Trạm Tấu vào đông. Nắng mật rơi đầy trên những thửa ruộng nước đổ, lưng đèo dốc cao. Nắng đông vàng ươm nhưng không gay gắt, đậu trên từng nhành cỏ lau trắng xóa bung lên cùng từng đợt gió mùa se sắt tạo cho mây nước, non ngàn Trạm Tấu một vẻ đẹp thơ mộng, mơ màng và đậm chất thơ hiếm có.
Nắng đông về cũng là lúc đón những khóm hoa dã quỳ nở vàng trên từng vạt nương, từng con đường. Tháng 11, dã quỳ bừng nở vàng ươm. Đây cũng là mùa mà người ta vẫn hay gọi là "mùa những con đường nở hoa”.
Dã quỳ ở Trạm Tấu không bạt ngàn như ở Đà Lạt hay Ba Vì mà nở thành từng cụm rải trên khắp non xanh hùng vĩ. Sắc vàng dã quỳ lác đác như điểm xuyết cho bức tranh "xanh rừng, xanh ruộng, xanh nương rẫy” nơi đây một sắc màu mới, hòa vào mây trời, tạo nên một khung cảnh ngày đông nơi vùng cao đầy ấm áp.
Đi dọc từ tỉnh lộ 174 nối thị xã Nghĩa Lộ lên thị trấn Trạm Tấu, dễ dàng gặp những bụi dã quỳ rực vàng trên đá. Dã quỳ như hướng dương vươn mình hướng về ánh mặt trời đua nhau khoe sắc để rực rỡ nhất trong hành trình của cuộc đời mình. Ở nơi non cao này, dã quỳ chỉ là một loại hoa dại nhưng lại có một sức sống vô cùng mãnh liệt.
Dã quỳ như hiện thân của những con người nơi đất sỏi, mưa rừng, giản dị, tự do và phóng khoáng nhưng không ngừng khao khát vươn lên, không ngừng khao khát được lao động, được cống hiến cho quê nghèo ngày một phát triển. Loài cây ấy có một sức sống mãnh liệt, giữa đất sỏi cằn cỗi, mùa hè, gió Lào thổi cháy cả những chiếc lá đang tìm nhựa để ươm hoa; mùa đông, rét rừng, sương muối rơi bám đầy những nụ hoa e ấp chưa kịp nở.
Có thể vì lẽ đó, hoa dã quỳ ở Trạm Tấu bông không to như những vùng khác nhưng thay vào đó cánh nhiều, vàng đậm. Hoa mọc nhiều ở những sườn đồi thấp ven đường, men theo từng khúc uốn lượn của những cung đường bám núi tựa như một dải lụa vàng quanh co bừng vệt sáng giữa núi đồi.
Ngoài các cung đường, hoa dã quỳ cũng nở rộ trên những triền đất thoải ở các xã Xà Hồ, Bản Mù và Bản Công. Dã quỳ là cây dại, không có giá trị về kinh tế hay chăn nuôi. Tuy nhiên, từ bao đời nay, bà con nơi đây chưa từng phá cây dã quỳ để trồng cây khác vì dã quỳ vàng như nắng, cái sắc vàng này như để sưởi ấm cái rét buốt của nơi sơn cao, sắc vàng như thay mặt trời chiếu bừng như đẩy lùi sương giá. Trong cái nắng vàng như đổ mật, dã quỳ như cả ngàn mặt trời tí hon khoe sắc vàng đẹp đến nao lòng.
Những năm gần đây, mỗi dịp đến mùa hoa dã quỳ bừng nở khoe sắc lại thu hút được rất nhiều du khách đến chiêm ngưỡng và hòa mình vào vẻ đẹp mùa dã quỳ của vùng cao Trạm Tấu. Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ vốn có của nơi đây, điểm thêm những màu sắc tươi mới của hoa lá đại ngàn càng làm cho vẻ đẹp của Trạm Tấu thêm hấp dẫn và riêng biệt.
Cũng từ những vẻ đẹp đó, huyện Trạm Tấu cũng có những kế hoạch để phát triển mùa hoa dã quỳ thành một sản phẩm du lịch nổi bật. Huyện Trạm Tấu đã quảng bá hình ảnh đẹp mùa dã quỳ đến với nhiều du khách qua các trang mạng xã hội.
Cùng với đó, huyện cũng có những hướng dẫn online trên mạng xã hội về địa điểm check in, cập nhật tình hình hoa nở và thời tiết để du khách chủ động tham quan và chiêm ngưỡng. Trong 10 tháng năm 2022, Trạm Tấu đã đón khoảng 75.000 lượt khách du lịch và dự kiến đến năm 2025 sẽ đón được 120.000 khách du lịch.
Ngoài những địa điểm du lịch nổi tiếng như bản Cu Vai, núi Tà Xùa, Tà Chì Nhù hoặc những lễ hội thường niên như: Ngày hội văn hoá các dân tộc, tái hiện Lễ hội Gầu tào…, huyện cũng có kế hoạch để khai thác những vẻ đẹp tự nhiên như mùa hoa dã quỳ, mùa lúa chín, mùa nước đổ để hút khách du lịch. Với định hướng phát triển du lịch theo hướng "xanh - hài hòa - bản sắc”, du lịch Trạm Tấu sẽ ngày càng phát triển và là điểm đến hấp dẫn của những ai yêu thích vẻ đẹp thơ mộng, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.
Ngọc Huyền