Lắng đọng không gian văn hóa vùng Đất Tổ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/12/2022 | 3:32:28 PM

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc là hoạt động văn hóa quy mô lớn được duy trì tổ chức luân phiên giữa các tỉnh vùng Tây Bắc, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc, giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa vùng Tây Bắc.

Hát Xoan Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Xoan Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm nay, thông qua việc đăng cai tổ chức ngày hội, tỉnh Phú Thọ sẽ giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng Đất Tổ với những nét văn hóa độc đáo, tạo bước phát triển cho du lịch địa phương trong thời gian tới.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc được tổ chức với rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc. Ngay trong lễ khai mạc với chủ đề "Cầu vồng Đất Tổ”, chương trình nghệ thuật là sự hòa quyện những nét văn hóa của các tỉnh tham gia ngày hội: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ. 

Xuyên suốt trong ba ngày diễn ra lễ hội, người dân và du khách sẽ được hòa mình vào trong không gian văn hóa với các hoạt động: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống và trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của các địa phương; liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Bắc; hoạt động thể thao quần chúng…


Điệu múa xúc tép của người dân tộc Cao Lan, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng. 

Tham gia trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và tổ chức cho các nghệ nhân, diễn viên luyện tập trích đoạn "Lễ hội mở cửa rừng” của người Mường.  Đối với không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống, các hiện vật được Phú Thọ lựa chọn gồm: Trống đồng, trang phục các dân tộc Dao, Mường, Cao Lan; các ấn phẩm giới thiệu về hai di sản "Hát Xoan Phú Thọ” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”… Nhiều sản phẩm, sản vật địa phương sẽ được giới thiệu đến du khách trong dịp này: Thịt chua Thanh Sơn, ủ ấm Sơn Vi, nón lá, chè Bát Tiên, tương làng Bợ, gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, mỳ gạo Hùng Lô… 

Các nghệ nhân người Mường, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn sẽ trình diễn nghề dệt thủ công truyền thống và các nghệ nhân Dao Tiền thực hiện  trình diễn nghề thủ công in sáp ong truyền thống. Trong không gian văn hóa không thể thiếu nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của các dân tộc: Nghệ nhân Dao Quần chẹt, xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập chế biến mâm cỗ truyền thống trong ngày Tết của đồng bào Dao với các món: Rượu men lé, gà nấu thính, thịt muối chua, bánh chưng gù, cá suối, xôi ngũ sắc, thịt sấy gác bếp… Ngoài ra, tại khu vực trình bày "Văn hóa-du lịch-ẩm thực Đất Tổ” du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ẩm thực đặc sắc: Bánh sắn, bánh tai, các sản phẩm ẩm thực OCOP…

Lần đầu tiên tham gia giới thiệu ẩm thực Đất Tổ, chị Phùng Thị Ánh Tuyết (xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì) mang đến những biến tấu đặc sắc từ món sắn đặc trưng miền Trung du: "Khi nhắc đến Phú Thọ nhiều người nghĩ ngay đến món sắn, với nguyên liệu truyền thống mình sáng tạo thêm các sản phẩm mang nét hiện đại để tiếp cận nhiều đối tượng. Ngoài hai món truyền thống là bánh sắn và xôi sắn, mình có thêm món chè mochi sắn dẻo. Hy vọng các món ăn được mình chăm chút sẽ được du khách đón nhận. Đây không chỉ là dịp mình giới thiệu văn hóa ẩm thực vùng Đất Tổ mà còn là cơ hội được giao lưu, trải nghiệm những nét văn hóa khách nhau của các tỉnh”.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc nhằm tôn vinh, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc; tạo điều kiện để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường đoàn kết. Với nhiều hoạt động được tổ chức trong ba ngày, đây còn là dịp để Phú Thọ nói riêng và các tỉnh Tây Bắc tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Thu Hà

Các tin khác
Du khách quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sa Pa.

Trong các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Bát Xát là huyện vùng cao biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể mà việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vẻ đẹp rực rỡ của trang phục phụ nữ La Hủ.

Lai Châu được ví như viên ngọc sáng khi hội tụ cả vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ với kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc các dân tộc. Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại tỉnh Phú Thọ, Lai Châu đã mang đến một bản sắc riêng của vùng đất văn hóa được lưu giữ và phát triển từ ngàn đời.

Trình diễn văn hóa truyền thống người Mường trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Được biết đến là “miền đất sử thi”, Hòa Bình có nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm hơn 74% số dân, chủ yếu là dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông,... Nơi đây được coi là cái nôi của dân tộc Mường nổi tiếng với bốn Mường “Bi, Vang, Thàng, Động” và nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Biểu diễn nhảy Tha Khềnh của đồng bào dân tộc Mông, Sơn La.

Sơn La - vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc; là nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc mang sắc thái riêng. Những giá trị tinh thần quý báu đó đã được truyền qua bao thế hệ con người Sơn La, được hun đúc và trở thành truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Sơn La.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục