Sưu tầm hiện vật cách mạng, kháng chiến vì sao khó?

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/12/2022 | 7:39:15 AM

YênBái - Với bảo tàng, hiện vật là xương sống, là đặc trưng riêng biệt so với các thiết chế văn hóa khác. Cùng với công tác kiểm kê, bảo quản, trưng bày tuyên truyền giáo dục… thì công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật luôn là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi bảo tàng, trong đó sưu tầm hiện vật cách mạng, kháng chiến luôn là nhiệm vụ phải quan tâm của bảo tàng cả nước nói chung, Bảo tàng tỉnh Yên Bái nói riêng. Tuy vậy, đó cũng là công việc còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh trao thư cảm ơn của ngành văn hóa cho gia đình ông Lê Đức Huy, thôn Làng Hơn, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình có công lưu trữ và bàn giao di vật bảo tàng (mâm đồng) của ông Bùi Quang Tạo tại Sở Chỉ huy thôn Làng Hơn.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh trao thư cảm ơn của ngành văn hóa cho gia đình ông Lê Đức Huy, thôn Làng Hơn, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình có công lưu trữ và bàn giao di vật bảo tàng (mâm đồng) của ông Bùi Quang Tạo tại Sở Chỉ huy thôn Làng Hơn.

Ông Lý Kim Khoa - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh có những chia sẻ rõ hơn về công tác này với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái.

- Xin ông cho biết đôi nét về kết quả công tác sưu tầm hiện vật cách mạng kháng chiến tại Bảo tàng tỉnh hiện nay?

- Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh không ngừng nâng cao hiệu quả công tác sưu tầm tài liệu hiện vật, đi đôi với đó là phát huy giá trị di sản văn hóa đất và người Yên Bái, đáp ứng nhu cầu thăm quan, tìm hiểu, học tập, giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. 

Ở Bảo tàng tỉnh, trong hơn 23.000 hiện vật thể khối hiện nay, số hiện vật lịch sử có khoảng gần 16.000 hiện vật, di vật. Trong số này, những hiện vật cách mạng kháng chiến, nhất là hiện vật gắn với Chiến dịch Tây Bắc, giai đoạn lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc chỉ chiếm con số khiêm tốn.

Nếu so với số lượng hiện vật thời tiền - sơ sử, thời đại phong kiến và dân tộc học… hiện có thì số lượng hiện vật cách mạng kháng chiến quả là phải suy nghĩ. Nhưng để có được những hiện vật này, các thế hệ cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm của Bảo tàng tỉnh đã phải hết sức nỗ lực suốt mấy thập kỷ qua.

Để có được kết quả như hiện nay, từ năm 2000, công tác sưu tầm hiện vật cách mạng kháng chiến là một trong những công việc mà Bảo tàng tỉnh rất quan tâm. Trong quá trình ấy, để thực hiện công tác của mảng việc sưu tầm - trưng bày, những cán bộ sưu tầm đã ưu tiên lên kế hoạch tổ chức các đợt sưu tầm có định hướng trên khắp địa bàn tỉnh, gặp gỡ các chứng nhân lịch sử, các cá nhân lưu giữ hiện vật, các vị lão thành cách mạng thông qua các hội viên chi hội, hội cựu chiến binh xã, huyện, tỉnh… 

Kiên trì và bền bỉ, các cán bộ nghiên cứu, sưu tầm ở Bảo tàng tỉnh đã phải đi điền dã, vượt nhiều khó khăn và bằng tâm huyết nghề nghiệp, bằng nỗ lực chuyên môn, bằng công tác vận động, thuyết phục, giảng giải về giá trị lịch sử văn hóa để cho chủ nhân hiện vật hiểu được giá trị của hiện vật là di sản văn hóa để được trao đổi (vật đổi vật), để được hiến tặng hiện vật về cho Bảo tàng. 

Các hiện vật cách mạng kháng chiến trở nên có giá trị yêu cầu phải gắn với những câu chuyện của người trực tiếp tham gia các sự kiện kháng chiến. Qua lời kể của các nhân chứng, mỗi hiện vật là một câu chuyện quý, giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu về những giá trị lịch sử, hiểu về những năm tháng kháng chiến các thế hệ ông cha ta phải chịu bao nhiêu gian khổ, phải chịu bao nhiêu hy sinh, mất mát để có được độc lập, tự do của dân tộc. Nhưng những lớp người ấy dần dần đi theo đồng đội và mang theo cả những kỷ vật, câu chuyện đi theo và mất vĩnh viễn. Đó là điều rất tiếc! Cũng bởi vậy, việc nghiên cứu, sưu tầm hiện vật lịch sử giai đoạn này ngày càng trở nên khó khăn như "mò kim đáy bể”.

