Kết quả khai quật lần 3 di tích Hắc Y
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tháng 6 và 7/2006, Bảo tàng tỉnh Yên Bái triển khai khai quật lần 3 di tích Hắc Y. Cuộc khai quật này chia làm 2 đợt: đợt 1 điều tra thám sát trên diện rộng tại một số xã của huyện Lục Yên; đợt 2 tập trung khai quật khu Chùa Bến Lăn và Chùa Hắc Y.
Các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam đang nghiên cứu các hiện vật được khai quật tại Di tích Khảo cổ Hắc Y - Đại Cại (Lục Yên). (Ảnh: Sơn Nam)
|
Đợt 1: Đoàn tổ chức khảo sát, điều tra mở rộng tại 9 xã là: Yên Thắng, Minh Xuân, Mai Sơn, Lâm Thượng, Mường Lai, Vĩnh Lạc, Minh Tiến, Liễu Đô, Tân Lĩnh với mục tiêu chủ yếu tìm kiếm các dấu tích của thời Trần, trọng tâm là những khu mộ cổ. Tại nhiều nơi đã có dấu vết của nghĩa trang cổ như: Bản Giạng (Minh Xuân), Nà Mặc (Yên Thắng), Nà Quành, Thôn Bưa (Mường Lai), Làng Nghè (Mai Sơn), Đồng Cậu (Tân Lĩnh)… trong đó đã tổ chức đào thám sát tại 3 điểm là Bản Giạng (Minh Xuân), Nà Mặc (Yên Thắng), Thôn Bưa (Mường Lai). Còn nhiều điểm đã bị nhân dân đào từ trước và thu được rất nhiều đồ sứ có giá trị. Tại các hố thám sát, nhìn chung không thu được di vật; tại các khu được xác định là nghĩa địa cổ còn vương vãi nhiều bia mộ. Qua điều tra và khảo cứu các bộ sưu tập gốm sứ cổ còn trong nhân dân cho biết, tại Lục Yên có rất nhiều bãi đồ cổ mà thực chất là những khu nghĩa địa cổ, do tục chôn cất thời này có thể là hỏa táng cho nên không có dấu vết của hài cốt.
Đợt 2: Đoàn tập trung khai quật di tích Chùa Bến Lăn. Tại đây năm 2005 đã đào thám sát 11 hố, trong đó 2 hố có 2 tháp đất nung (9 tầng) còn khá đầy đủ, đã được tỉnh cho xây nhà bảo vệ. Kết quả, trên một diện tích hơn 1.000m2 đã phát lộ thêm 12 tháp, đa phần còn cả móng tháp, trong số đó có 1 tháp lớn (tháp số 11) với cạnh của móng là 4mx4m. Các thành phần của hệ thống tháp này phần nhiều cũng bị hủy hoại, đặc biệt tòa tháp lớn số 11, di vật thu được rất ít (một phần chóp tháp, vài mảnh thuộc phần bệ tháp với trang trí hoa văn thủy ba). Hệ thống tháp này được bố trí thành 2 hàng đối xứng qua trục thần đạo. Đặc biệt đã phát hiện 1 bức tường đá có 4 cạnh bao bọc khu chùa tháp, với 1 cửa chính quay về hướng đông nam. Ở đây, có một số đoạn còn phần dưới của tường, khá nguyên vẹn: dưới cùng được gia cố bằng 1 lớp sỏi, phần tường làm bằng đá vôi, xen kẽ có gạch và ngói thời Trần, liên kết bằng bùn đất; bức tường nhiều đoạn đã bị đổ sang 2 bên, song chân tường vẫn còn khá nguyên vẹn, đoạn cao nhất còn lại khoảng 80cm, chiều dày của tường khoảng 1,5m, chu vi cả 4 bức tường là 293m. Đây là bức tường đá thời Trần lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam. Hai tháp phát lộ năm 2005 đang được bảo tồn cũng là những tháp còn nguyên vẹn lần đầu biết đến ở nước ta. Tòa tháp tại đồi Hắc Y với kết cấu phần chân tháp bằng đất nung, khắc hoa văn thủy ba cũng là loại hình đầu tiên được phát hiện. Riêng về tháp ở đây cũng đã cung cấp cho khoa học nhiều điều mới mẻ.
Các di vật ở Chùa Bến Lăn cũng khá phong phú: tượng có ít nhất 2 chim phượng hoàng (1 con còn khá nguyên vẹn đầu và mỏ), 2 rồng (bị vỡ nhiều mảnh), đầu sư tử (máng xối) và chim uyên ương gắn trên ngói bò nóc.
