Tục lệ Mông - khát vọng cuộc sống yên bình, hạnh phúc
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong quan hệ gia đình, cộng đồng, người Mông thường tiến hành một số tục lệ cổ truyền, ví dụ sinh đẻ, cưới xin, lễ tết, ma chay… Những tục này đều phản ánh ước muốn một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, thậm chí là sự thanh thản cho những người đã khuất. Tục lệ đôi khi kèm theo những nghi lễ (có yếu tố thần linh) nên rất phức tạp, đa dạng.
Đi chợ vùng cao. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Dưới đây là một số tục, hy vọng góp phần kinh nghiệm khi giao tiếp với đồng bào Mông nơi rẻo cao cũng như gìn giữ, phát huy tại cộng đồng của họ những yếu tố tích cực.
Tục ứng xử trong cộng đồng
Chào mời: Khách đến nhà, chủ nhà đon đả chào khách trước (nếu để khách nhanh miệng thăm hỏi, có nghĩa là khách chê mình chậm mồm). Đến bữa ăn, chủ nhà phải mời 3 lần bằng câu: "Nào máo mà!" (ý bảo ăn cơm thôi). Đến lúc đó, khách mới cầm bát, đũa. Ít khi chủ mời 1, 2 lần vì làm như thế là chưa thật lòng đãi khách. Ngày Tết, người Mông thường lấy thịt lợn hoặc thịt thú rừng treo sấy trên bếp cao xuống tiếp khách, bạn bè (dù đã mổ gà) Tục này ngụ ý, chủ nhà chăn nuôi giỏi, săn bắn tài nên mới sẵn, mới đầy đủ, đồng thời thể hiện tính hiếu khách, lòng tự hào… Ra về, khách được đưa tiễn bằng một cặp bánh dày, một miếng thịt lợn.
Với bà con trong bản, gia đình nào có việc lớn như cưới xin, làm nhà hoặc gặp rủi ro hoạn nạn, người Mông có tục giúp nhau nhân lực, tiền, gạo, rượu mà không đòi hỏi sau này phải trả.
Không may, nhà có người chết, khách đến viếng, thợ kèn thổi bài khèn đón khách lúc đến, thổi bài khèn tiễn khách đi. Khi khách phúng viếng, anh em trai, chị em gái, dâu rể đều phải quỳ đáp lễ. Chờ khi nào khách gật đầu công nhận rằng, con cháu đã khóc lóc kể công ơn cha, mẹ (những người chết) và làm xong thủ tục, lúc đó mới được thôi quỳ, khóc.
Ở đây, cũng nói thêm: người Mông không có tục giỗ. Việc thờ cúng tính 3 đời (bố mẹ, đời mình và đời con). Cũng có họ người Mông như họ Thào thì thờ cúng 5 đời (đời ông bà, đời cha mẹ, đời mình, đời con, đời cháu).
Tục thừa kế gia đình
Chia tài sản: Chỉ người con trai mới được nhận tài sản (vì con trai mới là người nối dõi, kế nghiệp ông cha). Con gái lấy chồng là đi họ khác.
Trả của: Khi người phụ nữ bỏ chồng, lấy chồng khác thì phải trả của khi xưa cưới (hiện tại, tục này đã có phần đổi mới, nghĩa là trả một phần hoặc không phải trả). Trường hợp người vợ bị chồng bỏ thì đương nhiên không phải trả của.
Của hồi môn: Con gái về nhà chồng thường được bố mẹ đẻ cho váy áo mới. Nhà khá còn cho đem theo vàng, bạc, của cải, trâu, bò hay lợn. Người Mông coi đó là của hồi môn. Trường hợp người con dâu chẳng may qua đời sớm thì nhà trai mang trả cho nhà gái một nửa số của "hồi môn" đó, kể cả trâu, bò, lợn…
Tục lễ, tết liên quan đến đời sống nông nghiệp
Người Mông có rất nhiều lễ, tết. Có bao nhiêu lễ, tết là có bấy nhiêu tục lệ. Theo nghiên cứu, sưu tầm thì họ có tới 9 lễ, tết. Ví dụ: lễ Tết, lễ cúng tổ tiên, lễ ăn thề, lễ cầu may, lễ gọi hồn, lễ cưới, lễ nhận con nuôi, lễ hội chơi xuân, lễ hội gầu tào… Dưới đây là một số tục tiêu biểu, phản ánh đời sống nông nghiệp qua màn sương thần linh. Những tục này phần nào nói lên ước mong một đời sống ấm no, hạnh phúc của họ.
