Di tích lịch sử cách mạng Căng - Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II lan rộng khắp thế giới. Ở nước ta, quân Nhật, quân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng, nhân dân ta một cổ hai tròng, đời sống rất khổ cực. Năm 1941, Bác Hồ về nước, thiết lập căn cứ địa Việt Bắc, phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước ngày một dâng cao.
Học sinh thị xã Nghĩa Lộ bên di tích lịch sử Căng và đồn Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Hoàng Nhâm)
|
Sau vụ bạo động cách mạng ở Đình Cả - Thái Nguyên, thực dân Pháp tìm cách chuyển tù chính trị phạm sang Tây Bắc. Mùa hè năm 1944, chúng đã xây dựng Căng Nghĩa Lộ trên đồi Pú Trạng về phía Nam thị xã Nghĩa Lộ nằm trong cánh đồng lòng chảo Mường Lò. Căng được xây dựng khá kiên cố gồm 3 dãy nhà dài, 2 dãy giam tù chính trị phạm nam, dãy phía trong giam tù chính trị phạm nữ. Căng được bao bọc bởi 3 hàng rào dây thép gai và hàng rào tre nứa, có hào sâu cắm chông và được địa hình dốc đứng ngăn cách, bên ngoài là trạm gác của lính khố xanh dưới sự chỉ huy của tên đồn trưởng người Pháp và một trung đội lính khố xanh do tên quản nhượng đội Mai, cai Tác chỉ huy được trang bị vũ khí đầy đủ. Đầu năm 1945, các chiến sỹ cộng sản được chuyển từ Căng Bá Vân - Thái Nguyên sang Căng - Nghĩa Lộ. Trên đường di chuyển, các chiến sỹ vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản, hát vang những bài ca yêu nước và tranh thủ tuyên truyền đường lối, chính sách của Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật ở những nơi gặp gỡ nhân dân, đặc biệt là thị xã Yên Bái và Nghĩa Lộ phố. Riêng ở khu vực Nghĩa Lộ phố, tên đồn trưởng Xive đã thông báo nghiêm cấm tuyệt đối nhân dân không được họp chợ, không được qua lại ngoài đường phố, nhà nào đóng cửa nhà ấy. Mặc dù vậy, khoảng 15h chiều ngày 01/02/1945, đoàn tù chính trị phạm đến phố Nghĩa Lộ, chỗ nào đông người thì anh em đi chậm lại, lên tiếng công khai vạch mặt đế quốc Pháp, phát xít Nhật và bọn tay sai bán nước; giải thích 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.
Ngay từ những ngày đầu đến trại giam (Căng - Nghĩa Lộ), Chi bộ Cộng sản Đông Dương đã được thành lập và thành lập Ủy ban lãnh đạo tối cao (còn gọi là Ủy ban nhà tù), gồm các đồng chí Phạm Quang Thẩm, Nguyễn Sỹ Nghiêm, Vương Thừa Vũ, Trần Huy Liệu, Trần Đức Sắc và thành lập các tiểu ban để đồng bộ tranh đấu đòi quyền lợi. Tiểu ban Chính trị kiêm ngoại giao do đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Phúc, Trần Đức Sắc phụ trách; Tiểu ban Quân sự do đồng chí Vương Thừa Vũ phụ trách, ngoài ra còn có Tiểu ban Tuyên truyền ấn loát, địch vận, binh lương, tham mưu, y tế... Còn 1 trung đội thường trực gồm các anh em có thể lực tốt và ra mắt tờ báo Đường Nghĩa. Báo ra đời được luân chuyển bí mật với mục đích giác ngộ binh lính khố xanh đi theo con đường chính nghĩa của Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật. Chỉ trong một thời gian ngắn, báo đã phát huy tác dụng đối với binh lính địch, thanh niên ở phố Nghĩa Lộ, Bản Hẻo và lôi cuốn lực lượng này tham gia cách mạng sau này.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Đảng ta đã ra Chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Lúc này, thực dân Pháp bại trận, lũ lượt kéo nhau lên Nghĩa Lộ tìm đường chạy trốn sang Vân Nam (Trung Quốc). Nắm lấy thời cơ, Chi bộ Đảng Căng - Nghĩa Lộ chủ trương quyết định đấu tranh vũ trang, đề ra các phương án kế hoạch cụ thể kết hợp với binh lính người Việt được giác ngộ. Trước thanh thế cách mạng lên cao, chiều ngày 12/3/1945, tên đồn trưởng Xive cho mời đại diện anh em tù chính trị thảo luận hòng lợi dụng tù chính trị giúp Pháp chống Nhật nhưng cuộc thương thuyết không thành.