- Ông có thể nói rõ hơn về những thách thức đó?

- Bằng những nỗ lực của cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, công tác sưu tầm hiện vật cách mạng kháng chiến, phục vụ trưng bày đã bước đầu đạt kết quả, song một thật sự là vẫn chưa được như mong muốn của những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày hiện vật. 

Lý do thì đơn giản, vì hiện nay, các nhân chứng của một thời đã ở vào độ tuổi cao, hiếm; những kỷ vật của các nhân chứng cũng thất lạc dần qua những chuyến đi, những lần chuyển và làm lại nhà cửa. 

Bên cạnh đó, thế hệ con cháu cũng chưa thật có sự quan tâm đúng mực với những kỷ vật của ông cha. Các nhân chứng rồi sẽ trở về với đất mẹ, trở về với đồng đội một thời chinh chiến trận mạc, rồi những kỷ vật, những hiện vật hôm nay chúng ta nhắc đến một thời cũng sẽ theo đó mà ra đi. Một minh chứng đáng buồn là đã có một ông buôn đồng nát đến gặp một cán bộ làm công tác sưu tầm, trưng bày hiện vật Bảo tàng tỉnh. Ông ta nói rằng, nhà ông có rất nhiều đồ giống hệt như những hiện vật lịch sử mà Bảo tàng đã sưu tầm, trưng bày. Đó là những thứ mà ông có được qua quá trình buôn bán đồng nát. 

Nhưng theo chúng tôi thì thật là đáng tiếc với Bảo tàng, hiện vật chỉ có ý nghĩa khi nó gắn liền với nhân chứng, với sự kiện lịch sử cụ thể. Và Bảo tàng chẳng thể làm gì với những chiếc xẻng, bát sắt, bình tông, vỏ đạn… trong sọt hàng rong của ông đồng nát kia được! 

- Vậy, theo ông, cần có thêm những điều kiện thuận lợi nào để công tác nghiên cứu, sưu tầm, hiện vật cách mạng kháng chiến nói riêng được như mong muốn của những người làm công tác này?

- Người lưu giữ hiện vật cách mạng kháng chiến chủ yếu là những cựu chiến binh cao tuổi, già yếu. Người cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm mong muốn làm sao có được cơ chế bồi dưỡng cho chủ nhân lưu giữ hiện vật khi họ vừa có công sức lưu giữ hiện vật, vừa bỏ thời gian kể lại những câu chuyện ý nghĩa liên quan tới hiện vật đó để bàn giao lại cho Bảo tàng. Sự động viên dành cho người lưu giữ hiện vật cũng là tạo điều kiện cho người làm sưu tầm, cho hoạt động sưu tầm hiện vật kháng chiến được thuận lợi. 

- Xin cảm ơn ông!

Thu Hạnh (thực hiện)

Tags Bảo tàng tỉnh Yên Bái sưu tầm hiện vật

Các tin khác
Nhà thiết kế Lan Hương và các người mẫu trình diễn bộ sưu tập Hành tinh phồn thịnh.

Tối 11/12, tại Lễ bế mạc Tuần lễ Thời trang tơ lụa quốc tế Thái Lan, Ban Tổ chức đã chính thức công bố và trao thưởng cho các nhà thiết kế đoạt giải Cuộc thi thiết kế lụa Thái quốc tế. Trong số 12 nhà thiết kế các nước lọt vào vòng chung kết, nhà thiết kế Lan Hương của Việt Nam với bộ sưu tập “Hành tinh phồn thịnh” đã được Ban Giám khảo trao giải Nhất.

“Trạm tò te” khách có thể sáng tạo ra một chiếc túi tò te cho riêng mình.

Trong không gian cực “chill” của Lễ hội Âm nhạc quốc tế - HOZO 2022, chuỗi workshop tái chế, vẽ tranh vì môi trường, làm tranh mosaic,... thu hút đông đảo khách tham gia.

Cắt băng khánh thành công trình nâng cấp cải tạo Bảo tàng Chiến thắng B-52

Ngày 11-12, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng B-52, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (18-12-1972 - 18-12- 2022).

Hoa Tớ dày là một loài hoa đào rừng gắn liền với đời sống của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Chỉ nở vào mùa đông lạnh giá, những triền hoa tớ dày rực rỡ khoe sắc trên rẻo cao dệt nên bức tranh vô cùng huyền ảo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục