Văn Viễn - phó chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, bà Võ Lưu Lan Uyên - phó tổng thư ký tổ chức Kỷ lục Việt Nam, nhà văn Trịnh Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhà báo Trần Trọng Dũng - chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM…
Với bộ tiểu thuyết gồm sáu tập, tổng cộng 2.400 trang sách, Hồ sơ lửa đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục với nội dung là bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam được thực hiện trong 30 năm từ 1992 - 2022.
Nhận xét về tác giả Lại Văn Long, nhà văn Trịnh Bích Ngân cho biết: "Nhà văn Lại Văn Long không phải người đầu tiên khai thác đề tài hình sự trong văn chương. Thế nhưng, Lại Văn Long là người đầu tiên dám mạnh dạn đưa ra một định dạng tiểu thuyết hình sự bề thế và công phu.
Hồ sơ lửa trực tiếp chứng minh rằng với công an thì một vụ án chính thức khép lại khi tội phạm nhận được phán quyết thích đáng của công lý. Còn với nhà văn thì một vụ án chỉ chính thức khép lại khi những lầm lỡ được tha thứ, những sân hận được xoa dịu, những trái ngang được bao dung".
Theo nhà văn Lại Văn Long, tuy Hồ sơ lửa chỉ được viết trong vài năm trở lại đây nhưng chất liệu và tình huống đã được ông "để dành" từ mấy chục năm trước. Đơn cử như việc xây dựng căn cứ địa cho băng cướp trong tập 3 Gia tộc tướng cướp được ông tích lũy từ chuyến đi công tác Cần Giờ năm 1992.
Nói về "đứa con" tinh thần của mình, tác giả Lại Văn Long gọi đó là lý tưởng, là mục tiêu của cả cuộc đời: "Tôi gọi nó là tác phẩm trong mơ vì đã ấp ủ nó từ khi còn nhỏ. Hồi nhỏ tôi mê đọc nhưng nhà nghèo không có tiền để mua sách. Tôi thường nhịn ăn quà để lấy tiền thuê sách đọc, nhưng đọc xong tôi lại bứt rứt vì truyện hay nhưng chỉ viết có vài trăm trang.
Tôi nghĩ nếu là mình, tôi sẽ viết dài để người đọc đọc cho thoải mái. Bộ sách trong kỷ lục ghi 30 năm nhưng đối với tôi đó là cả cuộc đời của tôi đã dồn vào".
Trước đó, tác giả từng nghĩ sau khi nghỉ hưu mới dành 10 năm viết bộ tiểu thuyết hình sự này. Tuy nhiên, trong thời gian công tác tại báo Công An TP.HCM, ông đã nhận được yêu cầu viết kịch bản cho bộ phim truyền hình dài 1.000 tập.
Mặc dù tiếc nuối vì bộ phim chỉ dừng lại ở tập thứ 138 nhưng ông vẫn quyết định viết hết những gì đã gom góp, chuẩn bị trong hàng chục năm thành tiểu thuyết.
Khi đặt bút viết, nhà văn Lại Văn Long không chỉ kể lại những vụ án đã được "nghe qua đâu đó trên báo đài" mà còn thể hiện cái thiện, cái ác dằn xé bên trong mỗi con người. Không chỉ vậy, tác giả không đi sâu vào chuyện phê phán cá thể mà chủ trương đề cao tính nhân văn, qua việc xây dựng hình tượng cán bộ công an có tình thương lẫn những khiếm khuyết, ngược lại tội phạm cũng không phải chỉ có mặt xấu.
2.400 trang sách, hơn 500 nhân vật với muôn vàn tính cách và tình huống riêng biệt. Có thể nói, Lại Văn Long là một trong số ít những tác giả có khả năng sáng tác bền bỉ và kiên trì.
"Viết về ngành công an bao giờ cũng hấp dẫn nhưng không phải dễ viết, đề tài công an hầu như chỉ có người trong ngành viết. Anh Lại Văn Long không phải là người đầu tiên viết về ngành công an, nhưng không ai viết một cách đồ sộ với 2.400 trang như anh.
Tuy được xác lập về kỷ lục tác phẩm dài nhất Việt Nam nhưng theo tôi, tính đến thời điểm này, nó cũng là tiểu thuyết dài nhất" - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận xét.
(Theo Vietnamnet)