Đứng trước tình hình này, các tù chính trị phạm rất nôn nóng, ai cũng muốn nhanh chóng thoát khỏi ngục tù để ra hoạt động cách mạng. Chi bộ Đảng họp bất thường, triệu tập toàn Căng nhận định tình hình và nhất trí quyết định khởi nghĩa vào đêm 15/3/1945. Cuộc khởi nghĩa có sự tham gia của binh lính người Việt trong quân đội Pháp, nhưng do kế hoạch bị lộ, Chi bộ quyết định hoãn khởi nghĩa đến đêm 18/3/1945. Chiều ngày 17/3/1945, tên phó sứ Yên Bái Penlie cùng tên đồn trưởng Xive đi kiểm tra các trại trong Căng. Do thái độ xấc xược, anh em tù chính trị phạm phẫn nộ đã bột phát quật ngã tên phó sứ. Cuộc hỗn chiến xảy ra, địch đã nổ súng làm 9 đồng chí hy sinh và một số khác bị thương, các đồng chí cũng đã kịp thời cứu các đồng chí bị thương vượt rào chạy vào rừng, thoát khỏi vòng vây, trở về Chiến khu Vần - Hiền Lương và tỏa đi các địa phương khác tham gia tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Các chiến sỹ vượt ngục tù Nghĩa Lộ ngày 17/3/1945 sau này nhiều người trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng ta.
Để ghi nhớ công trọng của các liệt sỹ, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tổ chức Đảng đã tìm và phát hiện ra nơi an nghỉ của 9 liệt sỹ. Kể từ đó đến nay, đất thiêng nơi các anh nằm vẫn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Nghĩa Lộ coi sóc, tôn tạo và được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Đình Hoàn
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, ngành VHTT Yên Bái đã xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
YBĐT - Tháng 6 và 7/2006, Bảo tàng tỉnh Yên Bái triển khai khai quật lần 3 di tích Hắc Y. Cuộc khai quật này chia làm 2 đợt: đợt 1 điều tra thám sát trên diện rộng tại một số xã của huyện Lục Yên; đợt 2 tập trung khai quật khu Chùa Bến Lăn và Chùa Hắc Y.
YBĐT - Đón tết cổ truyền dân tộc năm nay, đồng bào Mông bản Làng Giàng xã Nậm Có vui hơn bao giờ hết bởi có thêm đoàn Nghệ thuật của tỉnh về biểu diễn phục vụ dân bản. Đây chỉ là một trong số gần 100 chuyến lưu diễn của Đoàn tại các thôn bản xa xôi của tỉnh trong năm 2006. Trên thực tế khó mà kể hết nỗi gian truân của đội ngũ những người làm công tác này.
YBĐT - Không còn những sóng lúa vàng tươi sóng sánh uốn lượn theo những sườn đồi thơ mộng, vùng cao Yên Bái mùa này ngàn lau trắng nở. Trên những triền đồi sương giá xao xác cỏ khô, duy chỉ có những đoá cúc quỳ nở muộn là kiêu hãnh, cánh vàng mỏng manh vươn ra đón gió. Cúc quỳ muộn trông xa như những đốm lửa nhỏ sưởi ấm núi rừng, xua đi cái giá lạnh khắc nghiệt của vùng cao.