Vật liệu xây dựng có: gạch chữ nhật, ngói mũi lá, ngói mũi hài, ngói cánh én, ngói bò nóc. Ở ngói mũi hài một số viên có gắn lá đề cân, ngói bò nóc gắn lá đề lệch, chim uyên ương. Gạch ốp trang trí đất nung có hoa văn cúc dây, cánh sen. Tường tháp có văn hoa chanh, hoa cúc. Đặc biệt, có 1 mảnh tường tháp loại nhỏ có in chữ Trung Quốc, tuy nhiên một phần đã mất, chỉ còn 41 chữ, xếp thành 8 hàng. Sơ bộ qua văn tự khắc trên bức tường tháp này cho biết, chùa có liên quan đến một vị tướng, liên quan đến vua và có 3 chữ: Thằng Cại Tự.
Nhóm sành sứ cũng bị vỡ vụn, chỉ có một số đồ sành còn nguyên vẹn, đường kính 15 - 17 cm, cao từ 5 - 10 cm. Đồ sứ có chậu, bát, đĩa, âu... Nhóm hiện vật đất nung còn có đài bát giác. Đồ sắt: có 63 đồng tiền, trong đó 58 đồng là tiền Trung Quốc, 5 đồng tiền Việt Nam (niên hiệu Trị Bình và Nguyên Phong), sớm nhất là thời Đường Trung Quốc (thế kỷ IX), muộn nhất là thời Trần Việt Nam (thế kỷ XIII). Qua đó có thể cho rằng, khu chùa này được dựng muộn nhất vào thế kỷ XIII.
Qua đây có thể rút ra vài nhận xét sau:
Thứ nhất, khu vực Bến Lăn vào thời Trần có một tập hợp kiến trúc Phật giáo khá đồ sộ, bao gồm chùa, hệ thống tháp, tường bao nằm trên diện tích hàng héc-ta. Chùa ở đây khá lớn, hệ thống tháp cũng khá nhiều, trong đó có cả tháp loại lớn. Khu chùa này có liên quan đến những vị tướng của nhà Trần đóng ở đây để ngăn chặn quân Nguyên Mông (thế kỷ XIII).
Thứ hai, khu Chùa Bến Lăn nằm trong hệ thống chùa được xây dựng xung quanh chân núi Thần Áo Đen (Hắc Y) và có niên đại gần như nhau, đó là Chùa Hắc Y, Chùa Dõng và xa hơn nữa có mối liên hệ với Chùa São (cũng có niên đại thời Trần). nhiều nơi trong huyện Lục Yên, khi khảo sát đều thấy có nhiều địa điểm có chùa, song tất cả chỉ còn là phế tích, có chùa không còn dấu tích nào, chỉ còn trong trí nhớ của nhân dân. Điều đó cho thấy, vào thời Trần, Lục Yên là nơi Phật giáo khá phát triển, nếu dày công nghiên cứu sẽ đưa ra ánh sáng nhiều điều rất thú vị.
Thứ ba, để có thể nhận diện được toàn bộ di tích Chùa Bến Lăn, rất cần có cuộc khai quật tiếp theo nhằm khai quật toàn bộ khu di tích, trước mắt là trong khu tường bao đã được xác định (5.000m2), đồng thời cần có hệ thống tường rào và nhà bảo vệ những thành phần di tích đã xuất lộ.
Nguyễn Văn Quang
Các tin khác
YBĐT - Đón tết cổ truyền dân tộc năm nay, đồng bào Mông bản Làng Giàng xã Nậm Có vui hơn bao giờ hết bởi có thêm đoàn Nghệ thuật của tỉnh về biểu diễn phục vụ dân bản. Đây chỉ là một trong số gần 100 chuyến lưu diễn của Đoàn tại các thôn bản xa xôi của tỉnh trong năm 2006. Trên thực tế khó mà kể hết nỗi gian truân của đội ngũ những người làm công tác này.
YBĐT - Không còn những sóng lúa vàng tươi sóng sánh uốn lượn theo những sườn đồi thơ mộng, vùng cao Yên Bái mùa này ngàn lau trắng nở. Trên những triền đồi sương giá xao xác cỏ khô, duy chỉ có những đoá cúc quỳ nở muộn là kiêu hãnh, cánh vàng mỏng manh vươn ra đón gió. Cúc quỳ muộn trông xa như những đốm lửa nhỏ sưởi ấm núi rừng, xua đi cái giá lạnh khắc nghiệt của vùng cao.
YBĐT - Bám sát nhiệm vụ chính trị cũng như các hoạt động văn hóa của địa phương, năm 2006, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tổ chức được hơn 140 buổi trưng bày và mở cửa thu hút gần 23.000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử.
YBĐT - Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh vừa tổng kết công tác năm 2006 và triển khai nhiệm vụ năm 2007.