Tháng 2, 3 cúng cầu nước: Với người Mông, nước là tài sản quý. Núi cao mà không có nước không thể làm ăn, nói gì sinh sôi, nảy nở. Dịp này, nhiều gia đình giết lợn, mổ gà cúng N'tù (Thần trời) để cầu mưa thuận, gió hòa.
Tục ăn quy ước: Bắt đầu vào vụ sản xuất, mọi người trong bản góp nhau mua lợn mổ ăn. Mục đích cùng nhau bàn quy ước mới trong cộng đồng. Ví dụ, họ thống nhất, năm này trâu, bò, dê phải chăn thả ở nơi quy định, không để mùa màng bị phá. Họ cũng thống nhất không được trộm cắp tài sản của nhau, nhất là của cải, sản vật trồng trọt ngoài nương rẫy. Mọi người cùng có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự làng bản. Cuối cùng, ai vi phạm sẽ bị phạt. Vi phạm nặng sẽ còn phải đền bù phí tổn bữa ăn quy ước mà làng, bản tổ chức (đây là tục rất hay, tục xưa nhưng vẫn còn tính thời sự đáng trân trọng, giữ gìn và phát huy, nhất là quá trình xây dựng bản, làng văn hóa hiện tại).
Tục mừng cấy: Tùy gia đình, cấy xong sẽ giết gà, mổ lợn cúng thần nông để mùa màng tươi tốt.
Tục cúng trừ sâu hại lúa vào dịp 15-7: Để cây trồng phát triển, cứ đến ngày này, người Mông mổ lợn cúng thần núi, thần sông giúp bà con được mùa, lúa ngô không bị sâu phá (bây giờ có khoa học, họ đủ thuốc men phòng trừ, tuy nhiên bà con vẫn lưu tục lệ này).
Tháng 9 với tục cơm mới: Gặt lúa sớm, lại mổ lợn, làm thêm bánh dày cúng cơm mới. Thường họ mổ lợn to để đủ thức ăn trong vụ thu hoạch.
Tóm lại, như bao dân tộc khác, cộng đồng người Mông cũng có nhiều tục lệ bắt nguồn từ cuộc sống lao động. Tuy một số tục lệ mang màu sắc tâm linh nhưng đều thể hiện ước vọng vươn lên, làm chủ cuộc sống ngày càng tươi đẹp, hạnh phúc.
Có thể xem, đây cũng là nét các văn hóa đặc trưng, là phong tục tập quán của một tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Bùi Huy Mai
Các tin khác
YBĐT - Trời đã cuối đông, những đợt rét đậm kéo dài dần được xua tan bằng những tia nắng xuân ấm áp. Vạn vật như căng tràn nhựa sống, những chồi non lộc biếc đang cựa mình đơm hoa khoe sắc. Chút giá lạnh về đêm dần được xua tan bởi những âm thanh nhộn nhịp của ngày mới khi những tiếng chim chào buổi sáng đã râm ran sau hè.
YBĐT - Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II lan rộng khắp thế giới. Ở nước ta, quân Nhật, quân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng, nhân dân ta một cổ hai tròng, đời sống rất khổ cực. Năm 1941, Bác Hồ về nước, thiết lập căn cứ địa Việt Bắc, phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước ngày một dâng cao.
YBĐT - Thời gian qua, ngành VHTT Yên Bái đã xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
YBĐT - Tháng 6 và 7/2006, Bảo tàng tỉnh Yên Bái triển khai khai quật lần 3 di tích Hắc Y. Cuộc khai quật này chia làm 2 đợt: đợt 1 điều tra thám sát trên diện rộng tại một số xã của huyện Lục Yên; đợt 2 tập trung khai quật khu Chùa Bến Lăn và Chùa Hắc Y.