Theo Gia phả Nguyễn Chi Thế Phổ, các con của cụ Nguyễn Đình Chiểu với bà Lê Thị Điền gồm Nguyễn Thị Hương (1855), Nguyễn Đình Chúc (1858), Nguyễn Thị Xuyến (1861), Nguyễn Thị Khuê (1864), một người con mất sớm (khuyết danh), Nguyễn Đình Chiêm (1869), Nguyễn Đình Ngưỡng (1872) mất sớm.
Bát đũa gia đình cụ đồ Chiểu hiện được lưu giữ tại bảo tàng. Ảnh: Tư liệu.
Người con gái Nguyễn Thị Khuê (Bút danh Sương Nguyệt Anh) nối nghiệp cha, rất giỏi văn thơ. Bà thông thạo chữ Hán, tiếng Pháp, chữ Nôm.
Bút danh Sương Nguyệt Anh gắn với giai thoại văn học. Lấy chồng được 2 năm thì chồng mất, bà Nguyễn Thị Khuê lấy bút danh Sương Nguyệt Anh thủ tiết thờ chồng (sương phụ nghĩa là đàn bà góa). Thực tế bà cũng không đi bước nữa mà làm báo nuôi con, nuôi cháu ngoại dù nhan sắc của bà nổi tiếng ở Nam Bộ.
Chân dung nhà báo, nhà thơ Sương Nguyệt Anh. Ảnh: Tư liệu.
Với tài năng và danh tiếng con gái của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu, bà Sương Nguyệt Anh đã xây dựng và phát triển tờ báo dành cho giới nữ đầu tiên của Việt Nam là tờ Nữ Giới Chung. Tờ báo chủ trương đề cao vai trò nữ quyền tại Việt Nam, kêu gọi giải phóng phụ nữ, tạo địa vị phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Tờ Nữ Giới Chung đăng bài của Sương Nguyệt Anh với bút danh S.N.A. Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam.
Trong tờ báo số 1, bà Sương Nguyệt Anh đã viết bài, chỉ rõ: "Có đờn bà mới sanh ra thánh hiền, hào kiệt, mới có người tô điểm vẻ non sông; không có đờn bà thì loài người ắt tiêu duyệt, thế giới hiu quạnh như cù lao hoang, đâu là nhà "Triết học”, nhà "Văn hóa”, nhà "Chánh trị”, đâu là nhà "Kinh tế”, nhà "Cách trí”, nhà "Giáo dục” và hết thảy các hạng người ở trên Trái Đất này".
Ngoài việc làm thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò phụ nữ thông qua tờ Nữ Giới Chung, tài liệu cũng cho thấy bà Sương Nguyệt Anh ủng hộ các phong trào phát triển giáo dục, trong đó có phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu.
Sương Nguyệt Anh cũng là một trong những nữ thi sĩ hiện đại, tiên phong trong thế kỷ 20. Thơ của bà thể hiện bản lĩnh của người phụ nữ trong xã hội. Bài thơ "Mai" của bà có những câu: "Ngọc ánh chi nài son phấn đượm/ Vàng ròng há sợ sắc màu phai!".
Nhà báo, nhà thơ Sương Nguyệt Anh qua đời vì bạo bệnh, từ trần ngày 12/12 năm Tân Dậu 1922, hưởng thọ 58 tuổi. Mộ của bà hiện đặt tại Bến Tre.
Tên của bà được đặt tên đường tại TPHCM, Đà Lạt và nhiều nơi khác.
Có nhiều tài liệu gọi tên bà là Sương Nguyệt Ánh, song theo nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng, chuyên gia khảo cứu về cụ đồ Chiểu khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong: "Bút danh chính xác của con gái cụ đồ Chiểu là Sương Nguyệt Anh, không phải Ánh".
Nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng nói: "Cô Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê, con gái thứ 5 của cụ đồ Chiểu, theo cách tính của người Nam Bộ. Bút danh Nguyệt Anh của nữ sĩ nổi tiếng từ lâu và chỉ khi chồng qua đời thì cô mới thêm chữ Sương ở đầu, còn hai chữ Nguyệt Anh vẫn giữ nguyên vẹn".
Năm 2022, tại kỳ họp thứ 41, Đại hội đồng UNESCO đã ra Nghị quyết 41/C vinh danh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu. Cụ đồ Chiểu là nhà thơ, danh nhân đầu tiên của miền Nam được UNESCO tôn vinh.
Năm 2023, đến lượt nhà thơ, nhà báo Sương Nguyệt Anh con gái cụ đồ Chiểu được trang tìm kiếm điện tử nổi tiếng nhất thế giới Goolge tôn vinh. Đây là những sự kiện hiếm có đối với một gia đình trí thức lớn của đất nước và cũng là niềm vinh dự cho đất nước Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng trên nền nhà cũ của cụ Đồ Chiểu tại Long An, nơi Sương Nguyệt Anh lớn lên. Ảnh: Tư liệu của nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng.
(Theo TPO)