Bằng những cách thức cụ thể, đa dạng, thị xã Nghĩa Lộ đã rất thành công trong tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa để những giá trị văn hóa ấy có được sức sống bền chặt và tỏa sáng.
Trong suốt thời gian qua, thị xã đã thực hiện truyền dạy và thực hành các giá trị văn hóa truyền thống trong tất cả các trường học, trong cộng đồng dân cư tại địa phương thông qua các đội văn nghệ quần chúng, các hội bảo tồn tri thức bản địa. Các điệu dân ca, dân vũ và nhất là các điệu xòe cổ theo cách đó đã truyền từ người này sang người khác, từ thế hệ trước cho thế hệ sau.
Bà Hoàng Thị Văn - Đội trưởng Đội Văn nghệ bảo tồn văn hóa dân tộc Tông Co 3, phường Tân An chia sẻ: "Chúng tôi truyền dạy các điệu xòe cho lớp trẻ không chỉ là truyền dạy động tác mà quan trọng là trao truyền cả tình yêu với điệu xòe. Và với tình yêu văn hóa đó trong chính mỗi người mà điệu xòe hay các làn điệu dân ca, dân vũ cứ thế được trao truyền, tiếp nối”.
Đó cũng chính là con đường gần gũi, giản đơn và đầy tính cộng đồng để nhiều bản sắc văn hóa, nhất là những điệu xòe Thái có sức sống mãnh liệt trong cuộc sống của người dân nơi đây. Thị xã Nghĩa Lộ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi trình diễn, các chương trình giao lưu văn hóa, các chương trình hội diễn nghệ thuật quần chúng và nâng tầm những giá trị văn hóa truyền thống trở thành thương hiệu riêng tại các lễ hội trong năm, đặc biệt là lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò tổ chức hàng năm.
Đây chính là những hoạt động thiết thực để tạo môi trường cho các giá trị văn hóa phát huy giá trị. Hiện nay, Xòe Thái đã trở thành thương hiệu văn hóa nổi bật của Nghĩa Lộ. Xòe được tổ chức trong những hoạt động thường ngày, trong các sự kiện lớn, nhỏ, các lễ hội.
Đặc biệt, 6 điệu xòe cổ đều đặn được tổ chức thành một màn riêng trong lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò hàng năm với sự tham gia của hàng ngàn người, tạo thành những màn đại xòe độc đáo, hấp dẫn.
Chị Đinh Thị Hiến - thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An chia sẻ: "Được tuyên truyền về việc chung tay, góp sức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nên tôi cũng thường xuyên tam gia diễn xòe trong lễ hội văn hóa - du lịch hàng năm, coi đó như là một phần trách nhiệm của bản thân mình trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương”.
Cùng với đó, thị xã chú trọng tôn vinh các nghệ nhân trong lĩnh vực trình diễn văn hóa dân gian để ghi nhận công lao và khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa. Bởi các nghệ nhân là những người nắm giữ, thực hành, truyền dạy và bảo tồn những tinh hoa của những giá trị văn hóa đó cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc thù, nhất là huy động sự đóng góp lớn lao của chính người dân, bức tranh văn hóa nơi đây đậm đà màu sắc trong cuộc sống hôm nay. Những nét đẹp truyền thống trong các phong tục, tập quán như cưới hỏi, tang lễ, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục… vẫn được giữ gìn. Nhiều thôn, bản bảo tồn được kiến trúc nhà truyền.
Các lễ hội "Xên bản”, "Xên mường” - tức là cúng bản, cúng mường nhằm tri ân các bậc có công khai phá và đấu tranh bảo vệ đất Mường Lò; Hội Hạn Khuống - một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái đối đáp giao duyên; Hội "Lồng Tồng” tức Hội Xuống đồng - một sinh hoạt độc đáo của cư dân lúa nước… được phục dựng, hiện hữu. Đặc biệt là xòe Thái không những được giữ gìn mà ngày càng được phát huy mạnh mẽ giá trị, thậm chí còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm múa cổ tính nghệ thuật cao…
Đến nay, thị xã có 2 di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; 3 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cấp tỉnh; 3 kỷ lục Guinness Việt Nam được xác lập, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những thành quả đó góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng thị xã văn hóa - du lịch của Nghĩa Lộ.
Thu Hạnh