Xác định gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc, sức mạnh nội sinh của tỉnh trong quá trình phát triển, những năm qua, Yên Bái đã quan tâm ban hành và thực hiện nhiều hoạt động, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm biến di sản thành tài sản phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 714 DSVH phi vật thể của các dân tộc thiểu số đã được kiểm kê, 4 DSVH phi vật thể đã được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia.
Với số lượng DSVH phi vật thể lớn, từ năm 2011 - 2021, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 10.000 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của các cấp liên quan đến giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương; tiến hành bảo tồn trên 50 DSVH phi vật thể của dân tộc thiểu số; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn bảo tồn tiếng nói, chữ viết có nguy cơ bị mai một; đưa di sản văn hóa phi vật thể vào các chương trình ngoại khoá, chương trình giáo dục địa phương tại các cơ sở giáo dục để khơi dậy niềm tự hào, giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng trường học hạnh phúc…
Hơn thế nữa, Yên Bái là một trong số ít các địa phương trên cả nước có chính sách quan tâm đặc biệt tới những người có cống hiến lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể.
Ngoài các nghệ nhân được vinh danh Nghệ nhân Ưu tú theo quy định của trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành quy chế riêng xét tặng 2 năm 1 lần danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực DSVH phi vật thể tỉnh Yên Bái (đã thực hiện từ năm 2020).
Tại cuộc họp xét tặng danh hiệu nghệ nhân lĩnh vực DSVH phi vật thể tỉnh Yên Bái lần thứ 2 năm 2022, Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân của tỉnh rất là cần thiết, ý nghĩa. Hoạt động này góp phần to lớn động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian tích cực lưu truyền, truyền dạy các giá trị văn hoá của dân tộc mình. Được xét tặng Nghệ nhân Ưu tú hay Nghệ nhân Nhân dân cũng giúp chúng tôi có thêm tiếng nói uy tín khi thực hành, truyền dạy các DSVH phi vật thể hàng ngày tại địa phương”.
Đối với DSVH vật thể, đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 129 di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh đã được các cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng. Hàng năm, tỉnh đầu tư khoảng 150 triệu đồng để khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng từ 7 - 8 di tích cấp tỉnh. Trong đó, năm 2018 xếp hạng 8 di tích; năm 2019 xếp hạng 7 di tích; năm 2020 xếp hạng 8 di tích; năm 2021 xếp hạng 7 di tích; 8 tháng đầu năm 2022 xếp hạng 4 di tích.
Bên cạnh đó, công tác tu bổ, tôn tạo di tích cũng được Yên Bái chú trọng đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 46 di tích được xếp hạng các cấp đã được tu bổ, tôn tạo và phục hồi với gần 157 tỷ đồng kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia và 120 tỷ đồng kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích cấp tỉnh. Các di tích được đầu tư kinh phí chống xuống cấp, tu bổ, phục hồi bước đầu đã phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Tại một số điểm di tích bước đầu đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến Yên Bái tham quan, như: Di tích Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đón hơn 1 triệu lượt khách/năm; Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đông Cuông đón trên 300.000 lượt khách/năm; Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Nhược Sơn đón trên 20.000 lượt khách/năm...
Đến tham quan tại Di tích Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chị Trần Ngọc Ánh đến từ Bắc Ninh chia sẻ: "Năm nào tôi cũng cùng bạn bè, người thân tới Mù Cang Chải du lịch, nghỉ dưỡng 1 đến 2 lần. Tôi thấy cảnh quan thiên nhiên, ruộng bậc thang được các cấp chính quyền địa phương, nhân dân rất quan tâm bảo vệ, ngày càng đẹp, quy mô”.
DSVH là sự phản ánh của tinh hoa và bản sắc văn hóa của mỗi tộc người, địa phương, vùng miền. Thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị DSVH, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về DSVH đi đôi với tăng cường tuyên truyền giáo dục về DSVH và Luật DSVH cho toàn dân; duy trì, bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa và quản lý DSVH từ cấp tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh các biện pháp khai thác, huy động nguồn lực xã hội để tham gia bảo tồn, phát huy giá trị DSVH.
Lê Thương